Xử phạt hành vi thực hiện các dịch vụ, kinh doanh trái phép trong rừng
Ông Phạm Văn Ngãi (ngụ H.Vĩnh Cửu) thắc mắc, hành vi khai thác trái phép môi trường rừng và thực hiện các dịch vụ, kinh doanh trái phép trong rừng bị xử lý ra sao?
- Vấn đề này, Phó giám đốc phụ trách Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo giải đáp, căn cứ Điều 8, Nghị định 35/2019/NĐ-CP ban hành ngày 25-4-2019 (có hiệu lực từ ngày 10-6-2019) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp: phạt từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi tổ chức du lịch, tham quan trong rừng mà không được phép của chủ rừng. Phạt từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các trường hợp: tổ chức các dịch vụ, kinh doanh trong rừng mà không được phép của chủ rừng; tổ chức nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Phạt từ
10-25 triệu đồng đối với hành vi đầu tư hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc một trong các trường hợp: không lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhưng không phù hợp với đề án du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
“Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài bị phạt tiền còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định của pháp luật hoặc buộc lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 8 mà gây thiệt hại đến rừng hoặc lâm sản, thì bị xử phạt theo Điều 13 (khai thác rừng trái phép) hoặc Điều 20 (phá rừng trái phép) của Nghị định 35/2019/NĐ-CP” - ông Nguyễn Hoàng Hảo lưu ý.
Diễm Quỳnh(ghi)