Xuân này nhớ tiếng cồng chiêng

Lễ hội cồng chiêng tại xã Suối Trai vài năm trước. Ảnh: LÊ KHA

Âm thanh cồng chiêng không chỉ là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, mà còn là tiếng lòng yêu thương, là sức mạnh, là hồn thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Ê Đê. Cồng chiêng cũng là âm thanh không thể thiếu trong dịp đầu xuân mới.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều buôn làng, trong đó xã Krông Pa và Suối Trai (huyện Sơn Hòa) không mở hội cồng chiêng mừng xuân, đón chào năm mới. Nhưng tiếng cồng chiêng vẫn vang vọng trong tâm hồn mỗi người.

Âm thanh đại ngàn

Đầu tiết xuân năm ngoái, tôi được tham gia lễ hội cồng chiêng ở xã Krông Pa. Âm thanh cồng chiêng trong lễ hội mùa xuân ở vùng đất này như mạch nước sông Ch’Lúi thấm đẫm vào cuộc sống của cộng đồng người Ê Đê nơi đây, lúc dữ dội, khi ầm ào như thác đổ, khi sôi động như chàng trai Y Rít phóng lao đánh đuổi thú dữ phá hoại hoa màu, khi mặn mà, lắng đọng như đôi nam nữ tỏ tình, nói lời ước vọng. Tiếng cồng chiêng trong lễ hội mùa xuân truyền tải một cách tinh tế, những bản hòa tấu cồng chiêng vang lên từ những con người mộc mạc, chất phác của núi rừng.

Đến với vùng đất Krông Pa vào mùa xuân, đó là mùa nhớ về mẹ cha, mừng con trưởng thành, mùa “ăn năm uống tháng”. Ta có thể lắng nghe âm thanh cồng ba, chiêng năm, chiêng knah, chiêng gril, hoặc chiêng arap tai... trầm hùng đi sâu vào lòng đất, ngân xa đến tận núi đồi. Tất cả đều được ngân lên như một dàn hợp xướng hội tụ đầy đủ cung bậc, sắc màu của cuộc sống từ ngàn xưa vọng về.

Cồng chiêng là di sản quý báu mà người Ê Đê vùng đất này đã được thừa hưởng qua các thế hệ, đồng hành, gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển các dân tộc thiểu số ở phía thượng nguồn sông Ba Phú Yên. Ông Ma Thoan, nguyên Chủ tịch UBND xã Krông Pa cho biết: “Bộ cồng truyền thống của người Ê Đê, xã Krông Pa có một Sar lớn, gồm 6 chiếc và một trống cái (Hgơr). Đặc biệt là chiêng Arap, du nhập từ người Gia Rai ở Tây Nguyên. Bộ chiêng này lúc đầu 16 chiếc, được người dân nơi đây gọi là chiêng Tai hoặc Arap Tai. Sau năm 1983, xã có thêm bộ chiêng 18 chiếc, trong đó có ba chiếc chiêng núm làm chức năng giữ nhịp, các chiêng còn lại tiết tấu giai điệu”.

Cùng đón mùa xuân mới, người dân xã Suối Trai cũng được hòa mình vào âm thanh cồng chiêng. Ông Kpắ Y Chem (70 tuổi), một người đánh cồng chiêng lâu năm ở buôn Ma Giá, xã Suối Trai, chia sẻ: “Cồng chiêng đã gắn liền với dân làng nơi đây từ thuở xa xưa. Những ngày xuân phải có cồng chiêng và rượu ché để dân làng xích lại gần nhau, gắn kết con người với đất trời, với cỏ cây, núi rừng. Hòa trong âm vang cồng chiêng rộn ràng, bà con các làng buôn tay nắm tay nối chặt vòng xoang, hy vọng về một năm mới tốt đẹp và hạnh phúc”.

Trong tiếng cồng chiêng nhịp nhàng, những điệu múa xoang uyển chuyển của các chàng trai, cô gái Ê Đê khiến du khách không rời mắt. Những đôi chân trần bên bếp lửa và những ché rượu thơm dưới cây nêu..., tất cả làm đắm say, mê hoặc lòng người.

Giữ gìn nét văn hóa độc đáo

Từ những năm đầu mới tụ cư lập làng, khai canh, đồng bào Ê Đê vùng đất này đã biết sử dụng cồng chiêng. Dù già hay trẻ đều có thể tham gia gõ nhịp cồng chiêng trong dịp về nhà mới, mừng tuổi trưởng thành, lễ xoay cột tế trâu cho Giàng, cho các thần linh.

Điều đặc biệt hơn cả là trong những ngày đầu năm mới, hương sắc mùa xuân tràn ngập khắp nơi, âm thanh cồng chiêng được hòa chung vào không gian thiêng liêng của ngày hội mùa xuân mới, báo hiệu Tết đến, xuân về. Trong không gian đó, họ cùng nhau tưởng nhớ tổ tiên, đoàn tụ bà con buôn làng, chúc mừng sức khỏe, làm ăn sung túc, bà con làng trên, buôn dưới kết đoàn xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tuy nhiên, năm nay trước tình hình bệnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh quyết định dừng một số hoạt động phục vụ Tết. Với thông báo này, lễ hội cồng chiêng xuân năm nay ở xã Krông Pa và Suối Trai cũng tạm ngừng. Chị Rơ Ô H’Nhoen ở buôn Học, xã Krông Pa bày tỏ: “Tôi cảm thấy thiếu vắng khi không có tiếng cồng chiêng đầu xuân mới, những điệu múa xoang đoàn kết của đồng bào đã ăn sâu vào máu thịt của bà con buôn làng rồi. Nhưng vì dịch bệnh, bà con buôn làng tuân thủ nghiêm túc quy định của Nhà nước. Hẹn mùa xuân sau”.

Mặc dù, không mở hội cồng chiêng nhưng trong không khí hân hoan của đất trời, của lòng người, các làng buôn ở 2 xã Suối Trai và Krông Pa vẫn rộn ràng trong tiếng cồng, tiếng chiêng, âm thanh ấy vẫn vọng về khiến lòng người lâng lâng, sắc xuân bừng tỉnh.

Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của 2 xã Suối Trai và Krông Pa. Đặc biệt là tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang vào dịp lễ hội mùa xuân, nó đã đi sâu vào tâm thức mỗi người dân, in đậm trong tư tưởng, tình cảm, được các thế hệ gìn giữ, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Ê Đê sinh sống nơi đây.

Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa Nguyễn Thiện Tình

TRẦN LÊ KHA

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252402/xuan-nay-nho-tieng-cong-chieng.html