Xuân ấm áp, Tết yêu thương trên vùng cát Quảng Bình
Mồng 6 Tết, đất trời giao hòa trong khí xuân, chúng tôi đến thăm bà con các tộc người Rục, Mày, Khùa, Mã Liềng… sinh sống ở các thung lũng dãy núi Trường Sơn quanh đất Quảng Bình. Cùng với sự đổi thay của đất nước, sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương, bà con các bản làng đã được đón một cái Tết sung túc, đủ đầy. Tết đã qua, giờ đây bà con đang chung sức, đồng lòng nỗ lực xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp.
Trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tỉnh Quảng Bình đã trích ngân sách hơn 13 tỷ đồng hỗ trợ, tặng quà Tết các hộ nghèo, trẻ mồ côi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi hộ 1 triệu đồng. Đồng thời, Quảng Bình có quyết định phân bổ 1.241.580kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ nhân dân thiếu đói các huyện, thị xã, thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.UBND tỉnh Quảng Bình đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giao, nhận và hướng dẫn các địa phương cấp phát kịp thời, đúng đối tượng, chế độ quy định và phù hợp với tình hình khó khăn thực tế tại các địa phương.
Tất cả các hộ nằm trong diện được hỗ trợ đã nhận được gạo, tiền của tỉnh trước ngày 27/12 âm lịch để bà con có thời gian chuẩn bị Tết. Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động hơn 3,3 tỷ đồng để chuẩn bị hàng chục ngàn suất quà giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, bà con dân tộc thiểu số, gia đình chính sách.
Khi mùa Xuân gõ cửa, trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp chính quyền huyện Minh Hóa, Quảng Bình nơi có đông bà con các tộc người Rục, Mày, Sách, Mã Liềng… đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, không để gia đình nào không có Tết. Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, ông Nguyễn Bắc Việt cho biết, việc tổ chức cấp gạo cứu trợ cho nhân dân tại các địa phương trên địa bàn được triển khai một cách khẩn trương và hoàn tất ngay trước ngày giáp Tết. Cụ thể, huyện Minh Hóa đã thực hiện cấp khoảng 220.290kg gạo cho nhân dân ở các xã, thị trấn.
Cùng với đó, nhằm đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, huyện Minh Hóa tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần các đối tượng chính sách, người có công trong dịp Tết Nguyên đán 2023; triển khai hiệu quả công tác trợ giúp xã hội và tăng cường kiểm tra đời sống nhân dân, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội để kịp thời cứu đói, bảo đảm cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình đều có Tết.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã biên giới Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Đại chia sẻ: “Trên địa bàn nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số, với gần 75% hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền xã luôn băn khoăn, trăn trở để giúp bà con đón Tết vui tươi, ấm cúng. Những món quà của Chính phủ, tỉnh, huyện, đặc biệt là sự quan tâm rất thiết thực của tỉnh đã mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho bà con, là động lực quan trọng để cán bộ, đảng viên và nhân dân xã nhà đoàn kết, phấn đấu giảm nghèo, vươn lên làm giàu”.
Trước Tết Nguyên đán, hơn 70 hộ gia đình vùng thường xuyên bị bão lụt ở tỉnh Quảng Bình được vào nhà mới. Đó là những căn nhà được chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng. Bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình cho biết thêm: Bên cạnh hỗ trợ nhà từ chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), năm 2022, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, nguồn an sinh xã hội của Ủy ban MTTQVN tỉnh và nguồn xã hội hóa huy động được, Mặt trận và tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 555 nhà “Đại đoàn kết” cho đồng bào nghèo khắp các địa phương trong tỉnh. Được nhận những căn nhà kiên cố trước thềm xuân mới, khi Tết cổ truyền của dân tộc sắp đến còn niềm vui nào bằng đối với những bà con nông dân chân lấm, tay bùn. Nỗi lo thường trực thiên tai, bão lũ từ nay đã bớt lại với những đôi vai gầy lam lũ.
Bà Trần Thị Hiền, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đi khắp nhà, bà sờ vào bức tường, sờ khung cửa còn thơm mùi sơn mới. Là hộ gia đình nghèo lại ở vùng tâm lũ, nên giờ được nhận nhà mới bà Hiền xem như một sự đổi đời đối với bà và các thành viên trong gia đình. Chồng mất sớm, một mình thân gầy nuôi nấng 5 đứa con. Dù đã cố gắng bươn chải ngược xuôi nhưng cái nghèo vẫn bám lấy bà. Trận lũ lịch sử 2020 tràn về đã ngập đến tận nóc nhà. Bà may mắn thoát ra được trước lũ để đi sơ tán. Lũ rút, về nhìn căn nhà xiêu vẹo, bà vẫn luôn thầm mong có được một căn nhà kín trên, bền dưới. Và giờ đây, cùng với sự chung tay của chính quyền địa phương và hỗ trợ UNDP, niềm vui về căn nhà mới của bà Hiền đã thành sự thật.
Dọc con đường Trường Sơn như dải lụa, hai bên đường qua địa bàn xã Thượng Hóa, Dân Hóa, Trọng Hóa… là những bản làng của bà con dân tộc thiểu số nằm san sát dưới những tán rừng xanh ngắt sắc xuân. Có lẽ giờ nhìn cuộc sống của bà con, ít ai nghĩ tộc người Rục sinh sống ở vùng đất này từng có nguy cơ biến mất bởi đói nghèo và lạc hậu. Tộc người Rục ở Quảng Bình từng làm các nhân chủng học, dân tộc học trong nước và thế giới sửng sốt khi được phát hiện vào năm 1959. Khi được phát hiện và đưa rời khỏi hang đá, người Rục chỉ có 34 người gồm 11 nam, 23 nữ, bốn em nhỏ và một già làng.
Ngay sau khi được phát hiện, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng phương án, chăm sóc, bảo vệ tộc người mới mẻ này. Nhưng cuộc sống của người Rục dựa hoàn toàn vào tự nhiên, săn bắt, hái lượm, sinh hoạt như người tiền sử. Người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài… nên mỗi lần được đưa ra khỏi các cánh rừng già, người Rục lại tìm cách trốn vào các hang đá. Phải mất rất nhiều công sức và thời gian, tỉnh Quảng Bình mới đưa được người Rục về định cư ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa như bây giờ. Để người Rục biết trồng cây lúa nước, nuôi con gà, con lợn như bây giờ là sự nỗ lực hàng chục năm qua của chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an cắm bản giúp dân. Những việc làm xuất phát từ cái tình, cái nghĩa giữa những chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng đã đưa đến tình cảm với bà con dân bản ngày thêm gắn chặt.
Chúng tôi vào thăm gia đình ông Hồ Căm ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Nhìn vào góc nhà sàn, những bì gạo vẫn còn đầy, bánh chưng xanh và thực phẩm thịt heo, cá, rau xanh còn bên chái bếp tự nhiên thấy lòng vui lây với đời sống của bà con dân bản. Hồ Căm cười vui: “Mấy năm nay, bà con dân bản mình ít khi đứt bữa vì luôn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Trước Tết nhà mình nhận được 1 triệu đồng để sắm Tết mua thịt heo, mua cá, mua bánh kẹo và nhà mình 6 người, một người còn được Nhà nước cho nhiều gạo nữa nên ăn Tết to rồi”.
Mồng 6 Tết, nhiều bà con dân bản đã lên nương chuẩn bị cho vụ mới. Nhiều trẻ em đang chuẩn bị đã trở lại trường học chữ. Chúng tôi “xông đất” bà con dân tộc người Khùa, Rục, Mày, Mã Liềng ở huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, Quảng Bình. Những tộc người sinh sống dọc các thung lũng ở dãy Trường Sơn, đời sống ngày một khởi sắc nhờ vào sự chăm lo của chính quyền địa phương và nỗ lực của bà con.
Chính sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương đã giúp người bà con nơi đây đón Tết vui Xuân đầm ấm hơn. Nhấp ly rượu đầu xuân tạm biệt bà con dân bản Mã Liềng, chúng tôi về Minh Hóa xông đất bà con người Rục, Mày, Khùa… Tết năm nay bà con dân bản treo nhiều bánh chưng, bánh tét. Từ những tộc người có nguy cơ biến mất, giờ đây người Rục, người Khùa, Mày đang vươn lên xóa đói, giảm nghèo, cho con đến trường học chữ. Nhiều bản làng nơi sinh sống của bà con đang thay đổi như thị tứ, thị trấn giữa đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi thấy ấm lòng mang niềm vui về xuôi.