Xử trí đúng cách khi trẻ bị đuối nước
ĐBP - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em bị đuối nước. Đặc biệt, khi hè về là thời điểm nguy cơ trẻ em bị đuối nước tăng cao. Để giảm thiểu những trường hợp ngoài ý muốn xảy ra, các gia đình cần chủ động nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu và áp dụng những biện pháp phòng tránh và kịp thời xử lý, cấp cứu khi trẻ đuối nước.
Thực hành kỹ năng sơ cứu đuối nước cho trẻ em do Tỉnh đoàn tổ chức tại xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông).
Đối với trẻ em, bản tính hiếu động, tò mò, thích nghịch nước là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trường hợp không may bị đuối nước xảy ra. Cùng với đó, sự bất cẩn của gia đình hay chủ quan cho rằng trẻ biết bơi mà không lường hết được sự nguy hiểm của tai nạn; hoặc khi xảy ra sự cố, không có kỹ năng cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước, cũng là nguyên dẫn đến tử vong do đuối nước tăng lên.
Theo bác sĩ Hồ Duy Khánh, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), đuối nước là tình trạng bị ngạt khí khi ở trong môi trường lỏng. Đuối nước gây ra tình trạng thiếu ô xy, làm tổn thương nhiều cơ quan, bao gồm cả phổi và não. Nguyên nhân gây tử vong ở trẻ bị đuối nước là suy hô hấp. Vì vậy, bước đầu tiên để sơ cứu đuối nước đúng cách chính là làm thông thoáng đường thở, cho trẻ thở ô xy. Khi gặp trường hợp đuối nước, việc đầu tiên là đưa ngay nạn nhân lên khỏi mặt nước để tiến hành cấp cứu nhanh chóng. Sau khi tiếp cận được trẻ bị đuối nước, cần nâng đầu trẻ cao hơn mặt nước nhằm giúp trẻ hô hấp và bình tĩnh trở lại. Khi đưa trẻ lên bờ, đặt trẻ nằm ngửa trên sàn trong tư thế đầu thấp cho nước thoát ra ngoài. Nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức bằng cách thực hiện hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt liên tục. Khi không bắt được mạch cảnh hoặc mạch bẹn hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn (ép tim ngoài lồng ngực phối hợp với hà hơi thổi ngạt). Tỷ lệ phối hợp giữa ép tim/thổi ngạt đối với người lớn là 30/2, trẻ nhỏ là 15/2. Trước đó, cần đảm bảo lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi.
Nói về quá trình xử trí, cấp cứu cho trẻ bị đuối nước, bác sĩ Hồ Duy Khánh cho biết thêm: Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ, đồng thời lau khô người nạn nhân, ủ ấm cơ thể vì hạ thân nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm đến tính mạng. Không thực hiện động tác dốc ngược trẻ vì biện pháp này chỉ làm chậm trễ các bước sơ cứu quan trọng hơn, bao gồm hồi sức tim phổi. Ngoài ra, trẻ bị đuối nước khi đã được đưa ra khỏi mặt nước cần được cung cấp nhiều ô xy, do đó, không nên tụ tập đông người, cần đặt trẻ ở môi trường thông thoáng, nhiều không khí. Đặc biệt, cần chú ý tuyệt đối không nóng vội nhảy xuống nước để cứu trẻ khi không biết bơi hoặc bơi không giỏi và chỉ chuyển nạn nhân đến bệnh viện khi đã thở trở lại, tuần hoàn được tái lập.
Cùng với việc người dân chủ động nắm được cách xử trí, cấp cứu cho trẻ nếu gặp trường hợp đuối nước thì để phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ phải cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và nhà trường để xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội, nhất là các bậc cha mẹ trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ em. Quan trọng nhất là cha mẹ cần chủ động dạy cho trẻ biết bơi và cách giải quyết khi bị đuối nước hay cách cứu người bị đuối nước. Cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể xảy ra khi tự ý đi bơi mà không có sự giám sát của người lớn và tránh cho trẻ tiếp cận những nơi có hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy… để hạn chế nguy cơ đuối nước.