Xu thế chứng khoán ngày 2/4: VN-Index có thể sẽ thử thách mức kháng cự ngắn hạn 1.294 điểm
Thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng trong phiên kế tiếp và VN-Index có thể sẽ thử thách mức kháng cự ngắn hạn 1.294 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên thị trường có thể sẽ nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh...
Chứng khoán ngày 1/4, thị trường khởi đầu quý 2/2024 cùng với sự kiện VNDriect bắt đầu kết nối giao dịch trở lại sau 5 phiên bị gián đoạn vì sự cố bất thường. VN-Index phiên giao dịch đầu quý chịu áp lực điều chỉnh rung lắc kiểm tra lại vùng giá quanh 1.275 điểm, tương ứng vùng giá cao của những phiên chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong đầu tháng 3/2024.
Kết phiên VN-Index giảm 2,57 điểm (-0,2%) về mức 1.281,52 điểm. HNX-Index tích cực hơn tăng 0,13 điểm (+0,13%) lên mức 242,90 điểm. Thị trường phân hóa mạnh nghiêng về tiêu cực với áp lực bán gia tăng khi có 300 mã giảm giá (6 mã giảm sàn), 188 mã tăng giá (10 mã tăng trần) và 131 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 25.473,35 tỷ đồng được giao dịch, trên mức trung bình với khối lượng giao dịch VN-Index tăng 13,83% so với phiên cuối tuần trước, cải thiện có thể do VNDriect bắt đầu kết nối giao dịch trở lại.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch trong phiên hôm nay, tiếp tục bán ròng mạnh trên HOSE với giá trị 722,97 tỷ đồng, tập trung bán ròng ở nhóm cổ phiếu thép, ngân hàng, chứng khoán; mua ròng trên HNX với giá trị 58,60 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo áp lực điều chỉnh lên thị trường trong phiên hôm nay khi đa số chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản ở mức trung bình như MBB (-1,97%), TPB (-1,83%), CTG (-1,55%), LPB (-1,42%)... ngoài SGB (+2,11%), SHB (+0,44%), VCB (+0,32%) tăng giá nhẹ, thanh khoản dưới mức trung bình.
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản dưới mức trung bình với PSI (-3,23%), VFS (-1,52%0, CSI (-1,30%), BVS (-1,19%)... ngoài các mã khá tích cực như IVS (+3,91%), SHS (+1,00%), HCM (+0,85%)... thanh khoản trên mức trung bình.
Trong khi đó thị trường lại giao dịch rất sôi động ở nhóm cổ phiếu bất động sản với đa số có diễn biến tăng giá tích cực, thanh khoản gia tăng mạnh, nổi bật như SGR (+6,84%), NDN (+6,72%), CRE (+4,68%), DIG (+4,40$), NHA (+3,41%)... ngoài HPX (-7,00%), VRC (-3,20%), SJS (-2,05%).... chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh.
Các cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng cũng có diễn biến khá tích cực, thanh khoản ở mức trung bình với LCG (+2,17%), BMP (+2,00%), FCN (+1,81%)... ngoài CTD (-1,92%), PC1 (-0,70%)...
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến giao dịch tích cực, nhiều mã tăng tốt với thanh khoản gia tăng đột biến khi giá dầu vẫn duy trì ở mức cao và với những thông tin tích cực về dự án Lô B Ô Môn, nổi bật với PVS (+3,83%), PVB (+2,47%), VTO (+1,85%), PVD (+1,55%)... Trong khi các nhóm ngành khác, đa số chịu áp lực điều chỉnh tích lũy với thanh khoản dưới mức trung bình.
Tạo nền giá quanh vùng hỗ trợ 1270 điểm Chứng khoán Tiên Phong (TPS)
Thanh khoản phiên 1/4 có cải thiện đôi chút nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của 20 phiên gần nhất. Theo đó, lực mua đến vào lúc cuối phiên hỗ trợ kéo giá của VN-Index đóng cửa ở ngưỡng 1.280 điểm và tạo thành một cây nến doji. Vậy là thêm một lần nữa chúng ta chạm vào vùng hỗ trợ 1.270 – 1.280 điểm.
TPS kỳ vọng vào việc VN-Index có thể tạo nền giá quanh vùng hỗ trợ 1.270 điểm này để lấy động lực, vượt lên các vùng giá cao hơn và tiếp tục xu hướng tăng trong trung hạn. Nhà đầu tư có thể tận dụng vùng hỗ trợ này để thay đổi danh mục. Mua khi giá chạm về vùng 1.270 điểm và bán khi giá chạm mức cao hơn.
Chỉ số cần một cây nến chỉ hướng Chứng khoán BIDV (BSC)
Vùng tích lũy của VN-Index đã dịch chuyển từ 1.265 – 1.280 điểm lên 1.280 – 1.300 điểm và chỉ số cần một cây nến chỉ hướng với thanh khoản ủng hộ để bứt phá khỏi vùng tích lũy này.
Điều chỉnh tích lũy đi ngang Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
VN-Index kết phiên với nến Doji cho thấy thị trường đang trong trạng thái lưỡng lự ở vùng đỉnh. Ở khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo RSI và MACD sau khi hình thành phân kì âm đang tiếp tục diễn biến đi ngang và chưa cho diễn biến rõ ràng. Đường ADX hướng xuống quanh mốc 17, cùng với việc DI- đang hướng lên cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn đang tiềm ẩn và cần được tính đến.
Tuy nhiên, ở cả 3 chỉ báo CMF, RSI, MACD vẫn chưa xóa bỏ được dấu hiệu của phân kỳ âm từ đỉnh đầu tháng 3 nên thị trường vẫn có những rủi ro ngắn hạn. Trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ điều chỉnh tích lũy đi ngang nhưng xác suất xuất hiện những phiên rung lắc mạnh vẫn có thể xảy ra.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo CMF đang hướng xuống dưới 0 cho tâm lý thận trọng của nhà đầu tư thông qua việc thanh khoản có phần sụt giảm so với trung bình 20 phiên. Bên cạnh đó, 2 chỉ báo MACD và RSI vẫn đang bỏ ngỏ việc hình thành đáy đầu tiên sau khi tạo phân kỳ âm cho thấy VN-Index củng cố thêm cho nhận định trên.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiến hành chốt lời các mã cổ phiếu đã ghi nhận nhịp tăng tốt thời điểm qua, duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý dưới 60% để có thể quản trị tối đa rủi ro ngắn hạn. Thêm vào đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân đối với nhóm ngành cho dấu hiệu thu hút dòng tiền ổn định như bất động sản, chứng khoán.
VN-Index có thể sẽ thử thách mức kháng cự ngắn hạn 1.294 điểm Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng trong phiên kế tiếp và VN-Index có thể sẽ thử thách mức kháng cự ngắn hạn 1.294 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên thị trường có thể sẽ nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh.
Ngoài ra, thanh khoản tăng mạnh ở vùng giá thấp cho thấy cầu ngắn hạn vẫn duy trì tốt và nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn, thể hiện rõ nhất vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản.
VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực rung lắc trong những phiên tới Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index trải qua một phiên giảm điểm với diễn biến trồi sụt biên độ tương đối rộng. Chỉ số hình thành mẫu nến “spinning” với bóng nến dài cho thấy trạng thái giằng co tương đối mạnh mẽ giữa hai bên.
Mặc dù vậy, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực rung lắc trong những phiên tới do phe mua phần nào vẫn thể hiện sự bị động hơn và rủi ro xuất hiện những phiên phân phối lớn vẫn cần được chú ý nếu chỉ số xuất hiện những phiên bulltrap mạnh. Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, ưu tiên cơ cấu tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.