Xuân - mùa mỹ tục thăng hoa
Mỹ tục thuộc văn hóa của một dân tộc được truyền qua lịch sử nhiều thế hệ, thành những giá trị mẫu mực của cuộc sống. Song, mỹ tục và cũng như dân tộc tính không bất biến, mà luôn có sự chuyển động bổ sung để thêm những nét đẹp mới, nhân sinh phù hợp với thời cuộc, thời đại.
Phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động đã trở thành nét đẹp của dân tộc. Ảnh: Tư liệu
Một mỹ tục của Việt Nam nửa sau của thế kỷ 20 đã thành thông điệp toàn cầu ở thời mà mong mỏi Trái Đất xanh phát triển bền vững thành khát vọng và nhiệm vụ sống còn của loài người trong trách nhiệm với sự sống hiện tại và tương lai, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng: Tết Trồng cây.
Mùa Xuân Kỷ Hợi 1959, Bác Hồ đã phát động Tết Trồng cây với tư tưởng cách mạng cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái làm cho “phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp”. Chính danh nhân văn hóa, người anh hùng dân tộc, lãnh tụ kính yêu của chúng ta đã tạo ra những mỹ tục mới, trong đó, có việc trồng cây vào mùa xuân.
Với Bác Hồ, trồng cây còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên của người Việt đã được trao truyền bao thế hệ.
Để định hướng về phong trào Tết Trồng cây, Bác Hồ đã có 15 bài viết, bài nói có liên quan. Trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 14-9-1958, Bác đã xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Trần Lực in bài “Tết Trồng cây”, báo Nhân Dân số 2082. Bác Hồ đã chính thức khởi xướng và phát động phong trào Tết Trồng cây. Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tết cuối cùng của đời mình, tuy sức khỏe yếu đi nhiều, Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, Ba Vì. Đến tận ngày Bác ra đi, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn không quên nhắc việc trồng cây: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”. Những lúc thư giãn, Bác coi việc làm vườn quanh Phủ Chủ tịch là một sinh thú gây cảm hứng, lại rèn luyện được sức khỏe. Bác căn dặn nhắc nhở trong cả thư chúc tết bằng thơ và tết nào Người cũng trồng cây: “Mùa xuân là Tết Trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Mọi ngôi nhà đều được dọn dẹp, trang hoàng, tỉa cỏ cây, trồng hoa trong vườn, hoa tươi cắm đầy các bình lớn, nhỏ, chưa kể các bồn, chậu cảnh. Có gia đình vườn rộng, mua cây thông lớn để ngoài vườn trang trí rực rỡ, đèn lộng lẫy suốt từ trước Noel đến sang năm mới. Người Âu, Mỹ đặc biệt thích món gà tây và chúng được nuôi, vỗ béo từ vài tháng trước. Ở Việt Nam, quất vừa trĩu quả vừa có hoa, đào bích, đào phai, mai vàng, mai trắng, tùy sở thích gia cảnh. Ai khấm khá thì rất “bạo chi” sắm hoa, cây cảnh. Hoa từ trại, bãi lại có hoa lê từ vùng cao rợp các chợ hoa Hà Nội. Mua sắm cho bản thân và gia đình; đề cao sự đoàn tụ, tặng quà, dành cho nhau nhiều lời chúc và niềm lạc quan trước thềm năm mới. Mỹ tục này là điểm tương đồng của người dân các châu lục.
Đồng hồ đếm ngược ở hầu hết quảng trường các thành phố lớn. Bất kể tuổi tác hoàn cảnh nào, đa số dân chúng đều muốn đổ ra đường đón giao thừa lúc nửa đêm. Chào hỏi nồng nhiệt, nắm tay nhau nhảy múa hát, dành những lời chúc không chỉ xã giao mà thật lòng hồ hởi, hỉ hả chân thành. Có thể nói, buổi tối thiêng liêng này mang sức mạnh liên kết đặc biệt gần như xóa hết các khoảng cách, ranh giới, tạo một không khí dân chủ chan hòa. Do múi giờ, năm mới đến trước - sau một số nước, nhưng tập quán theo dõi giao thừa ở những địa điểm nổi tiếng thế giới năm nào cũng gây hào hứng cho cả tỷ người. Một trong các điểm đếm ngược thu hút nhất là Quảng trường Thời đại ở New York, khi quả cầu pha lê khổng lồ kéo lên, pháo giấy bung muôn cánh sắc màu và pháo hoa rực sáng bầu trời thành phố chọc trời nổi tiếng nhất của siêu cường số 1, là khi tiếng cười, bật nút champagne, âm nhạc bừng rộn rã.
Tết tạo nên sự hiệp đồng lớn trong xã hội khi mọi người được dịp thể hiện lòng nhân hậu, sẻ chia, nghĩa đồng bào, đồng loại với những số phận kém may mắn. Những năm qua, việc các doanh nghiệp cá nhân chung sức xã hội hóa làm tết càng ý nghĩa khi sự thực dụng và vô cảm đang căng thì “người với người sống để thương nhau” đánh thức lương tâm của nhiều người thường ngày không quan tâm ai khác. Cả ngàn vé máy bay, ô tô tặng, tíu tít những chuyến xe từ TP Hồ Chí Minh chở công nhân về quê miền Trung, miền Bắc hay các tổ chức, hội nhóm thiện nguyện quyên góp để có quà áo ấm, bánh chưng, gạo thịt cho người nghèo, trẻ em vùng cao đã thành mỹ tục của cộng đồng lớn - quốc gia. Mỹ tục này phát huy từ truyền thống ngàn năm, dù không dư dật cũng tỏ ra xông xênh, hào phóng hơn thường ngày để mong năm mới gặp may, sung túc. Tục biếu quà dịp tết cũng vậy.
Tin nhau là cảm giác chủ đạo lan tỏa đầu năm. Mọi người thoải mái, rộng lượng, chiều ý nhau hơn. Ai cũng muốn vui vẻ, nhanh chóng. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúc cho người khác những điều tốt đẹp là mong cho bản thân, người thân, dòng tộc xã hội. Tục “Đầu năm mua muối cuối năm mua vôi” vẫn duy trì. Cuối năm sửa, xây nhà đẹp, tân trang mộ phần cho người quá cố. Trong năm, nhà nào có tang thì coi như “vận áo xám”, tết không đến chơi nhà khác. Không cáu gắt, khóc lóc kìm nén và tạm quên những đau khổ, lo âu. Tết cho mọi người những ngày vui đầu năm chan hòa ấm áp, ấm từ trong lòng được quyền hy vọng. Tục đầu năm đi lễ chùa, đem về gói muối, bao diêm, là mang no ấm, mang điều lành. Lửa từ cổ đại coi là điều lành, may mắn. Người con gái vùng cao lấy chồng, rời nhà mẹ đẻ bước qua chậu than hồng; đến nhà chồng cũng bước qua than hồng từ cửa. Tết là dịp để bù đắp, quan tâm nhau. Không chỉ tặng quà mừng tuổi người già - con trẻ như theo bản nguyên tục lệ này, mà bất cứ ai cũng có thể lì xì từ trước tết, lắm khi đó là cớ tế nhị mà hợp lý để giúp nhau có tiền lo tết đầy đủ hơn.
Hẹn trước, sắp đặt hay tình cờ, người xông nhà đầu năm là khách hay chính thành viên trong gia đình, họ hàng, nhân vật đầu tiên đến, lời chúc tốt lành vang lên từ cổng sẽ khiến cả nhà hoan hỉ khi hợp tuổi, tính xởi lởi, công thành danh toại, họ sẽ đem đến phước lành, niềm vui, hanh thông năm mới. Cuối năm, tùy hoàn cảnh sắp xếp con cháu ra nghĩa trang mời người quá cố về ăn tết. Tục cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng chạp để kiểm điểm lại mình, đêm giao thừa cúng Trời đất và Táo quân sắp trở về, xin ân huệ các thần trên khắp trần gian. Mâm cỗ giao thừa được chú trọng dâng lên, thụ lộc thành bữa tất niên sum họp quan trọng nhất năm - đồng nhất buổi tối bận và thiêng nhất, với nhà nhà. Mồng một mọi người hay kiêng không đến chơi nhà ai buổi sáng, trừ ruột thịt cận kề. Rồi tíu tít lịch thăm, hội tụ, đi chơi. Làm cả năm ăn ba ngày tết, nay đâu nặng về ăn mà mọi người thích chơi hơn nên tết qua rất nhanh. Rồi tùy điều kiện, mỗi gia đình sẽ cúng bữa cơm “hóa vàng” sớm hay muộn tiễn ông bà tiên tổ. Xuất hành đầu năm chọn hướng, chọn giờ, “trả nghĩa” ai đến thăm mình hoặc bạn bè, họ hàng lâu không gặp, chỉ dồn chờ tết. Hẹn là mỹ tục đẹp nhất của tết, cuộc hẹn lớn đoàn tụ, đông vui nhất trong năm.
Tết thực sự đến trong đêm giao thừa không muốn ngủ chờ tiếng rao tinh mơ khi tất cả mọi ngõ, ngách phố xá yên tĩnh không ngờ. Một bình minh muộn được mong chờ nâng niu nhất! Ở bất cứ quốc gia nào, tết truyền thống đón năm mới cũng được coi là lễ - hội quan trọng bậc nhất, và dù có những khác biệt về văn hóa, thì phương Đông và phương Tây cũng có những giao hòa, tương đồng đẹp đẽ. Có thể nói, mùa xuân là mùa mỹ tục tỏa lan bao sắc màu lạc quan, hy vọng khắp hành tinh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/xuan-mua-my-tuc-thang-hoa/113389.htm