Xuân ấy, tôi lên đường tòng quân
Mùa xuân ấy cách nay đúng 20 năm. Hai mùa xuân tiếp nối trong quân ngũ với những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức. Tình đồng đội cùng đất và người cao nguyên làm vợi đi nỗi nhớ nhà trong những ngày Tết xa quê.
1. Mùng 9 tháng giêng 20 năm trước, vào buổi sớm xuân se lạnh, tôi khoác ba lô rời làng. Quốc kì tung bay trước gió trên đường quê, loa truyền thanh ngân vang khúc quân hành giục giã lòng trai trẻ.
Sân bãi Gò Hội (nay là quảng trường mùng 8 tháng 10, trung tâm huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) khá đông người đưa tiễn. Hơn 300 tân binh khoác trên mình màu xanh áo lính hàng ngũ chỉnh tề đứng trước lễ đài. Lễ tiễn đưa trang trọng, diễn ra nhanh chóng. Tiếng loa gióng giả gọi tên tân binh lên xe về đơn vị. Xe lăn bánh, bao cánh tay lưu luyến tiễn đưa hẹn ngày gặp lại. Nước mắt đẫm má hồng thôn nữ tiễn người yêu. Tôi cố ngăn dòng lệ hoen mi khi nhìn thấy mẹ và người thân qua ô cửa nhỏ.
Những mái nhà, rặng tre dần lùi xa trong tầm mắt khiến lòng dạ bâng khuâng. Xe hướng về phương Nam trên quốc lộ 1A rồi rẽ phía tây, lướt qua những xóm nhà thưa thớt nằm cạnh núi non hùng vĩ.
Bữa cơm trưa đời quân ngũ trong quán ven đường trên vùng đất An Khê (tỉnh Gia Lai). Tây Nguyên nơi tôi đến ngày ấy hoang sơ và thơ mộng. Những cánh rừng xanh ngút ngàn, đồi cà phê bung nở sắc hoa trắng muốt trong nắng xuân hanh vàng.
Đón chúng tôi là cán bộ, chiến sỹ trung đoàn 64 (sư đoàn 320) với nụ cười thân thiện cùng những cử chỉ ân cần. Mặt trời gác trên đỉnh núi mờ xa, hơi lạnh miền cao nguyên khiến những chàng lính trẻ vừa rời làng quê miền trung tê tái.
Những ngày sau đó, chúng tôi miệt mài trên thao trường dưới ánh nắng chói chang như đổ lửa. Những bài học đầu tiên trong quân ngũ thật bỡ ngỡ nhưng mang lại nhiều thích thú. Phương pháp mắc tăng võng đề phòng rắn độc khi đi hành quân dã ngoại, cách định hướng khi lạc lối giữa rừng già trang bị cho chúng tôi kỹ năng sinh tồn lúc nguy nan. Những phút nghỉ ngơi sau giờ luyện tập như cơn gió thổi mát hồn tươi trẻ. Chuyện gia đình, làng quê râm ran dưới bóng cây râm mát. Nụ cười rạng rỡ lẫn nét ưu tư hiện trên những gương mặt sạm đen vì nắng gió.
Đêm về bao phủ màn sương buốt giá. Phiên gác đêm là thử thách đầu tiên với những người lính trẻ.
Bao nỗi nhớ ùa về giữa đêm khuya thanh vắng trào dâng cảm xúc tuổi đôi mươi. Nhớ gia đình với bữa cơm đầm ấm ngày mưa gió, bát canh cua mẹ nấu ấm lòng con thơ. Nhớ làng quê yêu dấu tung tăng bước chân thơ trẻ trên cánh đồng làng sau mùa gặt. Nhớ cánh diều phấp phới bay giữa nền trời xanh thẳm. Nhớ tà áo trắng thướt tha sau giờ tan trường với mái tóc huyền óng ả phất phơ trong gió chiều nhạt nắng…
2. Ba tháng quân trường trôi qua nhanh, chúng tôi bịn rịn chia tay nhau về đơn vị mới.
Tôi được điều về đại đội kỹ thuật sư đoàn 320. Tấm chân tình của cán bộ, chiến sỹ giúp tôi sớm hòa mình vào nếp sinh hoạt của đơn vị mới.
Mùa mưa đầu tiên ở Tây Nguyên, tôi cùng đồng đội hành quân lên biên giới. Đường trơn trượt, bùn đất nhão nhoẹt níu bước chân thay cho gió bụi mịt mù mùa hanh khô. Chúng tôi trú chân trong căn nhà vách đất, mái lợp tôn thủng lỗ chổ mà người bạn gọi đùa là khách sạn nghìn sao. Bữa cơm đạm bạc với món ăn "chủ lực" là măng le muối chua với ớt, món ăn đặc trưng của lính khi trú quân nơi rừng núi xa xôi.
Gian nan không làm nhụt chí những người lính Đại đoàn Đồng Bằng (sư đoàn 320). Nhưng tôi đã bị mắc bệnh sốt rét không thể gượng dậy trong nhiều ngày liền.
Anh em trong đơn vị đùa vui: Đấy là "dấu chứng nhận khi đến với Tây Nguyên" mà những người "may mắn" mới được trao tặng. Những mũi thuốc tiêm của y tá đơn vị cùng sức trẻ và tình đồng đội giúp tôi vượt qua căn bệnh quái ác. Sau hai đợt sốt rét, tôi sụt hơn 11 ký, tóc bắt đầu rụng và chứng thèm ăn khiến tôi ái ngại với đồng đội. Nhưng họ luôn mỉm cười động viên và san sẻ khẩu phần ít ỏi của mình để tôi dần hồi phục sức khỏe. Với tôi, đấy là những kỷ niệm không thể phai mờ theo năm tháng.
Đời quân ngũ giúp tôi hiểu về đất và người Tây Nguyên, thêm yêu đồng bào dân tộc bản địa. Tấm lòng họ chân thật đến tận cùng, luôn tin yêu hết lòng, rất khó thay đổi trong nếp nghĩ. Với những người như thế, chúng tôi như được sống trong tình thương yêu của gia đình. Chén cơm gạo lúa mới mang bao nỗi nhọc nhằn cùng món canh lá khoai mì nấu với muối hạt làm ấm lòng ngày mưa se lạnh. Những đêm giao lưu văn nghệ với thanh niên bản làng gần nơi đơn vị đóng quân, bên ánh lửa bập bùng, chúng tôi nắm tay nhau hát vang: "…Ngọn lửa bồi hồi, bồi hồi cháy mãi/Ôi! Cao nguyên, cao nguyên/Những chiến sỹ cao nguyên bên ánh lửa bập bùng…".
Những mùa xuân trong quân ngũ tiếp thêm sức sống cho bao chàng lính trẻ. Nhịp cồng chiêng rộn rã, ngân vang từ bản này đến làng nọ giục giã mọi người quây quần bên nhà rông vui cùng mùa xuân. Đêm xuân với ánh lửa bập bùng bên ché rượu cần thơm men lá rừng, bóng dáng ngả nghiêng theo bước xoan dìu dặt. Những tấm váy mới xập xòe theo bước chân sơn nữ. Những đôi mắt đẹp mê hồn khiến cho tâm hồn lính trẻ cứ xao xuyến, bồi hồi.
Mùa xuân này, bao chàng trai đất Việt lại lên đường theo tiếng gọi non sông. Bước chân rập ràng trong đoàn quân oai hùng. Họ sẽ cất cao tiếng hát: "…Từ nơi biên cương núi cao/Người lính qua trăm suối nghìn đèo/Lắng nghe tiếng của mẹ hiền/Ngày đêm giục bước con hành quân… Trường Sơn hay nơi đảo xa/Đoàn chúng con xin quyết giữ gìn/Chúng con luôn bên mẹ hiền/Ngày đêm vững bước trong đoàn quân…".
Đó là lời ca đã theo chúng tôi trên những chặng đường thuở trước.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/xuan-ay-toi-len-duong-tong-quan-20200125194937364.htm