Xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại

Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 và đang cần nhiều văn bản hướng dẫn theo phạm vi điều chỉnh của luật, trong đó có lĩnh vực thương mại. Hiện nay đã có một số nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong hoạt động thương mại hoặc liên quan đến hoạt động thương mại, gồm: thương mại; sản xuất và kinh doanh rượu, thuốc lá; sản xuất và buôn bán hàng cấm, hàng giả; đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, gian lận thương mại; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; lĩnh vực cạnh tranh; thương mại điện tử...

Thời gian qua, nhiều quy định mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được ban hành, như Nghị định số 100/2011/NÐ-CP quy định về thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 94/2012/NÐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu; Nghị định số 94/2012/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Mặc dù hầu hết các văn bản này mới ban hành hoặc mới sửa đổi, bổ sung nhưng do được ban hành riêng rẽ và tại các thời điểm khác nhau, cho nên thiếu thống nhất về chính sách xử lý, một số quy định về hành vi vi phạm bị trùng lắp, còn bỏ sót hành vi vi phạm...

Công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý VPHC trong hoạt động thương mại yêu cầu phải rà soát, chỉnh sửa, sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại. Thực tiễn đòi hỏi sớm ban hành một văn bản mới mang tính bao quát, bảo đảm phù hợp, đồng bộ và thống nhất với Luật Xử lý VPHC và các quy định pháp luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật xử lý VPHC nói riêng. Nghị định mới cần được xây dựng trên một số nguyên tắc, đó là: Kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và vướng mắc về pháp lý trong thực tiễn áp dụng các văn bản hiện hành. Thể hiện đường lối, chính sách xử lý nghiêm minh, triệt để với các hành vi VPHC trong thương mại; bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh và người tiêu dùng; góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và lực lượng thực thi phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, nâng cao ý thức pháp luật của xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

YÊN THY

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/21570502-%20xu-phat-hanh-chinh-trong-linh-vuc-thuong-mai.html