Xử phạt học sinh sao cho đúng?
Trong thời gian vừa qua đã xảy ra rất nhiều hình thức xử phạt khi học sinh mắc lỗi như: cho các bạn tát, uống nước rẻ lau bảng hay nhốt vào tủ khiến dư luận bức xúc. Vậy xử phạt thế nào cho đúng, có giới hạn nào trong xử phạt học sinh?
Lôi kéo, quát mắng, nhốt vào tủ đồ… là cách xử lý của giáo viên cơ sở mầm non Maple Bear Việt Nam thực hiện khi học sinh không nghe lời. Tuy nhiên, đây chỉ là 1 trong rất nhiều hình thức kỷ luật tiêu cực, thậm chí là bạo lực xảy ra trong thời gian vừa qua.Khẩu hiệu “Yêu cho roi cho vọt”đã không còn phù hợp với môi trường giáo dục mới. Theo các chuyên gia, những hình phạt học sinh theo xu hướng tiêu cực đang chứng tỏ sự bế tắc của giáo viên.Trước áp lực của phụ huynh, xã hội về các hình thức xử phạt học sinh, nhiều thầy cô đã mất đi nhiệt huyết . Họ lên lớp bởi nghĩa vụ, học sinh sai sợ không dám xử phạt. Từ đó vai trò định hướng, giáo dục trẻ ở trường cũng bị hạn chế. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, các hình thức xử phạt cần phải có tiêu chí lựa chọn.
Còn với người viết ra khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập và cần tôn trọng các em, không thể tự cho người lớn đặc quyền được đứng trên các em và xử phạt như với người dưới. Có rất nhiều hình thức để có khen có phạt, nhưng làm sao để học sinh tiến bộ chứ không phải sử dụng nhục hình hay áp đặt sẽ là mục tiêu của ngành giáo dục cần hướng tới, để không còn những hình ảnh nhốt trẻ, hay phạt quỳ… diễn ra trên bục giảng.
Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/xu-phat-hoc-sinh-sao-cho-dung