Xưa nắn nót và nay sặc sỡ, hồn nhiên
Vô tình mà hữu ý, chỉ cách nhau vài trăm mét trên phố Hàng Trống Thủ đô nhiều nét cổ xưa xen trộn hiện đại, tân tiến, đang song song hai cuộc trưng bày nhỏ của hai tác giả thuộc mà thế hệ có khoảng cách 'ông - cháu'.

“Cảnh xuân bên sông Ngân”, 210 x 350 cm, 2024, tổng hợp trên toan. Tranh của họa sĩ Hoàng Anh Trung
Sự hiện diện không cố ý kết nối này của các nhà tổ chức lại gợi lên nhiều suy nghĩ rộng về bảo tồn, sáng tạo và phát huy giá trị của tinh hoa.
1. Đó là những bức tranh Hàng Trống được phục chế với nhiều công phu của họa sĩ, nghệ nhân uy tín từ lâu Lê Đình Nghiên, đã treo thời gian dài tại đình Nam Hương. Điểm đến tâm linh này vẫn đón du khách tham quan, thưởng thức những bức tranh đi nét, tô màu tươi tắn, vẽ lại các ông hoàng bà chúa, quan tướng thiên tiên, những tầng trời ngũ sắc, các cảnh nước mây, thủy tộc và các nàng tố nữ thanh lịch… truyền tải phong vị cổ xưa, gọi lên “màu dân tộc” vẫn nền nã, khiêm nhường mà kiêu hãnh tỏa lên hồn vía lấp lánh.
Tranh vẽ mới nhưng trung thành với hình ảnh, sắc thái xưa, giúp người xem cảm nhận một cách rõ ràng sự hiện diện của tinh túy cổ truyền. Có thể liên tưởng đến những bức ảnh tư liệu đầu thế kỷ 20 thời gian qua được nhiều người phục chế thành ảnh mầu, làm rõ hơn sự sống động của “câu chuyện ảnh” nhưng không làm mất tính chân thực của tư liệu. Những bức tranh Hàng Trống “mới” này cũng vậy. Và thật phù hợp khi tranh phục chế, vẽ lại tươi mầu được nâng niu trang trọng giữa không gian kiến trúc truyền thống nơi thờ Vua Lê Thái Tổ và bốn vị thần thuộc hệ thống Thăng Long tứ trấn, như một nhắn nhủ, một nhắc nhở người nay, người sau hãy kiên trì giữ tinh hoa.

“Thất hiền”, tranh Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
2. Nhưng cũng ngay gần đó, dưới tầng hầm khách sạn hiện đại, trong không gian Mơ Art space 136 Hàng Trống, những ngày qua đã khai mạc và đang trưng bày, diễn ra đến giữa tháng 7, là những bức tranh mang phong thái “cổ truyền thơ ngây sặc sỡ” của họa sĩ sinh năm 1997 Hoàng Anh Trung, gộp thành triển lãm “Sao bốn cánh”. Gọi là như vậy bởi cách tái tạo vốn cổ rất đỗi vui tươi, hóm hỉnh và sặc sỡ của người trẻ yêu di sản này. Khai thác rất nhiều họa tiết, hoa văn của các đời, các thời, từ chim lạc, bồ nông, cư dân, nhà thuyền… trên trống đồng xưa, đến hình tượng rồng thời Lý, cầu chùa ở Hội An, nhà sàn Tây Nguyên, tượng chùa, tiên rối nước, rồng phượng, tháp bút, tháp rùa, rồi những tà áo xưa, nón quai thao và nhiều hình ảnh đời sống nông thôn khác…, họa sĩ cho thấy mối quan tâm, gắn bó và giữ gìn trong ký ức, trong tìm hiểu và trong ý thức sáng tác của mình đối với văn hóa cổ truyền. Nhưng vẽ lại những giá trị mỹ thuật đó, anh thể hiện ngộ nghĩnh như một cách “giả trẻ con”, một sự “hoạt hình hóa”. Đặc biệt, lấp kín mặt tranh với nhiều bức khổ lớn bằng sự đan xen, chồng lấp, chen chúc, tiếp nối thật nhiều những chi tiết, hình ảnh nhỏ, họa sĩ tạo nên miên man, liên tiếp những hoạt cảnh nhỏ. Xem tranh có cảm tưởng như dõi theo từng chuỗi phim hoạt hình vậy. Cũng chính bằng cách ấy, họa sĩ áp dụng với hàng loạt hình ảnh, chi tiết khác là hoa lá, đồ chơi, các nhân vật trong phim hoạt hình, phim siêu anh hùng… gắn với tuổi thơ của rất nhiều người và cả chính họa sĩ. Và còn nữa, hàng loạt đồ chơi các kiểu được họa sĩ “nghịch ngợm” ghép thành những bức tranh chen chật những nhân vật, đồ vật.
Mỗi bức tranh là một không gian - nhiều không gian đầy chuyển động, là một thế giới, một cuộc sống ngồn ngộn, đầy ắp mà ở đó ý nghĩ, hình dung được phóng khoáng bay lượn, tưởng tượng, tái tạo, tháo lắp mọi hình ảnh, đồ vật. Dường như cũng chính là ẩn ý và quan điểm của họa sĩ khi cảm nhận về đời sống với mong muốn kích thích mạnh mẽ những ý tưởng mới, sáng tạo mới, đôi khi hơi bắng nhắng, hỗn tạp một chút cũng không vấn đề gì. Nhà nghiên cứu nghệ thuật Lan-Chi Nguyễn cảm nhận: Ngôn ngữ thị giác của anh không khởi nguồn từ hệ thống ý niệm phức tạp, mà từ sự tỉ mỉ góp nhặt, sáng tạo từ những chất liệu quen thuộc, để từ đó, nhẹ nhàng phủ lên chúng một lớp ánh sáng kỳ diệu - thứ ánh sáng gợi lại cảm giác ngỡ ngàng khi ta nhìn thế giới bằng đôi mắt trẻ thơ.
3. Rất đáng suy ngẫm và thực hiện nếu các tác phẩm của hai trưng bày này được kết hợp tái trình bày trong một không gian mới, khác. Có thể giới thiệu ở các phòng triển lãm khác nhau và cũng nên thử: Đưa đến không gian nhà trường gồm cả phổ thông và đại học cho các bạn trẻ cảm nhận trong sự so sánh trực tiếp và liên tưởng xa, sâu từ đó. Và có lẽ, đây cũng là một cách thức phổ biến nghệ thuật nên được áp dụng trong bối cảnh hiện nay, khi mà giới trẻ đang tiếp tục trên hành trình trở lại với hồn cốt dân tộc, đồng thời cũng chính giới trẻ đang sáng tạo một cách táo bạo và cổ vũ mạnh mẽ những sản phẩm-tác phẩm nhiều đổi mới trên nền tảng di sản văn hóa cha ông.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xua-nan-not-va-nay-sac-so-hon-nhien-post893133.html