Xuân Cello
Một chiều cuối năm, ngồi với nghệ sỹ Đinh Hoài Xuân - nữ Tiến sỹ chuyên ngành Cello đầu tiên của Việt Nam để nói về sự quyến rũ của nhưng thanh âm dày, ngân, trầm ấm của cây đàn. Để biết thêm về sự bền bỉ, niềm đam mê bất tận cũng vẻ đẹp tận hiến mà Xuân đã chạm tới trên từng nốt nhạc…
Hơn 20 năm miệt mài lao động nghệ thuật, người nghệ sỹ này khát khao trao tặng những “món quà”, bởi bản ngã và vẻ đẹp của âm thanh. Nguồn năng lượng ấy nhiều tới nỗi, bạn sẽ không hiểu tại sao một cô gái nhỏ, mong manh có thể làm được nhiều điều lớn lao thế.
Cha - người truyền cảm hứng
Khác với nhiều nghệ sỹ, thường lựa chọn ở lại nước ngoài sau khi hoàn thành chương trình học tập, tu nghiệp. Nhưng, với Đinh Hoài Xuân, quê hương là nơi tuyệt diệu nhất trên trái đất này. Vì thế, sau khi hoàn thành xuất sắc luận án Tiến sỹ tại Rumani, cô đã trở về và tiếp tục sự nghiệp âm nhạc, với những chương trình có nhiều tiếng vang trong giới nhạc, như “Cello Fundamento” do cô sáng lập.
Xuân nói, cô là con út trong một gia đình đông anh em, có cha là bộ đội còn mẹ là giáo viên trường làng ở một vùng quê Lệ Thủy (Quảng Bình). Gia đình dẫu không có ai theo con đường nghệ thuật, nhưng người truyền cảm hứng lớn cho cô lại chính là cha mình.
“Ông đã có những năm tháng học tập ở nước Nga tươi đẹp, với hình ảnh những vũ công ba lê và những bản nhạc cổ điển quyến rũ. Từ nhỏ, tôi thường được nghe kể lại điều này và đến năm 8 tuổi, tôi thi đỗ vào trường múa”, Đinh Hoài Xuân nhớ lại.
Năm lên 10 tuổi, Xuân được Trường Đại học Nghệ thuật Huế tuyển vào học sơ trung cấp chính quy âm nhạc. Cô được cha mình khăn gói đưa vào Huế trọ học. Không biết bao nhiêu lần cô đã khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ.
“Cha tôi nói rằng, con cứ học, cứ đi theo niềm đam mê và hết sức cố gắng. Dù có được sản phẩm hay không thì trong quá trình thực hiện mình có trải nghiệm, kinh nghiệm, đấy cũng là thành công rồi.”, Xuân nhắc lại những lời động viên của người thân khi lần đầu làm quen với nghệ thuật.
Mặc dù trở thành nữ Tiến sỹ Cello đầu tiên Việt Nam, nhưng cô chia sẻ rằng cô bắt đầu với cây đàn này khá muộn. Thế nhưng, ngay khi nhìn thấy cây đàn, cô đã “phải lòng” dù cho khi đó có không ít lời “rào cản” rằng, cô sẽ không đi tới đâu với cello. Nhưng cô bé ngày đó vẫn miệt mài mỗi cuối tuần (thứ 6) đón xe đò từ Huế ra Hà Nội để được học thêm với Giáo sư Vũ Hướng rồi Chủ nhật lại lộn ngược vào Huế để đến trường. Suốt một năm trời như vậy, cô thi đỗ vào hệ Đại học của Nhạc viện Hà Nội...
Khác với khi ở Việt Nam vừa học vừa làm, thì lúc sang ở Rumani, Xuân dành trọn vẹn thời gian và hơi thở cho cello. Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân bảo: “Suốt thời gian ở Rumani, tôi chỉ biết có 3 con đường, đó là: Đường đến nhà hát để tập đàn, biểu diễn, đường đến trường, đường đến siêu thị mua đồ ăn”.
Hơn 1.000 ngày chạm tay vào một trong những cái nôi của nền âm nhạc thế giới, ngón đàn của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân điêu luyện hơn và được nhiều người ngưỡng mộ. Ở đó, cô cũng học hỏi được nhiều từ các nghệ sĩ lớn, qua những lần đi biểu diễn ở Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Hy Lạp và khắp các nhà hát ở Rumani.
“Tôi thấy mình may mắn khi được học ở đây. Tôi đã được gặp Mischa Maisky - một nghệ sĩ mà tôi thường được nghe từ nhỏ, và không ngờ có ngày mình được gặp, được nghe nghệ sĩ chơi đàn, được trò chuyện và giữ mỗi liên lạc về những buổi concert trong tương lai. Tất cả những điều đó, với tôi như một giấc mơ!”.
Chừng ấy năm tháng lớn lên và trưởng thành cùng âm vang dày, ngân, trầm ấm của cây cello cùng với sự rung cảm mãnh liệt, cô thấy mình bị ảnh hưởng nhiều từ chính những âm thanh đó mỗi khi nó cất lên.
“Nơi tôi sinh ra là vùng đất nắng gió và cát trắng Quảng Bình. Những năm tháng tuổi thơ, thì được nghe những giai điệu hò Huế và giọng nói “ngọt lịm” của người xứ Huế; khi trưởng thành ở một nơi nhiều cảm xúc như Hà Nội và lại kết thúc chặng học hành ở Rumani. Toàn bộ con đường đó của tôi, thật tâm, nếu dùng mỗi từ mạnh nhất cũng sẽ không đủ để diễn tả hết…”.
Vay tiền làm… hòa nhạc cổ điển
Sẽ là cảm giác gai người, những là một rung cảm rất khác khi nghe Ave Maria hay Hướng về Hà Nội hoặc những tình khúc Trịnh Công Sơn qua ngón đàn đã từng tứa máu khổ luyện của Đinh Hoài Xuân. Chẳng thế, cô được giới chuyên môn yêu mến gọị là “tiểu quỷ” cello, vì những nốt nhạc ấy dường như đã chạm tới tận cùng vẻ đẹp của không chỉ là những bản nhạc, mà đó còn là những bài thơ trác tuyệt.
Cô kể, lần đầu tiên Giáo sư Razvan Suma người Rumani nghe cô chơi đàn, ông đã trầm ngâm một lúc rồi nói: “Này cô gái trẻ, trước và sau khi nghe cô đàn, tôi có hai trạng thái cảm nhận về cô. Trước thì tôi nghĩ cô gái này mỏng manh dễ tổn thương và hay cười; còn sau khi nghe đàn, tôi nghĩ mình đã nhầm, bởi có một sự kiên định và quyết tâm hiếm thấy ở cô. Tôi cảm nhận được cô có một sức mạnh đối lập với vẻ ngoài”...
Trở lại với đề tài Tiến sỹ là “Biểu diễn và phổ biến cello tại Việt Nam” của Xuân mới biết đó chính là tất cả những dự án cô đã làm bằng tất cả niềm tin, sự say mê, thậm chí là máu và cả nước mắt. Cello Fundamentodo cô sáng lập từ năm 2016, là dự án hàng năm, nơi để cô mời các nghệ sỹ huyền thoại trên thế giới về trình diễn cùng các nghệ sỹ Việt Nam. Để làm các chương trình này, cô từng phải đi vay lãi ngân hàng để có nguồn trang trải.
“Sổ tiền nợ của tôi ghi chi chít dày đặc ba cuốn... Tất cả được tôi lưu giữ một cách cẩn thận nhất, vừa làm kỷ niệm, vừa là bài học không được phép quên, và cũng là minh chứng cho một tuổi trẻ liều lĩnh, dám nghĩ dám làm”, Xuân nhớ lại đồng thời tâm sự, ngoài nợ tài chính, cô thấy mình nợ chính bản thân những buổi công diễn ở vị trí solo với những dàn nhạc có tên tuổi trên toàn cầu, đáp lại những năm tháng khổ luyện của bản thân với người yêu nhạc.
Với tình yêu khó đong đếm dành cho cello và âm nhạc cổ điển, Đinh Hoài Xuân ngoài quyết tâm hướng tới các buổi diễn chất lượng cao trong và ngoài nước, thì việc để âm nhạc đến từng trường cũng là điều ý nghĩa mà cô đã, đang nỗ lực vì tin dự án này sẽ mang lại một chút lấp lánh đáng yêu trong tâm hồn của các bé. Chỉ cần một tiết học, 45 phút mỗi tuần để cho các em nghe nhạc, thì trẻ sẽ tự tin hòa đồng nhanh hơn và giúp các em lắng lại …
“Tôi nhớ dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Rumani, lúc đó tôi có trình bày và cũng có vài đề xuất với Thủ tướng như việc đưa âm nhạc cổ điển đến trường học để học sinh có thêm cơ hội nghe và hiểu về các tác phẩm kinh điển bất hủ trên thế giới”, Xuân nói.
Dù đã hơn 20 năm gắn bó với cây đàn cello, nhưng trong cô vẫn luôn toát lên sự bền bỉ và tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp sẽ lan tỏa như những thanh âm giàu cảm xúc của mình. Xuân hy vọng, cùng với sự trưởng thành và độ chín của bản thân, cô tin tưởng các dự án sẽ thành công và người trẻ sẽ dần biết tới vẻ đẹp của Cello ngày một nhiều thêm. Ở đó, cô muốn người trẻ nhìn thấy, mọi sự thành công đều có thể chạm tới được, nếu bạn tận hiến vì nó.
Cô cũng có lúc thấy mệt nhoài phải bỏ lên núi sống một mình, nhưng tình yêu với cello đã cho cô sinh lực và lại say mê như chưa từng có nhọc nhằn.
“Bốn năm ra với thế giới, tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ lớn và một nền văn hóa lâu đời ở Đông Âu, tôi lại càng nuôi dưỡng một tình yêu mạnh mẽ và khát vọng lớn hơn rằng, trăm năm nữa, Việt Nam cũng có một bề dày âm nhạc không chỉ là dân ca, đàn tranh, đàn nhị hay đàn nguyệt mà là một nơi cũng có âm nhạc giao hưởng phát triển. Biết đây đây!”,Xuân cười đầy hy vọng .
“Năm 2016, Xuân cùng ba nghệ sĩ khác đến từ Rumani thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh Việt Nam với tựa đề "Violoncello Concert 1". Năm 2017, cô sáng lập chuỗi chương trình "Cello Fundamento Concert", mở màn với "Cello Fundamento Concert 2" tại Hà Nội. Một năm sau, "Cello Fundamento Concert 3". Năm 2019, sau chuyến tu nghiệp ở Rumani, Xuân trở về trình diễn tại "Cello Fundamento Concert 4", với tựa đề "Home Sweet Home". Đây là chương trình có sự tham gia của 60 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và quốc tế”.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/xuan-cello-572329.html