Xu thế khai thác vàng từ rác thải điện tử
Với giá vàng tăng cao cùng nhiều nỗ lực bảo vệ nguồn tài nguyên của Trái đất, khai thác kim loại quý này từ rác thải điện tử đang trở thành xu thế ở Nhật Bản và nhiều nước khác. Đây được xem là một thị trường hứa hẹn khi lượng rác thải điện tử toàn cầu ngày càng lớn.
Vàng từ cái nôi của hàng điện tử
Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên nhiên để khai thác nên việc khai thác vàng và các kim loại quý khác từ các thiết bị điện tử bỏ đi đang được ưu tiên. Một nhà máy ở TP Hiratsuka, gần Yokohama, là nơi nhận bảng mạch và đồ trang sức mỗi ngày, sau đó nấu chảy phế liệu để lấy vàng và các kim loại khác, rồi tạo hình thành thỏi và các dạng khác. Khoảng 3.000 tấn vật liệu được thu hồi hàng năm tại cơ sở này. Theo Nikkei Asia, ông Akio Nagaoka, người đứng đầu cơ sở, cho biết ý định mở rộng việc thu gom rác thải sang ASEAN, nơi rác thải điện tử dự kiến tăng lên.
Việc khai thác vàng từ rác thải điện tử càng trở nên phổ biến hơn khi giá vàng gần đây tăng vọt, hệ lụy của xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas. Khi giá tăng, nhu cầu tái chế kim loại cũng tăng theo. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nguồn cung vàng tái chế toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9-2023 tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022 (lên 923,7 tấn), vượt mức tăng trưởng khoảng 3% nguồn cung vàng từ khai thác mỏ. Nguồn cung vàng tái chế trong cả năm 2023 dự kiến đạt gần 1.300 tấn, cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Cũng theo WGC, vàng tái chế hiện chiếm dưới 30% nguồn cung toàn cầu, tương đương khoảng 200.000 tấn vàng. Với sản lượng từ các mỏ bị đình trệ, việc thu hồi kim loại vàng từ điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng cũ và các phế liệu khác đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Một số doanh nghiệp đang mở rộng năng lực thu gom và xử lý chất thải như vậy nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Một trong số đó là Mitsubishi Materials với mục tiêu xử lý 240.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm vào cuối năm tài chính 2030, so với khoảng 160.000 tấn hiện nay. Viện Thiết kế bền vững, Nhật Bản, ước tính có khoảng 5.300 tấn vàng tích lũy trong rác thải điện tử ở Nhật Bản - khoảng 10% trữ lượng toàn cầu.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, 1 tấn rác thải điện tử hoặc khoảng 10.000 điện thoại di động có thể cho ra khoảng 280g vàng, hiệu quả hơn 56 lần về mặt trọng lượng so với khai thác vàng mới. Chính phủ Nhật Bản đang gấp rút thúc đẩy việc tái chế không chỉ vàng mà còn cả các kim loại quan trọng khác, chẳng hạn như kim loại được sử dụng trong xe điện, như một cách để tăng cường an ninh kinh tế.
Châu Âu không muốn thua kém
Theo GS Ruediger Kuehr, Đại học Limerick (Ireland), người đứng đầu Chương trình Bền vững của Liên hợp quốc (Scycle) ở Đức, 1 tấn điện thoại di động vứt bỏ có nhiều vàng hơn 1 tấn đất quặng ở mỏ vàng. Nhu cầu về thiết bị điện tử đang vượt xa nguồn tài nguyên tự nhiên sẵn có để sản xuất chúng. Tại Huelva (Tây Ban Nha), công ty khai thác mỏ quốc tế Atlantic Copper đang xây dựng nhà máy quy mô lớn thứ 7 thế giới (thứ 4 ở Liên minh châu Âu - EU và thứ nhất ở Nam Âu) để chiết xuất vàng và các kim loại quý khác từ rác thải điện tử. Khoản đầu tư đã được cam kết là 310 triệu EUR (337 triệu USD), sẽ tạo ra 350 việc làm.
Nhà nghiên cứu Pablo Gámez Cersosimo ở Hà Lan cho biết, trong 25 năm tới, nhu cầu về kim loại và khoáng sản sẽ tăng gấp 12 lần. Việc khai thác các vật liệu như vàng, bạc, bạch kim, palladium, niken, thiếc, antimon hoặc bismuth từ trái đất rất tốn kém và có hại cho môi trường. Nếu không tái chế những vật liệu này, chúng ta cần phải khai thác những nguồn cung cấp mới, dẫn tới gây hại cho môi trường. Nguồn nguyên liệu này phần lớn được tìm thấy ở các bãi chôn lấp, hình thành từ hơn 60 triệu tấn chất thải điện và điện tử mà thế giới tạo ra mỗi năm.
Theo Global E-waste Monitor, chỉ trong 7 năm nữa, sẽ có 74 triệu tấn rác thải điện tử toàn cầu mỗi năm do mức tiêu thụ tăng, tuổi thọ hữu ích của thiết bị rút ngắn, và những hạn chế liên quan đến việc sửa chữa. Tuy nhiên, bất cứ thứ gì có dây, phích cắm hoặc pin đều có thể được tái chế.
Ông Kees Baldé, thuộc Đại học Liên hợp quốc, cho rằng, việc thu hồi vàng và các vật liệu khác từ chất thải giúp tiết kiệm rất nhiều lượng khí thải CO2 so với khai thác kim loại nguyên chất. Sự hiện diện của vàng và bạc trong rác thải điện tử là nổi bật nhất. Đồng cũng là kim loại được chú ý. Nhu cầu về đồng đã tăng 50% trong 20 năm qua. Tuy nhiên, số lượng cơ sở thu hồi đồng thải công suất lớn không nhiều với các nhà máy chỉ được đặt tại Bỉ, Thụy Điển, Đức, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy chậm chân nhưng với nhà máy đang được xây dựng ở Huelva, công suất xử lý 60.000 tấn rác thải/ năm, Tây Ban Nha có thể xử lý tất cả rác thải điện và điện tử của nước này. Dự kiến, trong quý 1-2025, nhà máy sẽ bắt đầu có sản phẩm.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xu-the-khai-thac-vang-tu-rac-thai-dien-tu-post714864.html