Xu thế tất yếu nhưng không dễ thực hiện

Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất là xu thế tất yếu để ngành Nông nghiệp có thể đứng vững trong bối cảnh hội nhập và những thách thức của biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, hiện nay, người dân đa phần vẫn còn loay hoay và gặp nhiều rào cản khi tiếp cận phương thức sản xuất này.

Mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ IoT tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: THÁI HÀ

Ứng dụng biện pháp canh tác hiện đại

Ngày nay, nông dân phải canh tác trong tình trạng chất lượng đất ngày càng xấu, diện tích ngày một giảm, biến đổi khí hậu ngày một phức tạp. Trước thực trạng này, không chỉ chính quyền, các chuyên gia mà chính người nông dân cũng nhận thấy cần phải đổi mới phương pháp canh tác theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) để đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tiên phong ứng dụng các biện pháp canh tác hiện đại, sau đó chuyển giao cho người dân, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN Phú Yên) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và áp dụng công nghệ IoT vào sản xuất dưa lưới, sung magic trong nhà màng. Điểm nhấn của ứng dụng loT là các cảm biến sẽ thu thập các chỉ số của môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, độ pH...) một cách liên tục và gửi dữ liệu về các bộ vi xử lý để tự vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng đảm bảo phù hợp cho cây trồng; qua đó giúp người sử dụng quản lý và vận hành hệ thống theo mong muốn thông qua các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính có kết nối internet.

Còn tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển NNCNC Phú Yên, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tự động hóa, cơ giới hóa đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả. Cụ thể, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào sau đó chuyển đến khu phối trộn.

Tại đây, máy phối trộn phân bón được cài đặt và tự động cho phân bón theo đường ống chảy đến các nhà kính với liều lượng phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây. Tương tự, hệ thống nước tưới, làm mát cũng tự động vận hành giúp cho hoạt động sản xuất diễn ra liên tục mà không tốn nhiều công lao động. Hiện trung tâm có 7 nhà màng, diện tích 6.000m2 đang trồng thành công 10 loại rau quả chất lượng, giá trị kinh tế cao.

Ông Phạm Quốc Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển NNCNC (Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên), cho biết: Hiện nay, nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, đòi hỏi chất lượng nông sản ngày càng cao. Trong khi đó, diện tích đất sản xuất đang bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu… gây ra nhiều thách thức đối với sản xuất nông nghiệp.

Lúc này, phát triển NNCNC mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, IoT… sẽ là chìa khóa giúp nông nghiệp bớt phụ thuộc vào thời tiết, giảm lao động tay chân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang tập trung quy mô lớn, kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhỏ lẻ khó thành công

Ông Trần Duy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa, cho rằng: Nhìn chung, người làm nông nghiệp hiện nay vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ. Tập quán trồng trọt chăn nuôi ở nhiều nơi còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và cần nhiều lao động. Mỗi năm, TX Đông Hòa phối hợp với các đơn vị tổ chức hơn 20 lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nhưng người dân chỉ thực hiện được các mô hình đơn giản, đầu tư ít; còn các mô hình nhà màng, nhà lưới hầu như chưa có người mạnh dạn đầu tư vì thiếu vốn và khâu tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, thiếu liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp là một trở ngại lớn cho cơ giới hóa, hiện đại hóa, khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương)

Theo ông Phạm Quốc Hoàng, NNCNC không những đòi hỏi nguồn vốn lớn mà còn yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, để khai thác tối đa lợi thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất, cần tạo ra sự liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Bởi, doanh nghiệp luôn cần nguồn hàng ổn định, chất lượng tốt để cung ứng cho thị trường.

Muốn đáp ứng được yêu cầu đó, người nông dân cần khoa học, kỹ thuật để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao; cần hợp tác với nhau để số lượng nông sản đảm bảo đủ cung ứng. Việc nhóm người dân cùng liên kết với nhau hoặc cùng vào hợp tác xã để làm nông nghiệp theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, tiêu thụ là một trong những giải pháp giúp tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn mà người nông dân đang gặp phải.

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai hiệu quả các mô hình NNCNC. Còn trên địa bàn tỉnh, một số mô hình được đầu tư lớn bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và tạo nguồn thu nhập cao cho người dân. Để NNCNC lan tỏa vào đời sống sản xuất, các chuyên gia cho rằng cần sự liên kết mạnh mẽ giữa cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương với doanh nghiệp và người nông dân.

Cụ thể, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đóng vai trò tư vấn, định hướng và là cầu nối để gắn kết nông dân với doanh nghiệp. Doanh nghiệp với thế mạnh về vốn, kỹ thuật sẽ hỗ trợ người dân trong xây dựng hạ tầng cơ sở và quy trình canh tác. Còn người dân là chủ thể chủ đạo trong sản xuất sẽ tranh thủ các nguồn đầu tư để nâng cao giá trị sản xuất. Sự liên kết ấy càng chặt chẽ, hoạt động sản xuất nông nghiệp càng bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/248633/xu-the-tat-yeu-nhung-khong-de-thuc-hien.html