Xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực trật tự xã hội đảm bảo đúng quy định
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 144 ngày 31/12/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (viết tắt là Nghị định số 144). Đồng thời củng cố, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh chỉ đạo đổi mới hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin tuyên truyền, tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội để người dân trên địa bàn dễ tiếp cận.
Ngoài ra, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và phối hợp với Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến UBND cấp huyện với hơn 1.000 lượt cán bộ, công chức, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tham dự. Một số sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện chủ động mời báo cáo viên thuộc Sở Tư pháp tập huấn, hướng dẫn về công tác xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, Sở Tư pháp thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bằng văn bản hoặc tư vấn trực tiếp cho các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, nhất là đối với những vụ việc phức tạp.
Đặc biệt, thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện đúng trách nhiệm, thẩm quyền xử phạt theo quy định. Trong các kế hoạch, quyết định của UBND tỉnh về kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (trong đó có các lĩnh vực được quy định tại Nghị định số 144) đều có phân công trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, đơn vị, đảm bảo không chồng chéo trách nhiệm giữa các lực lượng trong tổ chức thực hiện. Phân công trách nhiệm cho Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định tính pháp lý của hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực nói trên và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền.
Qua 2 năm thực hiện Nghị định số 144, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 3.878 vụ vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với 4.879 đối tượng vi phạm, với tổng số tiền phạt gần 14,4 tỷ đồng. Hành vi vi phạm phổ biến như: gây mất trật tự công cộng; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; vi phạm quy định về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm; trộm cắp, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản...
Bên cạnh đó, lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh phát hiện, xử lý 1.387 vụ vi phạm, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với 5.341 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng; phát hiện, xử lý 116 vụ vi phạm hành chính ở lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 5 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình với tổng số tiền phạt là 60 triệu đồng.
Mặc dù trong thực tế có phát sinh vụ việc nhiều hơn, tuy nhiên sau khi xảy ra vụ việc, người dân thường có tâm lý e ngại nên tự giải quyết trong nội bộ gia đình, không trình báo với cơ quan chức năng.
Theo ngành chức năng tỉnh, liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 144, mức tiền phạt các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống tệ nạn xã hội (đặc biệt là các hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, mua dâm, bán dâm, đánh bạc trái phép...) còn thấp nên chưa đủ tính răn đe. Do đó, người vi phạm phớt lờ, xem nhẹ các quy định của pháp luật, vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, làm giảm hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi phạm, ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội tại địa phương.
Nhìn chung, Nghị định số 144/2021 là công cụ pháp luật điều chỉnh kịp thời các mối quan hệ phát sinh trên các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội. Đồng thời đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật, phòng, chống tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, giữ vững an ninh, trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.