Xuân biên cương thắm nghĩa tình
Thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng về đêm lung linh sắc màu, không gian huyền ảo, thơ mộng. Tình người như xích lại, tình xuân thêm rạng rỡ, ấm áp. Dệt thêu bức tranh tươi đẹp ấy có dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 799, Quân khu 1.
Ân tình sông Gâm
Một buổi sáng đầu xuân nơi thượng nguồn sông Gâm, sương lạnh giăng màn trắng xóa trên những tán lá trám đen tại Sở chỉ huy Đoàn KT-QP 799. Biết tin bác sĩ Thân Văn Hiền (bà con ở Bảo Lạc thường gọi là Thân Thiện Hiền), nguyên Bệnh xá trưởng Bệnh xá quân dân y Đoàn KT-QP 799 về thăm đơn vị, anh Hà Văn Lương, người dân tộc Tày, ở xóm Chàng Hạ, xã Hưng Thịnh, huyện Bảo Lạc khăn gói băng rừng, dẫn theo con trai đến gặp bằng được ân nhân.
Chuyện là, một tối tháng 6-2003, bác sĩ Hiền nhận được tin: Một nạn nhân bị thương nặng ở vùng bụng, tình thế nguy kịch, cần mổ gấp. Từ bệnh xá đơn vị, bác sĩ Hiền lao ra bến sông Gâm. Tháng 6, lũ thượng nguồn đổ về, con nước như hung thần cuộn sóng. Ở lại thì bệnh nhân nguy kịch, mà đi tiếp thì hiểm nguy khôn lường. Đang lúc nguy nan thì xuất hiện già Hổ cùng 3 chàng trai trong xóm. Khi biết rõ sự tình, họ đã nhanh chóng lấy sào đẩy chiếc mảng vượt sông Gâm, đưa bác sĩ Hiền qua dòng lũ xiết. Vừa đi, già Hổ vừa dặn: “Ngồi cẩn thận, nước sông dữ năm nào cũng bắt đi vài mạng...”. Mảng sang được bờ bên kia thì đã gần 24 giờ, bác sĩ Hiền vừa đi vừa chạy tới Bệnh viện huyện. Bệnh nhân Lương đang thoi thóp. Còn nước còn tát, bác sĩ Hiền yêu cầu đưa ngay Lương lên bàn mổ, tiến hành hồi sức chống sốc, đếm mạch, đo huyết áp, vừa lấy máu xét nghiệm, vừa tiến hành phẫu thuật. Ca mổ kéo dài đến gần sáng và bệnh nhân Lương đã qua cơn nguy kịch... Gặp lại ân nhân năm ấy, anh Lương ôm chầm lấy bác sĩ Hiền, giọng nghẹn ngào: “Cảm ơn anh đã hồi sinh em, ân nghĩa này đến đời con cái em cũng không quên được!”.
Sáng hôm ấy, bác sĩ Hiền gặp lại Thượng tá Nông Bế Tiến, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 799. Giây phút hội ngộ, bao kỷ niệm thời gian khó lại ùa về. Mùa xuân năm 2002, đang là bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Quân y 110 thì bác sĩ Hiền được lệnh lên Bệnh xá Quân dân y thuộc Đoàn KT-QP 799 nhận nhiệm vụ. Bệnh viện huyện lúc bấy giờ không có bác sĩ phẫu thuật, nên ngoài nhiệm vụ của đơn vị, bác sĩ Hiền còn đảm nhiệm tất cả các ca mổ cho Bệnh viện huyện Bảo Lạc.
Khó khăn nhất là những năm đầu thập niên 2000, người dân bị kẻ xấu phao tin đồn nhảm nên có một số người chưa tin vào các bác sĩ. Mỗi khi ốm đau, họ thường đón thầy mo về cúng con ma rừng, tế thần chứ không đến bệnh viện. Nhớ chuyện mùa hè năm 2003, có cô gái tên Hoàng Thị Thu ở xóm Xà Phìn, xã Xuân Trường bị viêm ruột thừa đã vỡ mủ, thế nhưng gia đình nhất quyết không đồng ý cho bác sĩ mổ, vì họ sợ “mổ để lại sẹo thì khi chết không bay về trời được”. Bác sĩ Hiền sau khi biết chuyện thì cương quyết: “Cứ gây mê, cho lên bàn mổ, tội đâu tôi chịu!”. Ca mổ thành công, lúc ra viện, gia đình bối rối đến cảm ơn, bác sĩ Hiền đùa: “May mà mổ kịp chứ không là... bay về trời rồi đấy!”.
Tết là khi đồng bào no ấm
Chiếc xe bán tải của Đoàn KT-QP 799 bon bon đưa chúng tôi về xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), xuyên qua những đồi quế tươi xanh mướt mát. Đi trong hương quế, chúng tôi có cảm giác nồng say theo từng đợt gió phảng phất ùa về. Nhà của già Lục Văn Thủy, Bí thư Chi bộ xóm Pác Pha, xã Lý Bôn nằm tựa lưng bên sườn núi thơm ngát hương quế. Vừa thấy bộ đội, già Thủy vội rót chén trà hoa vàng mời khách theo tục lệ người Tày rồi phấn khởi nói: “Tết năm nay, người dân trong xóm khấm khá hơn, vì nhiều nhà đã bắt đầu thu hoạch quế do bộ đội Đoàn KT-QP 799 hỗ trợ giống, kỹ thuật. Nhà nhiều được gần 150 triệu đồng, nhà ít cũng được gần 10 triệu đồng. Nhiều nhà mua được ti vi hiện đại, có xe máy mới, phấn khởi lắm”. Vậy mà khi trồng thí điểm, nhiều hộ dân còn e ngại vì sợ không thu được tiền. Chỉ đến khi thấy các hộ dân được bộ đội hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, cây quế phát triển tươi tốt cho thu hoạch, có thu nhập thì người dân mới tin và làm theo mô hình. Đến nay, 90% dân xóm Pác Pha đã trồng quế, với hơn 10ha, mỗi héc-ta cho thu hoạch 200-250 triệu đồng. Màu xanh tươi no ấm đang hiển hiện trên núi đồi ở xã Lý Bôn.
Chúng tôi ghé thăm Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 (Đội số 1), Đoàn KT-QP 799 khi nắng chiều đã chênh chao vắt ngang sườn núi. Lại thêm một mùa xuân nữa Đại úy Lầu A Khẩu, Đội trưởng Đội số 1 cùng các cán bộ bám biên, bám địa bàn đón Tết cùng đồng bào. Tạm quên đi những vất vả, gian khó, Lầu A Khẩu khoe với chúng tôi: “Đơn vị vừa cùng với các tổ chức, chính quyền vận động được 6 hộ dân ký cam kết không tham gia đạo lạ. Tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, dân bản phấn khởi làm ăn. Với chúng tôi, đó là món quà ngày Tết rồi”.
Cách nghĩ đó thật thấm thía với Thượng tá Nông Bế Tiến. Còn nhớ chiều 29 tháng Chạp, giáp Tết Mậu Tuất 2018, anh Tiến nhận được tin hàng trăm người dân bị kẻ xấu xúi giục, đang tụ tập trên núi ở xã Lý Bôn. Chỉ kịp mang theo ít quân tư trang, anh Tiến báo tin qua loa cho vợ con rồi khăn gói lên đường. Vừa vào đến nơi thì thấy một số người lạ đang hoa chân múa tay tuyên truyền đạo lạ. Các anh vừa tìm hiểu sự tình, vừa vận động bà con không nghe lời kẻ xấu. Những ngày Tết năm đó, trời rét buốt, không sóng điện thoại, không ti vi, các anh phải bám địa bàn, ăn uống qua loa cho xong bữa. Đến mồng 5 Tết mới vận động hết bà con trở về, lúc ấy các anh mới về nhà để... ăn Tết.
Đó là chuyện từ mấy năm trước. Giờ đây, Tết đến là cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 799 phối hợp cùng chính quyền các cấp tổ chức Tết quân dân ấm tình dân bản tại các bản nghèo trong huyện. Đặc biệt, trong Lễ hội Lồng Tồng tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, bộ đội Đoàn KT-QP 799 đều tham gia trưng bày gian hàng nông sản, bảng ảnh, gói bánh chưng, tổ chức trò chơi, văn nghệ, qua đó vừa phục vụ bà con vui xuân, đón Tết, vừa giữ vững an ninh trật tự. Tình xuân thêm ấm áp, tình quân dân ngày càng thêm bền chặt nơi biên giới phía Bắc Tổ quốc.