Xu thế tất yếu

Diễn ra đúng dịp tròn 5 năm Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu được thông qua, Hội nghị cấp cao Tham vọng về khí hậu, do Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức hôm 12-12, là cơ hội để thế giới nhìn lại kết quả thực thi thỏa thuận, đặt ra mục tiêu cụ thể và kế hoạch hiệu quả nhằm cắt giảm khí thải. Trong đó, LHQ nhấn mạnh, cam kết giảm khí thải không còn là lựa chọn, mà là xu thế tất yếu trên toàn cầu.

Diễn ra đúng dịp tròn 5 năm Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu được thông qua, Hội nghị cấp cao Tham vọng về khí hậu, do Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức hôm 12-12, là cơ hội để thế giới nhìn lại kết quả thực thi thỏa thuận, đặt ra mục tiêu cụ thể và kế hoạch hiệu quả nhằm cắt giảm khí thải. Trong đó, LHQ nhấn mạnh, cam kết giảm khí thải không còn là lựa chọn, mà là xu thế tất yếu trên toàn cầu.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Tham vọng về khí hậu, theo hình thức trực tuyến, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét nêu rõ, không thể phủ nhận thực tế là thế giới đang đối mặt tình trạng khẩn cấp về khí hậu, vì thế các nước nên ban hành “tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, để thúc đẩy các hành động hiệu quả nhằm kiềm chế tình trạng Trái đất ấm lên gây những hậu quả thảm khốc.

Hội nghị được tổ chức nhằm kỷ niệm 5 năm Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, đã được hơn 190 quốc gia thông qua, tạo bước ngoặt quan trọng để thế giới xây dựng tương lai xanh, sạch và bền vững hơn. Tuy nhiên, báo cáo của LHQ công bố ngay trước thềm hội nghị cho thấy, hầu hết các cam kết giảm khí thải hiện nay đều chưa đủ mạnh để có thể ứng phó hiệu quả sự gia tăng nền nhiệt toàn cầu. Các nước tham gia Thỏa thuận Pa-ri năm 2015 cam kết hành động để giới hạn mức tăng nền nhiệt Trái đất dưới 20C so mức thời kỳ tiền công nghiệp, tiến tới giới hạn mức tăng nhiệt dưới 1,50C. Song, theo báo cáo của LHQ, ngay cả khi các nước thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải đã đưa ra, thì vẫn chưa thể giúp đảo chiều đà tăng nhiệt độ của Trái đất ở “mức thảm khốc” là 30C trong thế kỷ 21 này. Tình trạng này sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả đại dịch Covid-19 hiện nay.

Cảnh báo nguy hiểm từ LHQ là có cơ sở. Sau 5 năm thực thi Thỏa thuận Pa-ri, nhiều cam kết giảm khí thải được đưa ra, song chưa đủ mạnh mẽ và hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm khí thải các-bon vẫn nghiêm trọng, mức nhiệt qua thời gian lại chạm ngưỡng cao mới, tháng 11-2020 được xác định là tháng nóng nhất trong lịch sử. Nền nhiệt Trái đất tăng, kéo theo những hình thái thời tiết cực đoan chưa có tiền lệ, xuất hiện ở mọi vùng, với mật độ ngày càng dày đặc. Năm 2020 chứng kiến những vụ cháy rừng khốc liệt ở Mỹ, Ô-xtrây-li-a hay số lượng kỷ lục các cơn bão hình thành trên Đại Tây Dương...

Thỏa thuận Pa-ri quy định, định kỳ 5 năm một lần, các nước tham gia phải nâng cam kết cắt giảm khí thải, còn gọi là Mức đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Hạn chót 5 năm đầu tiên là ngày 31-12 tới, song đến nay mới chỉ có chưa đầy 20 quốc gia trong nhóm phát thải khoảng 5% khí thải toàn cầu công bố kế hoạch NDC. Điểm tích cực trong năm 2020 là nhiều nền kinh tế lớn cam kết đạt mục tiêu “trung hòa các-bon” với lộ trình rõ ràng. Đến nay, hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ cam kết đưa phát thải khí nhà kính về mức không (Zero) vào năm 2050. Trong đó, 77 quốc gia, 10 vùng lãnh thổ và 100 thành phố sẽ hoàn tất “cam kết Zero” trước năm 2050. Quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới là Trung Quốc đặt mục tiêu “trung hòa các-bon” vào năm 2060, trong khi Liên hiệp châu Âu (EU) cam kết đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính khoảng 55% so mức năm 1990... Tuy nhiên, ngoài việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Pa-ri, vẫn còn một số nền kinh tế lớn chưa đưa ra cam kết “trung hòa các-bon”, hoặc đặt mục tiêu quá thấp, quá dài, đóng góp chưa xứng tầm cho nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.

LHQ ước tính, để đạt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt Trái đất dưới 1,50C, trong thập niên tới, mỗi năm thế giới cần giảm khoảng 7,6% lượng khí thải. Đại dịch Covid-19 hoành hành khiến các hoạt động kinh tế tê liệt, giúp thế giới đạt chỉ tiêu giảm 7% lượng khí thải trong năm 2020. Tuy nhiên, việc tăng chi tiêu cho các gói phục hồi kinh tế nhằm vào những lĩnh vực phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch sẽ nhanh chóng đảo ngược xu hướng tích cực nêu trên. LHQ nhấn mạnh, tiến trình phục hồi sau đại dịch phải được tận dụng để đẩy nhanh chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp. Nếu không có các chính sách phù hợp và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, các gói phục hồi kinh tế hàng nghìn tỷ USD sẽ chất lên vai các thế hệ tương lai gánh nặng, cùng một hành tinh bị tàn phá.

Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu cho thấy sự đoàn kết của thế giới vì mục tiêu chung ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Để thực hiện các mục tiêu của thỏa thuận, cần những thay đổi lớn, từ cách thức sử dụng tài nguyên thiên nhiên và công nghệ, đến chính sách chung, hành động tập thể để giải bài toán biến đổi khí hậu.

LONG QUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/xu-the-tat-yeu-628039/