Xử phạt học trò vi phạm, giáo viên đang rất lúng túng
Có lẽ trong thâm tâm mỗi thầy cô giáo đã đang đứng lớp luôn mong muốn học trò của mình ngoan hiền, lễ phép, biết vâng lời và có ý chí vươn lên trong học tập.
Có lẽ trong thâm tâm của mỗi thầy cô giáo đã, đang đứng lớp luôn mong muốn học trò của mình ngoan hiền, lễ phép, biết vâng lời và có ý chí vươn lên trong học tập. Chính vì thế mà mỗi thầy cô giáo cũng luôn cố gắng làm tốt nhất công việc hàng ngày của mình.
Thế nhưng, thực tế vẫn luôn có nhiều học sinh vi phạm dù không thầy cô nào muốn học trò của mình quậy phá, hỗn láo và phá đám trong lớp học.
Phạt học trò như thế nào để các em nghe lời mà bản thân người thầy không bị phụ huynh, xã hội lên tiếng, công việc của mình không ảnh hưởng luôn là điều đau đáu của mỗi thầy cô đứng lớp.
Lương tâm, trách nhiệm và cả nỗi sợ hãi khi có hàng loạt bài học của đồng nghiệp đã từng bị đuổi việc, đình chỉ công tác, bị kỷ luật, bị thuyên chuyển khiến cho giáo viên có lúc chùn bước trước những học trò vi phạm trong giờ học.
Giáo viên đang lúng túng trong việc xử lý…
Những lỗi mà học sinh vi phạm trong nhà trường thì có rất nhiều nhưng phổ biến nhất là có một số em đánh nhau, làm mất trật tự trong lớp, không làm bài tập, gọi trả bài, làm bài tập không thực hiện, giờ kiểm tra không làm bài nộp giấy trắng, chửi thề, nói bậy, xúc phạm giáo viên, trốn học đi chơi game…
Trước những vi phạm học trò, thông thường giáo viên nhắc nhở lần đầu, lần thứ 2, bắt viết bản tường trình, cam kết, bản tự kiểm, báo cho gia đình, mời gia đình vào trường phối hợp xử lý, phạt lao động, phạt trực vệ sinh, chép bài, hạ hạnh kiểm…
Thế nhưng, thực tế cho thấy những hình phạt mà giáo viên đang áp dụng không phát huy được hiệu quả, nhất là với một số em cứng đầu.
Nhiều khi mời gia đình vào, có Ban giám hiệu cùng xử lý, học sinh hứa xong rồi đâu lại vào đấy. Phạt lao động hay trực vệ sinh thì các em làm cho có làm, giáo viên lại thêm tức.
Phạt chép bài khi không học bài, không thuộc bài cũng chẳng phát huy tác dụng, chửi học trò, đánh học trò thì vi phạm đạo đức nhà giáo, xã hội lên lên tiếng…
Khi nói về chuyện học sinh vi phạm bây giờ, nhà thơ Vương Trọng đã từng bộc bạch: "Học trò thì thời nào cũng hiếu động và nghịch ngợm, nhưng hỗn láo thì chưa bao giờ có như bây giờ.
Chuyện một số em phá đám trong lớp, nói át lời cô giáo không còn cá biệt, hơn thế nữa có em cãi lại, mắng chửi, thậm chí đánh lại giáo viên đã xảy ra nhiều nơi.
Trong khi đó, ngành giáo dục không cho giáo viên một quyền gì cụ thể để kỷ luật học sinh ngoài việc phê bình, khiển trách, báo cáo với phụ huynh... là những hình thức kỷ luật mà học sinh hư không coi là gì! Một cô giáo phạt quỳ học sinh rồi bị kiểm điểm, phê bình vì đã "làm tổn thương" học sinh!
Thế thì có cách nào để giáo viên duy trì kỷ luật giờ học, trước sự phá phách của những học sinh cá biệt? Đánh đập thì rõ ràng không nên, khuyên giải thì các em đó không nghe, luôn phá đám, gây cười...
Gần đây ngành giáo dục sử dụng hai chữ "tổn thương" rất lạ tai. Một giáo viên bị kỷ luật vì bắt quỳ học sinh là vì đã làm tổn thương học sinh!
Chính những quan niệm tổn thương lạ lùng này đang phá nát ngành giáo dục! Tôi có người bạn là giáo viên dạy giỏi nổi tiếng, nhưng đã xin nghỉ hưu non, dù kinh tế gia đình rất eo hẹp.
Hỏi lý do thì được biết người thầy đó hoàn toàn bất lực vì học sinh hư. Với những quyền được phép hiện nay, tôi tin nhiều giáo viên tự trọng sẽ hành động như thế!".
Nói chung, nhiều khi có giáo viên hiện nay cảm thấy bất lực bởi áp dụng mọi biện pháp không phát huy hiệu quả. Nhất là khi không có sự phối hợp của gia đình học trò mà họ lại có những lời lẽ khó chịu với thầy cô…
Trách nhiệm, tình thương nhưng phải có kỷ cương thì giáo viên mới dạy được
Khi giáo viên đứng lớp, không chỉ là trách nhiệm của một người thầy mà ở đó còn có cả tình thương của người thầy dành cho học trò, của người đi trước đang tận tình chỉ bảo các em.
Có vui, có yêu thương nhưng cũng không tránh khỏi những lúc giận hờn, trách móc khi học trò không nghe lời, không chịu học tập. Nếu trường học không có kỷ cương thì học trò dễ vi phạm và thầy cô khó lòng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Lớp học có mấy chục học trò nên không thể nào lúc nào cũng dành tình yêu thương cho các em được bởi những tình huống sư phạm phát sinh, những khi học trò hư hỗn, đánh bạn, chửi bạn, hỗn láo với thầy cô thì vẫn cần những hình thức xử phạt.
Phạt học trò ở đây không phải là nhục mạ hay xâm hại đến thân thể học trò mà phải có những biện pháp cứng rắn. Trường học, lớp học phải có nội quy bởi trẻ em không phải lúc nào cũng chỉ có nhẹ nhàng, yêu thương mà đôi lúc cũng có khi cần phạt, cần tuân theo nguyên tắc nhất định.
Thế nhưng, giáo viên lúng túng bởi mọi văn bản hướng dẫn hiện hành của ngành gần như chỉ hướng tới những cụm từ “thân thiện”, “hạnh phúc”…mà chưa có những văn bản hướng dẫn về việc xử lý khi học sinh vi phạm như thế nào, cụ thể ra sao!
Những hình thức kỷ luật học trò chủ yếu mới dừng lại ở mức khiển trách, cảnh cáo toàn trường, cao lắm là đuổi học 1 tuần…rất hiếm có trường hợp đuổi học 1 năm.
Mỗi khi trong trường, trong lớp học sinh vi phạm, thậm chí là đánh, đâm thầy cô của mình thì nhà trường vẫn hướng tới cách giải quyết nhẹ nhàng và nhân văn nhất…Vì trường học mà đuổi học trò thì còn nơi nào nhận các em nữa?
Thế nhưng, giáo viên phạt học sinh thụt dầu vài cái là xã hội đã lên tiếng oán trách thầy cô rồi. Sức ép của dư luận khiến cho một số lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành chỉ tập trung xử lý giáo viên, kỷ luật giáo viên.
Một số giáo viên đang đơn độc, thậm chí phải lờ đi những vi phạm, những hỗn láo của học trò để tránh những phiền toái cho mình bởi chỉ dùng một biện pháp cứng nhắc là phụ huynh lên tiếng trách móc…
Đa số học trò vẫn chăm chỉ học hành và có những hành vi ứng xử phù hợp trong học đường nhưng vẫn có một bộ phận học trò hỗn láo, không chịu học hành mà đôi lúc nhà trường, thầy cô bất lực, buông tiếng thở dài...!