Xử vụ án ở Đồng Tâm: Nhiều bị cáo thừa nhận hành vi
Tại tòa, nhiều bị cáo trong vụ án giết người xảy ra tại Đồng Tâm thừa nhận hành vi, đồng thời gửi lời xin lỗi tới gia đình ba chiến sĩ công an hy sinh.
Chiều 7-9, phiên tòa xét xử 29 bị cáo trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bước vào phần xét hỏi. Trước khi thẩm vấn, HĐXX cho trình chiếu một đoạn clip liên quan đến nguồn gốc đất tại khu vực sân bay Miếu Môn cũng như các hoạt động gây rối của “tổ đồng thuận”.
“Mua lựu đạn để giữ đất”
Khai trước tòa, bị cáo Bùi Viết Hiểu, một trong những người bị cáo buộc có vai trò cầm đầu, phản đối nội dung của cáo trạng liên quan đến nguồn gốc đất tại xã Đồng Tâm. Bị cáo nói việc thành lập “tổ đồng thuận” là để chống tham nhũng chứ không có tính chất chống đối chính quyền hay phá hoại gì.
Tối 8-1, bị cáo có mặt tại nhà ông Lê Đình Kình. Khi thấy lực lượng công an, bị cáo có ném hai chai bom xăng rồi vào buồng với ông Kình. Diễn biến sau đó bị cáo không biết gì.
Đến lượt mình, bị cáo Lê Đình Công thừa nhận chỉ đạo các bị cáo khác mua lựu đạn, chế tạo bom xăng, tuýp sắt gắn dao nhọn… Về nguồn tiền, bị cáo khai là do đóng góp của nhiều cá nhân, trong đó có tiền thừa từ chi phí thuê luật sư trợ giúp pháp lý cho người dân Đồng Tâm.
Đáng chú ý, ông Công nói mục đích của việc mua lựu đạn là để giữ đất. Chủ tọa vặn hỏi: “Giữ đất mà phải dùng tới lựu đạn?”. Bị cáo cho hay đã bàn bạc với những người khác nếu lực lượng chức năng về xây dựng trên đất đồng Sênh thì sẽ yêu cầu đưa ra quyết định thu hồi đất đúng quy định. Trường hợp không có quyết định thu hồi đất mà vẫn xây dựng, nhóm người này sẽ dùng gạch đá để ngăn chặn, “bước cùng sẽ dùng lựu đạn”.
Tiếp tục khai, ông Công nhận có ném đá, bom xăng và lựu đạn về phía công an nhưng khi ném lựu đạn thì không rút chốt vì chỉ muốn răn đe. Bị cáo nói sau khi bị bắt tạm giam mới biết ba chiến sĩ công an hy sinh. Bị cáo rất hối hận, gửi lời xin lỗi tới gia đình ba chiến sĩ, mong được tha thứ và hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo thứ ba được thẩm vấn là Nguyễn Văn Tuyển. Ông Tuyển cho biết không nắm rõ ngọn ngành về nguồn gốc đất đồng Sênh. Tuy vậy, khi thấy ông Lê Đình Kình và một số bị cáo khác tuyên truyền, bị cáo tin tưởng và làm theo. Trình bày hoàn cảnh của bản thân cũng như gia đình, bị cáo này xin HĐXX cho hưởng hình phạt ở mức nhẹ nhất.
Diễn biến vụ án giết người
Theo cáo trạng, quá trình triển khai đội hình đột kích, do bị tấn công bằng tuýp sắt gắn dao nhọn và gạch đá, ba chiến sĩ công an gồm Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân bị rơi xuống hố. Lúc này, hai bị cáo Lê Đình Chức cùng Lê Đình Doanh đổ xăng, châm lửa đốt khiến cả ba tử vong.
Tại tòa, ông Chức khai khi lực lượng công an đến cổng làng thôn Hoành thì nhiều người dùng gạch, đá, bom xăng ném. Bị cáo cũng cầm ba chai bom xăng ném, chai đầu cháy, hai chai sau không cháy.
Tiếp đó, công an di chuyển ra phía ngoài cổng làng, tiến về phía nhà mình, bị cáo rút chốt một quả lựu đạn, ném về phía lực lượng chức năng nhưng không nổ. Khi gặp Lê Đình Công, bị cáo được Công đưa thêm một quả lựu đạn nữa.
Theo lời khai của Lê Đình Chức, nghe thấy tiếng hô có người rơi xuống hố, bị cáo chạy tới, nhìn thấy có người bên dưới nhưng không biết là ai, bao nhiêu người. Lúc này, bị cáo vừa chỉ đạo Lê Đình Doanh cầm chậu xăng lên tầng hai, vừa cầm ống sắt gắn dao chọc xuống dưới.
Khi thấy lửa bùng từ dưới hố, Chức rút ống sắt lên. Bị cáo còn rót hai nắp can xăng đổ xuống hố để quan sát nhưng không thấy gì.
Lê Đình Chức khai không được bàn bạc, chỉ đạo gì về kế hoạch chống trả lực lượng chức năng. Bị cáo biết việc chọc dao vào những người ở dưới hố là nguy hiểm, là vi phạm pháp luật nhưng vì muốn ngăn cản họ nhảy sang nhà mình nên vẫn làm.
Tương tự, Lê Đình Doanh cũng thừa nhận việc ném bom xăng và đá về phía công an. Khi châm lửa vào chậu xăng, do lửa bùng lên quá mạnh, Doanh suýt ngã. Thấy vậy, Chức nói Doanh đẩy chậu xăng về phía trước nhưng do chậu nhũn ra nên không đẩy được. Lập tức, Chức dùng ống sắt đẩy chậu xăng xuống hố.
Bác đề nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung
Trước đó, tại phần làm thủ tục, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị triệu tập đại diện cơ quan công an, quân đội và cho hay đã gửi một số tài liệu kiến nghị cơ quan công an điều tra lại vụ án.
Thẩm phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa, cho biết đa số kiến nghị của luật sư liên quan đến việc triệu tập một số người, bao gồm ông Nguyễn Đức Chung - chủ tịch UBND TP Hà Nội (người vừa bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án khác - PV). Tuy nhiên, xét thấy những người này không liên quan vụ án, HĐXX quyết định không triệu tập.
Ngoài ra, HĐXX cho rằng lực lượng quân đội không phải những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng nên không cần triệu tập.
Đối với yêu cầu Công an TP Hà Nội không điều tra vụ án này, HĐXX khẳng định vụ án xảy ra trên địa bàn TP nên Công an TP điều tra là đúng quy định pháp luật. Về kiến nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, HĐXX nhận định quá trình xét xử nếu có diễn biến mới và thấy cần thiết thì sẽ xem xét.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/xu-vu-an-o-dong-tam-nhieu-bi-cao-thua-nhan-hanh-vi-936984.html