Xuân mới ở Mường Pồn

Được ví như một Làng Nủ thứ 2, sau cơn bão số 2 và số 3,
nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng người dân Mường Pồn Điện Biên) đã tái thiết cuộc sống, kịp đón Xuân mới trong những ngôi nhà khang trang.

Không thiệt hại nặng nề về người như Làng Nủ ở Lào Cai, nhưng những thảm họa mà cơn bão số 3 gây ra, xã Mường Pồn thuộc huyện Điện Biên của tỉnh Điện Biên được ví như Làng Nủ thứ 2 của Việt Nam. Nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng người dân Mường Pồn Điện Biên) đã tái thiết cuộc sống, kịp đón Xuân mới trong những ngôi nhà khang trang.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ tôi có cơ hội về với Mường Pồn, những ngôi nhà vừa được tái thiết lại sau mưa lũ vẫn còn thơm mùi vôi, vữa. Mặc dù công cuộc tái thiết vẫn chưa hoàn tất bởi những thiệt hại mà đợt mữa bão, lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra đối với những người dân Mường Pồn là quá lớn và chưa từng có.

Vẫn chưa hết bàng hoàng và đau xót khi hồi tưởng lại “thảm họa” của thiên tai xảy ra với Mường Pồn, chia sẻ với phóng viên ông Quàng Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Đó là một thảm cảnh đau thương chưa từng có tại mảnh đất này. Thiên tai đã gây ra cho bà con nhân dân những thiệt hại nặng nề, đặc biệt là tại các khu vực thuộc 04 bản của xã Mường Pồn gồm: Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, bản Lĩnh và bản Tin Tốc.

Ngoài thiệt hại về con người, thiên tai còn tàn phá hơn 90 ngôi nhà, hàng trăm hecta đất nông nghiệp, gần 4.000 vật nuôi, cùng với cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm bị tê liệt hoàn toàn; 18 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, 05 công trình nước sinh hoạt bị hỏng hoàn toàn; hàng trăm tài sản như: xe máy, trang thiết bị, máy móc của người dân bị lũ cuốn trôi, vùi lấp không tìm thấy; hơn 100 gia đình phải di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; có 333 hộ với 1.366 khẩu cần hỗ trợ cứu đói do ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt,… các hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái…

“Ước tính tổng giá trị thiệt hại lên đến gần 175 tỷ đồng. Những con số này đã khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng đau xót và bất lực”- ông Tiến thông tin.

Sau khi thiên tai xảy ra, công tác khắc phục hậu quả đã được triển khai khẩn trương và đồng bộ. Chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng đã nhanh chóng tổ chức tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân sơ tán, cấp cứu những người bị thương, đồng thời cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu để ổn định cuộc sống ban đầu cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Ông Tiến chia sẻ, sau thiên tai các đoàn cứu trợ cũng đã có mặt tại hiện trường để giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, công tác khắc phục vẫn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Ông cho biết thêm, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là việc tổ chức tái định cư và hỗ trợ xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất cho các hộ dân mất nhà cửa, tài sản, ruộng đất. Với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, việc hỗ trợ nơi ở mới cho họ cần nguồn kinh phí rất lớn và thời gian dài. Bên cạnh đó, việc cải tạo lại đất nông nghiệp bị vùi lấp do lũ quét, sạt lở cũng đang là một thách thức lớn. Đất đai bị cày xới, sỏi đá tràn ngập, khiến việc canh tác trở nên khó khăn, và đòi hỏi một nguồn kinh phí khổng lồ để cải tạo và phục hồi.

“Hơn bao giờ hết, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và các nhà tài trợ trong công tác tái thiết này. Mỗi sự đóng góp dù nhỏ hay lớn sẽ là nguồn động viên vô cùng quý báu giúp bà con ổn định cuộc sống. Các nhà tài trợ có thể hỗ trợ chúng tôi trong việc xây dựng lại nhà cửa, cải tạo đất đai, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ các dịch vụ y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng”- ông Tiến cho biết.

Mặc dù công cuộc tái thiết vẫn còn đang tiếp tục diễn ra, nhưng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, gần 100 ngôi nhà mới đã được dựng lên và hoàn thành trước Tết để cho người dân mất nhà kịp thời có nơi ăn, chốn ở.

“Đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã đang xây dựng được 71 ngôi nhà do Bộ Quốc phòng hỗ trợ mỗi ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng cùng nguồn đối ứng của nhân dân. Như vậy, những người dân mất nhà đã có thể được về sống và đón tết tại nhà mới, đảm bảo cho người dân đón xuân đầm ấm, đầy đủ, và yên vui”- Đại tá Long khẳng định.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Tiến Long, sau khi bàn giao nhà Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục lại ruộng, nương bị đất đá vùi lấp, kênh mương bị sạt lở… cho người dân ổn định sản xuất ngay từ vụ đông xuân 2025. Đồng thời, tiến hành tổng dọn vệ sinh môi trường nơi ở mới cho người dân không để dịch bệnh phát sinh.

Chia sẻ thêm với phóng viên ông Quàng Văn Tiến cho hay, để đảm bảo cho người dân Mường Pồn có một cái tết đầy đủ, chính quyền địa phương đã kết nối với các cơ quan đơn vị trao tặng 506 xuất quà cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên thai, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng trị giá 238.700.000 đồng.

Đồng thời, cấp phát gạo hỗ trợ cứu đói cho các hộ bị ảnh thiệt hại nặng do thiên tai là 61.470 kg gạo cho 333 hộ/ 1.366 khẩu, mỗi nhân khẩu được hỗ trợ 3 tháng, mỗi tháng là 15kg gạo.

Không dấu nổi vui mừng, ông Lường Văn Bình - Bí thư Chi bộ 3 Bản Lĩnh, xã Mường Pồn cho biết: Sau khi thiên tai xảy ra trên địa bàn cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác hỗ trợ về lương thực thực phẩm, đặc biệt là chăm lo chỗ ăn, chỗ ở cho bà con. Sau hơn 4 tháng lũ quét xảy ra, đến nay đã có 39 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai được hỗ trợ làm nhà và bàn giao nhà ở, đời sống của người dân ở tâm lũ đã cơ bản ổn định. Hiện bà con nhân dân đang tích cực chuẩn bị đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa… để vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2025.

Cùng với hỗ trợ người dân tái thiết lại cuộc sống, mỗi dịp xuân về, những người lính Cụ Hồ lại tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa bàn như: Quân sự, công an, biên phòng… để bảo đảm an ninh, chính trị, an toàn xã hội khu vực biên giới trong đó có Mường Pồn. "Việc giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội tại khu vực vùng biên để bà con Nhân dân được vui xuân, đón tết”- Đại tá Long khẳng định.

Trước mắt 98 hộ mất nhà ở do mưa lũ đã được bàn giao nhà với tổng giá trị tiền lên đến 4,9 tỷ đồng gồm: Bộ Công an hỗ trợ 20 nhà, Bộ Quốc phòng 57/71 nhà (14 nhà đang tiếp tục được xây dựng), Nhà đại đoàn kết của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc là 15 nhà, còn lại của Tập đoàn Petrolimex, Tạp chí doanh nhân Sài Gòn… Hiện công tác xây dựng nhà hỗ trợ cho những người dân ở trong vùng có nguy cơ sạt lở, bị thiệt hại do thiên tai, khôi phục đất sản xuất cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực tái định cư mới... vẫn đang tiếp tục được Điện Biên triển khai. Chính quyền địa phương mong muốn nhận được sự hỗ trợ, sẻ chia của các tổ chức, cá nhân trong cả nước để người dân Mường Pồn sớm khôi phục lại cuộc sống, sản xuất.

Trước đó, vào ngày 4/1/2024 Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) thuộc Bộ Công Thương đã trao tặng 15 máy cày cho xã Mường Pồn để người dân nơi đây có thêm nguồn lực cải tạo đất nông nghiệp sau mưa lũ bị vùi lấp và sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Thu Hường

Đồ họa: Hồng Thịnh

Thu Hường - Hồng Thịnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuan-moi-o-muong-pon-371299.html