Xu thế phát triển, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, robot và vật lý
Ngày 26-11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Xu thế phát triển, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, robot và vật lý.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Chu Hoàng Hà, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: Thời gian qua, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã đạt được những kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vật lý, robot và năng lượng. Các đơn vị đã nghiên cứu chế tạo, ứng dụng những công nghệ mới, có những sản phẩm có tính ứng dụng cao, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, như: Máy tạo đá tuyết từ nước biển phục vụ đánh bắt hải sản năm 2018, chế tạo Vệ tinh Micro Dragon năm 2019, Robot-Vast 2020, hệ thống thông tin liên lạc bằng khinh khí cầu có điều khiển đường bay… Kết quả bước đầu này thể hiện sự định hướng đúng đắn của Đảng ủy Viện Hàn lâm, quan tâm triển khai của lãnh đạo, Viện Hàn lâm, các đơn vị chuyên môn và các nhà khoa học.

PGS,TS Chu Hoàng Hà, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.
Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS, TS Phạm Thanh Giang, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: Công nghệ mạng 6G là một cuộc cách mạng lớn so với các thế hệ mạng trước đó, có thể biến các mạng di động ở các quốc gia trở thành một mạng di động duy nhất trên toàn thế giới. Hiện tại, nhiều nước bắt đầu chuẩn bị cuộc đua về công nghệ mạng 6G, nhưng không phải nước nào cũng đủ năng lực về KH&CN cũng như tài chính để tham gia cuộc đua ngay từ thời điểm này. Tuy nhiên, chúng ta có khá nhiều thế mạnh trong các hướng: Nghiên cứu và sản xuất các thiết bị đầu cuối 6G; Nghiên cứu chuyên sâu trong việc tối ưu, điều khiển trong hệ thống mạng 6G; Nghiên cứu công nghệ AI cho hệ thống quản trị, xử lý dữ liệu trong hệ thống mạng 6G; Nghiên cứu các bài toán an toàn, bảo mật blockchain.

PGS, TS Phạm Hồng Quang, Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.
Nói về vấn đề dự báo, cứu hộ cứu nạn và phòng chống thiên tai ở Việt Nam, PGS, TS Phạm Hồng Quang, Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề xuất, trước thực trạng thiên tai vừa qua, cần xây dựng hệ thống giám sát, báo động lũ và sạt lở đất cộng đồng và chỉ báo tìm kiếm cứu hộ cứu nạn do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thiết kế và có khả năng sản xuất chế tạo. Bên cạnh đó, hệ thống nối kết mạng toàn quốc giám sát và cảnh báo thiên tai (Công nghệ IoT), đồng nhất thông tin thời gian thực giữa đơn vị dự báo, đơn vị tổ chức phòng chống thiên tai, địa phương, người dân và đơn vị cứu hộ cứu nạn... Hệ thống này bao gồm các hệ thống giám sát – báo động về: Sạt lở mái dốc, lũ đập tràn, lũ bùn đá.