Một con chuột sơ sinh khi vừa được đẻ ra sẽ chưa thể mở mắt và bị mù hoàn toàn. Đặc biệt, đến lúc trưởng thành, chuột vẫn bị mù màu và chỉ có thể nhận biết thế giới qua 2 gam màu đen-trắng
Theo các nhà khoa học, chuột sở hữu khả năng thị giác kém là do tập tính sinh hoạt của chúng. Đây là loài vật hoạt động về đêm. Ở thời điểm này, một đôi tai thính và một chiếc mũi nhạy bén sẽ cần thiết hơn một đôi mắt sáng
Chuột là một loài động vật thông minh và nhanh nhẹn. Một số con chuột còn giả chết nếu quá sợ hãi hoặc không tìm được cách thoát thân. Đặc biệt, những con chuột được thuần hóa hay nuôi làm thú cưng còn biết chia tổ thành chỗ ăn uống, ngủ và đi vệ sinh
Ngoài ra, chuột là động vật có tính tò mò cao. Chúng có khả năng học được các thủ thuật do con người dạy. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã đặt những chú chuột vào trong một mê cung phức tạp. Sau một khoảng thời gian ngắn, chúng đã khám phá ra các lối tắt, kẽ hở và tìm được đường ra khỏi mê cung
Loài chuột sở hữu một khả năng sinh sản vượt trội, đặc biệt là chuột nhắt
Loài chuột có thể thụ thai khi chỉ mới 5 tuần tuổi. Mỗi lứa, chuột có thể đẻ 6-20 con non. Đặc biệt, cứ mỗi 3 tuần, một con chuột có thể mang thai và sinh đẻ tiếp một lứa. Trung bình, một con chuột cái đẻ 50 con một năm
Những con chuột sơ sinh thoạt tiên không có lông, chi rất nhỏ và bị mù. Sang ngày thứ hai, chúng bắt đầu có đuôi và dái tai. Ngày thứ ba, chân của chúng đã rất phát triển. Tới ngày thứ mười, những con chuột sẽ mở mắt và lông mọc kín cơ thể. Khi được hai tuần tuổi, chúng rời khỏi tổ và bắt đầu khám phá thế giới
Để chứng tỏ sự "nam tính" của mình, một con chuột đực sẽ rơi nước mắt. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện thấy chuột đực tiết ra pheromone trong chất lỏng làm ướt đôi mắt của chúng
Pheromone trong chất tiết ra này có thể sẽ được con cái nhận ra khi chúng "âu yếm" khuôn mặt của nhau. Đây là cơ sở giúp con cái tìm ra bạn đời tiềm năng của mình
Chuột nằm mơ khi ngủ: Khi các con chuột co tròn để ngủ, những ký ức trong ngày của chúng sẽ hiện về - trạng thái mà các nhà khoa học cho là tương ứng với giấc mơ của con người
Theo các nhà khoa học, trong khi ngủ, các dây thần kinh trong vùng hình ảnh của chuột tiếp xúc với dây thần kinh trong vùng hippocampus. Qua đó, giấc ngủ của chuột giúp củng cố lại những hoạt động trong ngày và làm cho những ký ức này trở thành dài hạn
Giống như các loài gặm nhấm khác, chuột sở hữu bộ răng cửa lớn, sắc và không ngừng phát triển. Răng của chúng phát triển với tốc độ 0,3mm mỗi ngày
Do đó, loài chuột luôn phải mài mòn răng vào các vật cứng để bộ răng cửa không quá dài đến mức vướng víu hay thậm chí là đâm thủng hộp sọ và gây ra đau đớn
Việc mẹ ăn thịt chính con non của mình xuất hiện ở không ít các loài động vật, trong đó có cả chuột
Các nhà khoa học cho biết, khi vừa sinh xong, nếu cảm thấy nguồn thực phẩm không đủ để chăm sóc tất cả con non, chuột mẹ sẽ chọn ra đứa con yếu nhất hoặc bị dị tật để ăn thịt, nhằm tăng cơ hội sống cho các cá thể sơ sinh khỏe mạnh còn lại. Đặc biệt, chuột vẫn chăm sóc các con chuột sơ sinh dù đó không phải là con mà chúng sinh ra
Sở hữu chiều dài khiêm tốn, trung bình từ 3-10cm, tuy nhiên, chuột có thể nhảy lên với độ cao khoảng 25,4cm, cao gấp 2,5 đến hơn 8 lần chiều dài cơ thể chúng
Ngoài khả năng nhảy ấn tượng, loài chuột còn có thể leo trèo. Chúng có thể leo dây với tốc độ cực "khủng" hay leo lên bề mặt phẳng đứng cao tới 2m
Đổi lại đôi mắt kém, loài chuột sở hữu một năng lực thính giác tuyệt vời. Đặc biệt, đôi tai của loài gặm nhấm này có thể nghe được âm thanh siêu âm tần số 1-100 kHz. Trong khi đó, phạm vi thính giác của con người chỉ từ 20 Hz đến 20 kHz
Nhờ khả năng này, những con chuột hoàn toàn có thể liên lạc với nhau mà không hề bị con người phát hiện
Khi chui qua những khe hẹp, loài chuột đã vận dụng khả năng linh hoạt của mình một cách đáng kinh ngạc
Chuột có thể uốn cong hoặc ép cơ thể của mình trở nên phẳng bẹt để chui lọt qua những khe nhỏ hay lỗ hổng có kích thước chỉ bằng 1/4 cơ thể của chúng
Kiều Phương (Tổng hợp)