'Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân' là phim đáng xem nhất của Kim Ki Duk?

'Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân' thấm đẫm triết lý nhân sinh, khác lạ so với phong cách thường thấy của Kim Ki Duk và xứng đáng được liệt vào hàng kiệt tác điện ảnh.

Năm 2003, Kim Ki Duk ra mắt Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân sau bảy năm xuất hiện trong nền điện ảnh Hàn Quốc đương đại và tám tựa phim - phần lớn vẽ nên những bức chân dung méo mó vì cuồng nộ, bạo lực và tình dục.

Tác phẩm thứ 9 của vị đạo diễn tài danh mang đến một sắc màu, và không khí hoàn toàn đối lập với những xô lệch, đổ vỡ của Cá sấu (1996), Tiểu đảo (2000) hay Kẻ cướp trái tim (2001).

Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân xoay quanh cuộc đời lặng lẽ của một nhà sư và cậu học trò dưới mái chùa cổ. Ngôi chùa dựng lên giữa hồ nước trong vắt giữa rừng già, chỉ có độc hai hình bóng đi về. Mỗi lần cửa chùa mở ra đón khách, nó cũng để lọt vào bên trong không gian an tĩnh ấy biết bao nỗi khổ đau chốn hồng trần.

Tờ The New York Times của Mỹ từng ví Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân là một bộ phim đáng xem nhất của điện ảnh Hàn Quốc, và có lẽ, cũng là một bộ phim dịu dàng, triết lý nhân sinh sâu sắc, đáng xem nhất của chính Kim Ki Duk.

Bài học đầu đời là bài học về sự ăn năn

Như đã báo trước từ tên gọi, phim chia thành năm phần, tương ứng với sự vận động của thiên nhiên và đời người. Xuân tới hạ, hạ sang thu, thu chuyển đông, rồi mùa xuân quay về cũng như đời người sau sinh, lão, bệnh, tử lại đầu thai chuyển kiếp vào một mầm sống mới ra đời.

 Bài học đầu đời mà người thầy giảng cho cậu trò nhỏ là gánh nặng của sự ăn năn.

Bài học đầu đời mà người thầy giảng cho cậu trò nhỏ là gánh nặng của sự ăn năn.

Trong mùa xuân đầu tiên, cậu trò nhỏ (Kim Jong Ho) và chú chó cưng ngày ngày nô đùa vui vẻ, lên núi hái rau, tìm thảo mộc. Cuộc sống cứ thế yên ả trôi đi, cho tới một ngày, bên bờ suối, đứa trẻ, với trí tò mò không gì cản nổi, đã phạm tội ác đầu tiên trong cuộc đời.

Cậu buộc đá cuội vào một con cá, một con cóc và một con rắn rồi thích thú nhìn chúng quằn quại trong đau đớn. Đêm đó, cậu thức giấc, nhận ra sau lưng mình đã buộc chặt một tảng đá to, nặng từ lúc nào. Nhờ thế, cậu thấu hiểu nỗi đau của cá, cóc và rắn khi bị hành hạ rồi tìm cách giải thoát cho chúng.

Nhưng chỉ ếch còn thoi thóp. Rắn và cá đã chết. Bên bờ nước, cậu òa khóc. Những giọt nước mắt thơ trẻ trôi đi, nhưng lời của vị sư già (Oh Young Soo) thì găm sâu vào trái tim cậu. Nếu một trong những con vật ấy chết, cậu sẽ phải mang hòn đá mình buộc lên lưng chúng trong tim suốt cuộc đời. Từ ngày hôm nay, mang theo bài học về sự ăn năn, cậu đã không còn ngây thơ.

Tam tự kinh viết: “Nhân chi sơ / Tính bản thiện / Tính tương cận / Tập tương viễn”, ngụ ý bản tính con người sinh ra vốn tốt đẹp, xấu tốt sau này đều do giáo dục và môi trường sống tác động mà thành.

Trong mùa xuân đầu tiên của Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân, nếu không có lối giáo dục “trực quan” của vị sư già - để cậu bé tự nếm trải nỗi đau mình đã gây ra - thì biết đâu, mầm mống cái ác vừa cựa quậy trong tâm nó sẽ nảy mầm, lớn lên thành cỏ dại. Thằng bé sẽ lớn lên mà tự cho bản thân cái quyền chà đạp kẻ yếu, hay phớt lờ nỗi thống khổ của những thân phận xung quanh.

Tha thứ cho người, cũng là tự tha thứ cho mình

Xuân qua, hè tới... Cậu bé năm xưa đã ở tuổi thiếu niên (Seo Jae Kyung). Cùng lúc, một cô gái xin tới sống ở chùa để dưỡng bệnh. Mùa hè của trời đất, cũng là mùa chúng sinh rạo rực kết đôi. Cô gái đang ở tuổi mơn mởn xuân thì đã khơi dậy những ham muốn bản năng nơi chàng thiếu niên. Rồi, bởi không quên được ái tình, sắc dục, cậu học trò đã bỏ chùa theo cô.

Anh bỏ lại phía sau ngôi chùa, vị sư đã nuôi mình từ tấm bé và cả những lời ông răn dạy. Sự ra đi ấy, giống như cái hạt muốn lớn thành cây phải rời xa thân cành đã sinh ra nó, như lớp thanh niên bỏ quê ra đi để kiếm tìm tương lai tốt đẹp hơn, dường như đã là quy luật.

 Chương mùa hạ trong Xuân, hạ, thu, đông... lại xuân là hành trình khám phá nhục dục, trước khi biết đến tình yêu, của nhân vật người học trò.

Chương mùa hạ trong Xuân, hạ, thu, đông... lại xuân là hành trình khám phá nhục dục, trước khi biết đến tình yêu, của nhân vật người học trò.

Tới một mùa thu, cậu trở về. Chàng trai trẻ trung, căng tràn nhựa sống năm nào đã trở thành gã đàn ông bị cuộc đời mặc sức quăng quật, bóp nặn. Không những thế, gã còn đang bị truy nã.

Giống như cánh cửa gỗ của ngôi chùa, luôn rộng mở với khách dừng chân, bất kể thứ họ mang đến là hung hay cát, vị sư già lại dang tay đón gã đàn ông lầm lỡ. Một lần nữa, những gì ông đúc kết vào mùa hè năm ấy, “Nhục dục sinh ham muốn chiếm hữu, ham muốn chiếm hữu dẫn tới sát nhân”, lại vận vào cuộc đời người học trò.

Đau đớn, hổ thẹn, cùng quẫn trong ngày trở về, gã đàn ông toan tìm đến cái chết để giải thoát. Một lần nữa, vị sư già lại vào vai người thầy. Ông dùng đuôi mèo làm bút, chấm mực, viết Bát nhã tâm kinh lên sàn gỗ của mái hiên chùa rồi yêu cầu người học trò khắc theo những con chữ ấy. Ông dạy, mỗi nét khắc sẽ đẽo bỏ một phần sự cuồng nộ đeo bám trái tim anh ta.

Nếu trong mùa xuân đầu tiên, người thầy dạy cậu trò nhỏ bài học về sự ăn năn - thông qua hình ảnh hòn đá găm trong lòng - thì giờ ông dạy anh cách vứt bỏ một phần gánh nặng ấy.

Người đàn ông quỳ xuống, khắc từng con chữ Bát nhã tâm kinh mà thầy mình viết ra bằng mực đen trên hiên chùa. Anh đang xóa bỏ những vết nhơ quá khứ, thay thế nó bằng lời Tâm kinh dạy người ta sám hối ác nghiệp. Tha thứ cho người, cũng là tự tha thứ cho chính mình.

Tuần hoàn trời đất và vòng luân chuyển đời người

Mùa thu năm ấy, sau khi người học trò đã sám hối và để cảnh sát dẫn đi, vị sư già viên tịch. Nhiều năm qua đi, người học trò trở lại ngôi chùa cũ sau khi mãn hạn tù. Giờ anh đã ở tuổi trung niên (Kim Ki Duk).

Trong lòng con thuyền cũ, nơi anh và cô gái trẻ từng có cuộc truy hoan, người đàn ông tìm thấy di cốt của thầy mình. Anh an táng ông, rồi bắt đầu cuộc đời tu tập dưới mái chùa cũ tiêu điều.

Sau bao sóng gió cuộc đời, người đàn ông tìm về nương náu trong những giá trị mình từng một thời chối bỏ - sự sám hối, kỷ luật, và cuộc sống tĩnh tại xa lánh hồng trần. Một sự khai sáng không quá muộn màng, nhưng phải đánh đổi bằng quá nửa cuộc đời lầm lỡ và đôi tay đã nhúng chàm.

 Đi hết nửa cuộc đời, người đàn ông tìm về với những giá trị mà thầy mình theo đuổi.

Đi hết nửa cuộc đời, người đàn ông tìm về với những giá trị mà thầy mình theo đuổi.

Cánh cửa gỗ của ngôi chùa cũ, ngỡ sẽ không bao giờ mở ra, lại chào đón một vị khách lạ. Đó là người phụ nữ ôm theo đứa bé sơ sinh. Cô trao đứa bé cho người đàn ông, với niềm tin kỳ lạ, rằng nó sẽ được ông chăm sóc chu đáo. Trong đêm ấy, khi tìm cách rời đi trong im lặng, cô trượt ngã trên lớp băng phủ mặt hồ, rơi xuống nước và chết. Không ai biết, cũng chẳng ai hay.

Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân khép lại trong ánh sáng của một mùa xuân mới. Chú bé mồ côi mẹ năm xưa giờ vào tuổi hiếu động, ham khám phá. Người học trò năm xưa giờ đã trở thành thầy, nhận trách nhiệm dìu dắt mầm non ấy.

Bên mép nước, chú bé lại bày trò tra tấn một con rùa, giống như những gì thầy mình đã làm năm nào. Mầm mống cái ác lại manh nha xuất hiện, như một phần tất yếu của biểu hiện tính người, dự báo một vòng lặp sự kiện mới.

Trong Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân, thiền định và sự giác ngộ biến mọi hỷ, nộ, ai, lạc của đời người thành hư vô. Yếu tố bạo lực và sự bi quan thường thấy trong các tác phẩm trước đó của Kim Ki Duk cũng hoàn toàn vắng bóng.

Ông gắn nhịp vận động vô hạn của đất trời với đời người hữu hạn, để rồi mỗi cuộc đời hữu hạn ấy lại trở thành mắt xích trong chuỗi không đầu cuối mang tên nhân loại. Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân ngập tràn những hình ảnh về vòng lặp vĩnh hằng của sự sống.

Cây cỏ ra lá, đơm hoa, tàn úa theo nhịp điệu của mùa, con người sinh ra, lớn lên, vấp ngã, chiêm nghiệm, đúc kết và trao truyền thành quả tri thức ấy cho thế hệ cháu con.

Đó không nhất thiết phải là sự nối dài về mặt sinh học, khi ta sinh ra đời những đứa trẻ mang một phần mã di truyền của mình. Nó nên là sự trao truyền và kế thừa nhân sinh quan, thế giới quan, hệ tư tưởng cũng như tấm lòng vị tha và sự bao dung tha thứ, từ thầy sang trò, từ tiền nhân tới hậu bối, từ kẻ đã trả giá cho sai lầm tới người mới bước chân vào đời với tấm lòng giấy mới.

Hải Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xuan-ha-thu-dong-la-phim-dang-xem-nhat-cua-kim-ki-duk-post1162590.html