Xuân Hòa - Nơi một thời giới tuyến

Làng Xuân Hòa, xã Trung Hải nằm về phía bắc của huyện Gio Linh. Vùng đất này gắn liền với những câu chuyện của lịch sử với những tên gọi như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Vĩ tuyến 17 với nỗi đau chia cắt hai miền Bắc Nam. Từ buổi đầu của cách mạng, trong gian khổ hy sinh mất mát, người dân Xuân Hòa một lòng đi theo cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Xuân Hòa đồng lòng, đồng sức để xây dựng hương thôn ngày thêm đổi mới.

 Các cựu chiến binh thôn Xuân Hòa thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4. Ảnh: Việt Hà

Các cựu chiến binh thôn Xuân Hòa thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4. Ảnh: Việt Hà

Chuyện xưa tích cũ

Bến Hải - Một con sông lớn của tỉnh Quảng Trị, chảy từ tây sang đông dọc theo Vĩ tuyến 17. Ở khu vực nơi có cây cầu lịch sử mang tên Hiền Lương, phía bắc là làng Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh, phía nam là làng Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Bên cạnh hình ảnh con đò ngược xuôi của miền sông nước thì làng Xuân Hòa mang dáng dấp của một làng thuần nông với những cánh đồng bát ngát, hàng cau thanh bình, cây đa - bến nước - sân đình.

Theo các cuốn Ô Châu cận Lục, Phủ biên tạp lục và Đồng Khánh dư địa chí, làng Xuân Hòa xưa kia còn có các tên là Thì Hòa, Thì Thái và Thời Hòa. Đến triều nhà Nguyễn đổi tên thành làng Xuân Hòa, thuộc tổng An Mỹ, huyện Minh Linh, phủ Quảng Bình. Từ năm Minh Mạng thứ 17, tức là vào năm 1836 do chuyển 3 tổng An Mỹ, An Xá và Bái Trời thuộc huyện Minh Linh sang huyện Địa Linh- thuộc huyện Gio Linh ngày nay- làng Xuân Hòa đã tách ra khỏi tổng An Mỹ nhập vào tổng mới có tên là tổng Xuân Hòa.

Sau cách mạng Tháng Tám thành công, suốt từ năm 1946 cho đến ngày đất nước thống nhất vào tháng 4/1975, Xuân Hòa được tách và nhập vào các xã Xuân Hòa rồi xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Liêm, huyện Vĩnh Linh; xã Trung Hải, quận Trung Lương và đến năm 1976 thì thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Cụ Nguyễn Minh Anh, một bậc cao niên ở làng Xuân Hòa, cho biết: “Để có được một miền hương thôn xinh đẹp như ngày hôm nay, tương truyền xa xưa hàng trăm năm trước vùng đất này thấp trũng, lũ lụt quanh năm. Các bậc tiền nhân khai canh của làng đã không quản nắng mưa, bền gan nung chí, cùng nhau biến vùng đất thiên tai địch họa đơm bông kết trái, dựng xây nên một miền quê đẹp Xuân Hòa”.

Một trong những cổ vật được dân làng Xuân Hòa quan tâm gìn giữ đó là hệ thống các giếng nước được người Chăm Pa cổ xây dựng từ xa xưa, đến những năm gần đây người dân vẫn còn dùng để sinh hoạt. Giếng được xây bằng đá tổ ong hoặc đá xanh, dưới đáy kè bằng gỗ trai, trải qua cả ngàn năm mà không bị mục. Trên địa bàn của làng có giếng Cùa, giếng Cồn, giếng Đập, giếng Trọng, giếng Xoài, một số giếng còn nguyên trạng, hằng năm luôn được sửa sang, nạo vét. Giếng làng được xem như các nguồn long mạch tạo nên thịnh khí cho làng vậy.

 Cánh đồng lúa chín vàng của làng Xuân Hòa. Ảnh: Việt Hà

Cánh đồng lúa chín vàng của làng Xuân Hòa. Ảnh: Việt Hà

Ở phía nam của làng, ngày xưa dân làng có trồng một lũy tre có chiều ngang hơn 30 m, dài theo sông, lâu dần những loại hạt như lim sến, gò, táu từ rừng đổ về tạo thành rừng nguyên sinh gọi là biền Xuân Hòa. Sau này, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ thì nơi đây đã trở thành căn cứ cách mạng.

Những năm tháng bi tráng chiến tranh

Trong suốt những năm tháng hai miền BắcNam của đất nước mang nặng vết đau chia cắt, cán bộ và Nhân dân Xuân Hòa ngày đêm chiến đấu bám đất giữ làng, luôn đau đáu hướng về miền Bắc, nơi có lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong mưa bom bão đạn, vững chãi như ngọn hải đăng giữa bão tố phong ba chỉ đường cho tàu thuyền về đất liền.

Là nơi địa đầu của giới tuyến, kẻ địch cũng đã điên cuồng dùng mọi hình thức từ khủng bố đến mị dân để đàn áp và mua chuộc cán bộ và Nhân dân dọc theo bờ nam sông Bến Hải, trong đó có Xuân Hòa. Như chúng ta thấy hiện nay phía khu đất cạnh cổng làng Xuân Hòa là Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”: Tượng đài có diện tích 2.700 m2 , gồm hai phần: phần bệ đài, với mặt cạnh là mảng phù điêu, được ghép từ nhiều khối đá, có kích cỡ khác nhau; phần tượng đài là hình tượng bà mẹ miền Nam và người con trai, được tạo trên chất liệu đá xanh Thanh Hóa. Tượng đài thể hiện một niềm tin son sắt của đồng bào miền Nam vào một ngày mai chiến thắng, thống nhất nước nhà. Tuy nhiên ngày đó nơi này là đồn cảnh sát Xuân Hòa của ngụy quyền. Ông Nguyễn Văn Biểu, người làng Xuân Hòa cho biết: “Đồn cảnh sát này có một nhiệm vụ khác là dò la, trấn áp, đe dọa, chiêu hàng các gia đình có người thân tham gia hoạt động cách mạng. Vào ngày 20/1/1967, ta đã đánh đồn Xuân Hòa, tiêu diệt tên xã trưởng cùng nhiều tên ác ôn có nợ máu với Nhân dân. Chiến thắng đồn Xuân Hòa đã dấy lên niềm tin của quân dân ta và gây ra sự sợ hãi cho địch”….

Cây cầu Hiền Lương có một thời như một chiếc khóa tưởng chừng sẽ được mở sau 2 năm tổng tuyển cử nhưng lại im ỉm đóng suốt 20 năm lịch sử đau thương của dân tộc, là chứng nhân cho sự chia ly của những gia đình, của đất nước một thời bi tráng. Như hai câu ca dao được lưu truyền trong những năm tháng đằng đẳng buồn đau này: “Cách một con sông mà đó thương đây nhớ/Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Lễ hội “Thống nhất non sông” được tỉnh Quảng Trị tổ chức tại di tích lịch sử đặc biệt quốc gia này vào ngày 30 tháng 4 hằng năm là một lễ hội cách mạng đặc sắc, riêng có ở Quảng Trị với nhiều hoạt động phong phú và có ý nghĩa giáo dục cao.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ trước và sau Mậu Thân 1968 cho đến ngày quê hương Gio Linh hoàn toàn giải phóng vào ngày 2/4/1972, mảnh đất Xuân Hòa là nơi chứng kiến sự chiến đấu quả cảm và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Xuân Hòa. Đế quốc Mỹ và tay sai đã biến nơi đây thành một vành đai trắng để ngăn cách miền Bắc XHCN chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ông Nguyễn Minh Châu, nguyên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Gio Linh, người con của Xuân Hòa, kể lại: “Trong những năm tháng chiến tranh giữ đất quê hương, đã có nhiều tấm gương liệt anh ngã xuống trên mảnh đất quê hương và mọi miền Tổ quốc. Hiện nay có một số liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy. Tháng 4 năm 1972, những chiến sĩ du kích Xuân Hòa cắm ngọn cờ lên căn cứ Dốc Miếu, đánh dấu việc giải phóng hoàn toàn Gio Linh, các thế hệ Xuân Hòa rất đỗi tự hào về truyền thống của quê hương”.

Vĩ thanh

Về Xuân Hòa hôm nay, bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa đứng trầm mặc với thời gian là những tươi mới của một làng quê với sự đổi thay của câu chuyện tam nông đúng nghĩa. Những cánh đồng đồng rộng lớn được quy hoạch một cách khoa học, thuận tiện trong việc sản xuất canh tác nông nghiệp, những con đường bê tông rộng rãi đi đến tận ngõ của các ngôi nhà. Thấp thoáng sau cánh đồng lúa xanh mướt mắt là hàng dừa trĩu quả và mái ngói của những ngôi nhà được xây dựng khang trang vững chãi.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế thì Xuân Hòa cũng luôn quan tâm đến việc xây dựng một thiết chế văn hóa lành mạnh, bền vững, nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được quan tâm đầu tư và phát triển. Công tác khuyến học khuyến tài luôn được các dòng họ chú trọng. Đã có những người con làng Xuân Hòa thành tài góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Người cao tuổi trong làng luôn là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo học tập, tu dưỡng đạo đức. Ông Trần Văn Tâm, trưởng thôn Xuân Hòa chia sẻ: “Cán bộ và Nhân dân Xuân Hòa đang chung sức, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai không xa”.

Tự hào với truyền thống yêu nước được lưu truyền bao đời, làng Xuân Hòa miệt mài thêu hoa dệt gấm những câu chuyện lịch sử dân tộc trong những điều thật dung dị và điềm tĩnh như tính cách của dòng sông lặng lẽ mãi miết trôi xuôi về biển cả. Để cho các thế hệ hôm nay và mai sau nhớ đến: Nơi đâycó một địa danh Xuân Hòa như thế.

Nguyễn Việt Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=148707