Xử phạt vi phạm luật giao thông: 'Nắn' ý thức cộng đồng

Ngày đầu năm mới 2025 cũng là ngày Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực với việc tăng mạnh mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông.

Không gian giao thông đã có những hình ảnh mới

Trong số những quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các quy định về xử lý hành vi vi phạm luật giao thông được nhiều người xem là ấn tượng hơn cả.

Ấn tượng không chỉ bởi việc tăng nặng mức xử phạt, trong đó, có nhiều hành vi gấp nhiều chục lần so với trước đây, mà còn bởi tổng số tiền phạt đã lên đến con số hàng chục tỷ đồng khi chỉ mới qua mấy ngày áp dụng Nghị định 168. Điều này đủ để thấy mức độ vi phạm, ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông còn rất nhiều hạn chế!

Đáng chú ý, các lỗi vi phạm được xử lý đều thuộc các hành vi mang tính cố ý của người tham gia giao thông mà lâu nay dường như đã trở thành một thói quen khó bỏ, nghiễm nhiên tồn tại trong "bức tranh" giao thông ở Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Những hành vi cố ý đó không chỉ làm xấu xí bộ mặt giao thông ở Việt Nam mà đáng quan ngại hơn là tiềm ẩn những yếu tố gây nguy hiểm không chỉ ngay với người ngồi trên phương tiện mà còn cho người tham gia giao thông khác. Nếu những thói quen, hành vi tùy tiện đó được giảm thiểu, ẩn họa tai nạn giao thông đã không có cơ hội đe dọa tính mạng cộng đồng.

"Bức tranh" giao thông trong những ngày đầu năm, nhất là ở các giao lộ đô thị, bước đầu có những chuyển biến rõ rệt. Những hình ảnh chen lấn, xô đẩy, vượt đèn đỏ, hay hành vi “điền vào chỗ trống” trên đường của các phương tiện đã bớt đi trông thấy, nhường chỗ cho sự chấp hành hiệu lệnh, tín hiệu giao thông động và tĩnh.

Việc chấp hành quy định giao thông đường bộ có nhiều chuyển biến sau khi Nghị định 168 được thực hiện. Ảnh minh họa.

Việc chấp hành quy định giao thông đường bộ có nhiều chuyển biến sau khi Nghị định 168 được thực hiện. Ảnh minh họa.

Vẫn là những con người ấy, phương tiện ấy nhưng đã có được sự tự điều chỉnh trước những quy định “nắn” ý thức tham gia giao thông. Thực tế này đã cho thấy sự đồng tình rất quan trọng của cộng đồng với các quy định về giao thông mà vốn bấy lâu nay thiếu vắng hoặc giả để “quên”, hay lối suy nghĩ việc chấp hành là việc của ai đó chứ không phải của chính bản thân mình. Vấn đề ở chỗ, chuyển hóa được từ sự đối phó sang ý thức tự giác chấp hành.

Cũng còn có những ý kiến, dư luận quanh con số tiền tỷ thu được từ việc xử phạt, hay sự nghi ngại rằng, liệu sự kiên quyết của cơ quan chức năng mà trực tiếp là của lực lượng cảnh sát giao thông có được đủ “lâu” hay không.

Từ tôn trọng pháp luật đến ý thức cho kỷ nguyên mới

Cần khẳng định rằng, những quy định xử phạt được áp dụng theo Nghị định 168 hoàn toàn không phải là để tăng thu thêm ngân sách mà chính là tạo sự răn đe để trả lại một không gian, hình ảnh an toàn cho giao thông ở Việt Nam.

Sự răn đe đó ở thời điểm này là hoàn toàn cần thiết bởi nếu ý thức tôn trọng, chấp hành luật giao thông của tôi, của bạn, của mọi người được khơi dậy, được tồn tại trong ý thức, ngân sách không chỉ của Nhà nước, gia đình và cả xã hội đã có được số tiền lớn gấp rất nhiều lần so với số tiền xử phạt được công bố trên các phương tiện truyền thông. Ở đây, hoàn toàn không có chuyện “tận thu” như một số ý kiến bàn tán trên các trang mạng xã hội.

Còn về những “nghi vấn” quanh kiên trì của các lực lượng chức năng, bản thân câu chuyện xử phạt nồng độ cồn đã đủ để minh chứng cho sự kiên trì, kiên quyết ấy.

Một xã hội văn minh rất cần đến những công dân văn minh, văn minh ngay từ cách đi đứng, tham gia giao thông, đặt mình ở địa vị mọi người để không bao biện, không đổ lỗi cho những nguyên nhân không hề liên quan đến an toàn giao thông. Nói một cách giản dị nhất, không cố tình cá nhân hóa sự an toàn giao thông.

Việc “xiết” các chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm trong giao thông ở một khía cạnh khác cũng là cơ hội để cải thiện hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Sự cải thiện, nâng cấp không chỉ để tạo ra sự an toàn cho người tham gia giao thông mà còn tạo sự công bằng trong một môi trường giao thông đặc thù như ở Việt Nam khi có rất nhiều loại hình phương tiện tham gia giao thông.

Sự tôn trọng, chấp hành pháp luật luôn cần thiết như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Khi có những công dân biết tự giác tôn trọng, chấp hành pháp luật mà không phải cần đến sự răn đe nhất thời, đó cũng chính là đánh dấu việc đất nước có những người sớm bước sang một kỷ nguyên mới của dân tộc, của đất nước.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông và tai nạn, ùn tắc, nhất là tại các thành phố lớn vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó tình trạng vi phạm giao thông vẫn phổ biến nên cần thiết lập lại trật tự văn hóa giao thông.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xu-phat-vi-pham-luat-giao-thong-nan-y-thuc-cong-dong-367921.html