Xuân mới và những kỳ vọng của Đề án 06 trong năm 2024
Dưới sự chỉ đạo toàn diện, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sự chung sức đồng lòng, quyết tâm của các thành viên trong tổ công tác và người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, ngay từ tháng 1/2024, điểm sáng Đề án 06 tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Những thông điệp về chuyển trạng thái triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trên tinh thần “đã hứa thì phải làm”, “ai, bộ, ngành nào không làm cũng buộc phải làm bằng được”… tất cả vì người dân, doanh nghiệp, vì sự phát triển hùng cường của đất nước. Không chỉ tin tưởng, đồng hành, chia sẻ, kỳ vọng, người dân, doanh nghiệp, xã hội cũng đang giám sát chặt chẽ từng phần việc, kết quả của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai Đề án 06.
Nhiều kết quả nổi bật ngay từ đầu năm
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, sau hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06, thành viên của tổ công tác cùng với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả những yêu cầu nhiệm vụ trong tháng 1, cũng như tạo đà xuyên suốt cho cả năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0; hoàn thiện hồ sơ Nghị định quy định danh mục, xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định liên quan đến Luật Đấu thầu 2023 để đảm bảo lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin có tính đặc thù.
Đến nay, đã có 54/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến. Có 7 bộ, ngành thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. 6/20 bộ, ngành và 46/63 địa phương hoàn thành kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân phục vụ chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06, đặc biệt triển khai có hiệu quả 2 dịch vụ công liên thông, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt…
Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã có văn bản đề nghị 6 ngân hàng, tổ chức tài chính triển khai sản phẩm ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay, chỉ đạo triển khai sản phẩm cho vay tín chấp đến người dân có nhu cầu. Trong tháng 1 và 10 ngày đầu tháng 2, hàng chục tỷ đồng đã được giải ngân cho người dân mà đa số là những người yếu thế trong xã hội, góp phần giúp đỡ họ tiếp cận nguồn vốn để làm ăn, phát triển kinh tế, phòng, chống hiệu quả “tín dụng đen”…
Hiện có 100% cơ sở y tế trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh với hơn 55,7 triệu lượt tra cứu thành công. Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Tính đến nay có trên 40.355 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công với hơn 104,8 triệu hóa đơn điện tử. Hiện, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh hóa đơn điện tử tại 100% cơ sở ăn uống ở 4 tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân
Cũng theo Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, hiện 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo thuận tiện cho người dân khi khám chữa bệnh; 100% cơ sở đào tạo nhân lực y tế thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại các khu vực đô thị (tăng 3% so với năm 2022, vượt 4% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).
Về phát triển công dân số, đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 85,4 triệu thẻ CCCD gắn chip; thu nhận trên 73,1 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 52 triệu tài khoản (đạt tỷ lệ gần 72%). Có 51/63 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và tỷ lệ kích hoạt tài khoản cao. Hàng loạt các tiện ích đã được cập nhật trên ứng dụng VNeID, phục vụ người dân gồm: Dịch vụ công thông báo lưu trú; kiến nghị, phản ánh về ANTT; thông báo, phổ biến chính sách pháp luật; bảo hiểm xã hội; căn cước điện tử; hộ khẩu điện tử; sử dụng tài khoản định danh đăng nhập, xác thực vào hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương; bảo hiểm y tế...
Đặc biệt, đối với việc triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, ngày 18/1, Bộ Tư pháp đã hoàn thành xây dựng tài liệu, tập huấn cho đội ngũ công chức Sở Tư pháp. Hiện Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Công an, tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm thử quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID trước khi kết nối chính thức. Đối với sổ sức khỏe điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử tại Hà Nội, hiện có 17 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã hoàn thiện phần mềm kết nối, liên thông với Bảo hiểm xã hội Việt Nam phục vụ triển khai nhiệm vụ trên; đã truyền hơn 100.000 dữ liệu với đủ 48 trường thông tin cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam; tích hợp các hồ sơ lên VNeID để công dân kiểm tra, theo dõi trong quá trình khám chữa bệnh.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 16 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương; tiếp nhận hơn 1,4 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin; 594.474.786 yêu cầu đồng bộ thông tin công dân, đồng bộ thành công 266.892.808 thông tin công dân vào dữ liệu dân cư. Đến nay, 63 địa phương đã cập nhật hơn 18,6 triệu thông tin người lao động vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tháng 1 vừa qua, Bộ Công an đã cung cấp số liệu dân cư gửi các tỉnh Sơn La, Hải Dương Hà Nam để phục vụ triển khai mô hình điểm tại Đề án 06; chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thống kê về xây dựng, đánh giá chỉ tiêu dân số, tận dụng các trường thông tin trong dân cư, thông qua làm giàu để khai thác, sử dụng làm số liệu thống kê.
Những kết quả nổi bật trên của Đề án 06 không chỉ góp phần tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, mà giá trị mang lại đối với người dân, doanh nghiệp và xã hội là vô cùng to lớn, khó có thể đong, đếm được. Đề án 06 đã góp phần quan trọng và căn bản trong việc thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý công dân; tạo môi trường văn minh, minh bạch, hạn chế, phòng ngừa tiêu cực, “tham nhũng vặt”; nâng cao công tác cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, góp phần đẩy mạnh xây dựng, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, công dân số, xã hội số…
Trên tinh thần “đã hứa là phải làm” được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ rõ và với nguyên tắc Tổ Công tác triển khai Đề án 06 đưa ra “rõ người, rõ việc, rõ thời gian”, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 2 cũng như năm 2024 đó là tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội với lộ trình, thời gian cụ thể phải hoàn thành.
Tổ Công tác triển khai Đề án 06 chỉ rõ, 15 bộ, ngành khẩn trương hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc. 14 bộ, ngành và 17 UBND địa phương hoàn thành việc kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. 12 bộ, ngành khẩn trương báo cáo lộ trình đơn giản hóa 551 thủ tục hành chính theo 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2024.
Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định: Để có được những giá trị, kết quả to lớn trong thời gian qua, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 và từng thành viên của tổ công tác, sự đồng lòng, quyết tâm chính trị rất lớn của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đó còn là sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và cả chia sẻ, đồng hành của người dân, doanh nghiệp đối với đề án. Lãnh đạo Chính phủ, các thành viên trong Tổ Công tác triển khai Đề án 06 trong nhiều phiên họp đã từng khẳng định, chỉ khi nào người dân, doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành thì lúc đó Đề án 06 mới được xem là thành công toàn diện.
Chính vì vậy, tất cả những phần việc, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai Đề án 06 phải luôn bám sát quán triệt phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Lãnh đạo các cấp cần phải vượt lên chính mình, trước hết là thay đổi cách làm, thay đổi tư duy, dù việc này là khó nhất. Về thời gian, lộ trình hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành "đã hứa là phải giữ lời", phải quyết liệt triển khai đồng bộ, ai, bộ, ngành nào không làm cũng buộc phải làm, tất cả vì người dân, doanh nghiệp, vì sự phát triển hùng cường của đất nước.