Xứ Thanh hiện thực hóa mục tiêu phát triển
Từ một tỉnh thuần nông, khu vực miền núi rộng, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ và và Duyên hải Trung Bộ, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng rất nhiều cơ chế, chính sách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực phấn đấu trở thành một tỉnh kiểu mẫu, cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của cả nước, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.
Khắc ghi lời căn dặn của Bác
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1947 đến năm 1961, Bác đã 4 lần về thăm và nhiều lần gửi thư khen ngợi, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Các lần thăm ấy diễn ra ở những thời điểm khác nhau nhưng đều có điểm chung là thể hiện tình cảm sâu nặng, yêu thương của Người đối với đồng bào, đồng chí; là niềm vui, phấn khởi của Bác khi chứng kiến những thành tích, chiến công Thanh Hóa đạt được; là trăn trở, suy tư của Người trước những khó khăn, vất vả của nhân dân.
76 năm trôi qua kể từ ngày 20.2.1947 - Bác Hồ lần đầu về thăm Thanh Hóa. Trong ngày lịch sử ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn thời gian để nói chuyện với đại biểu cán bộ, nhân dân và giao nhiệm vụ: “tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”. Từ đó đến nay, lời căn dặn, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Thanh Hóa thành “tỉnh kiểu mẫu” vẫn là khát vọng, mục tiêu, phương châm hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Thực tiễn đã chứng minh, những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn sức mạnh vô biên, động lực để các thế hệ cán bộ và nhân dân xứ Thanh đoàn kết, cùng nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thanh Hóa là hậu phương lớn, vững chắc, đóng góp tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đến kháng chiến chống Mỹ, dù bị bắn phá ác liệt, từ trong máu lửa, xứ Thanh đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân “kiểu mẫu” trong lao động sản xuất và chiến đấu; hàng vạn người con thân yêu của quê hương đã dũng cảm lên đường nhập ngũ, xông pha trên khắp các mặt trận. Nhiều địa danh, như: Hàm Rồng, Nam Ngạn, đảo Hòn Mê, Đò Lèn, phà Ghép... đã đi vào lịch sử như những khúc tráng ca bất tử cùng Tổ quốc và dân tộc, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống người dân, đưa tỉnh dần thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Đến nay, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ và và Duyên hải Trung Bộ, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan mạnh, Thanh Hóa là một trong những địa phương thực hiện tốt "mục tiêu kép".
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5% trở lên), đứng thứ 7 cả nước. Thanh Hóa đã xác lập kỷ lục mới trên nhiều chỉ tiêu quan trọng, trong đó thu ngân sách Nhà nước đạt 51.000 tỷ đồng, gấp hơn 100 lần so với tổng thu năm 1997. Tỉnh đã khởi công, khánh thành một số dự án công nghiệp, giao thông quy mô lớn, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp. Chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội được nâng lên; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Sức bật từ cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước
Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 58) đã nêu rõ quan điểm: “Xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển là trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa và cả nước nhằm hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh Thanh Hóa”. Theo đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX cũng xác định phương hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa (Nghị quyết số 37) với 8 chính sách đặc thù: chính sách về mức dư nợ vay; chính sách về để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; chính sách về thu từ xử lý nhà, đất; chính sách về phí, lệ phí; chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên; chính sách về quản lý đất đai; chính sách về quản lý rừng; chính sách về quản lý quy hoạch. Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng, là sự thể chế hóa cao nhất Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, mở ra thời cơ, động lực mới để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững hơn.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng, việc Bộ Chính trị Khóa XII ban hành Nghị quyết số 58 và Quốc hội Khóa XV ban hành Nghị quyết số 37 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho tỉnh, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu phát triển đối với Thanh Hóa để đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương. Các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội mới là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa. Trên cơ sở đó, Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa phải nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ thì mới được hưởng thành quả từ chính sách mang lại.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27.2.2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 17.3.2023 phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Đây là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng khẳng định: đây là sự kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị; đồng thời, là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Do đó, thực hiện tốt nội dung quy hoạch, đưa tầm nhìn quy hoạch vào thực tiễn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện trên hành trình hiện thực hóa khát vọng Thanh Hóa phát triển thịnh vượng, trở thành tỉnh kiểu mẫu trong tương lai không xa.
Năm 2023 - năm giữa nhiệm kỳ với tình hình kinh tế chung của cả nước được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng khẳng định, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm quyết liệt, sáng tạo hơn để đạt kết quả tổng thể cao hơn năm 2022. Trong đó, mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) phải đạt 11% trở lên; thu nhập bình quân đạt 3.200 USD/người/năm trở lên, thu ngân sách nhà nước phải vượt số thực thu năm 2022. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn”.