Xử phạt hành vi giữ bản chính các văn bằng, chứng chỉ của người lao động

Khi được tuyển dụng, công ty có yêu cầu tôi nộp một bộ hồ sơ gồm bản chính các văn bằng chứng chỉ để đối chiếu, có viết giấy biên nhận giấy tờ bằng cấp, hẹn đến khi có kết quả tuyển dụng sẽ trả lại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên đến nay tôi đã vào công ty làm được một thời gian, tôi có yêu cầu công ty trả lại hồ sơ đó nhưng công ty nhiều lần từ chối.

Xin hỏi hành vi giữ bản chính các văn bằng, chứng chỉ của người lao động có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có công ty sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Tại Điều 20 Bộ luật lao động quy định:

“Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”

Việc công ty bạn giữ hồ sơ gồm bản chính các văn bằng chứng chỉ không trả lại cho người lao động là vi phạm quy định của Bộ luật lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

Hành vi vi phạm của công ty sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

Điều 8. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

...

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Buộc giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này.

Hành vi vi phạm của công ty bạn sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Áp dụng khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 8 là mức là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Công ty bạn sẽ bị áp dụng mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền nêu trên; Theo Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, thì xác định mức trung bình khung tiền phạt đối với công ty là 45.000.000 đồng.

Ngoài ra công ty còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP “buộc trả lại bản chính văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động”.

Tú Vy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xu-phat-hanh-vi-giu-ban-chinh-cac-van-bang-chung-chi-cua-nguoi-lao-dong-194744.html