Xuân này, Phú Bình vui hơn

Chủ tịch UBND xã Phú Bình (Chiêm Hóa) Hà Xuân Hùng phấn khởi bảo, Tết này bà con Phú Bình vui lắm vì có tiền mua sắm từ nuôi trâu vỗ béo, trâu sinh sản. Toàn xã có 1.332 hộ dân thì có 900 hộ có thu nhập khá từ chăn nuôi trâu. Doanh thu của xã mỗi năm đạt khoảng 6 tỷ đồng từ nuôi trâu.

Phú Bình có lợi thế chăn nuôi trâu với trên 50 ha đất trồng cỏ. Toàn xã hiện có 1.170 con trâu tập trung nhiều nhất là thôn Bản Ho có 400 con, thôn Nà Lung có 200 con, thôn Đoàn Kết có 200 con…. Nếu như trước đây, người dân chỉ nuôi đơn thuần các giống trâu bản địa, có tầm vóc nhỏ, sức khỏe kém thì từ năm 2017, nhiều hộ dân mạnh dạn nuôi các giống trâu lai được sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo để tăng hiệu quả kinh tế. Anh Ma Văn Học, trưởng thôn bản Ho cho biết, toàn thôn có 400 con trâu, trong số đó có 210 con là trâu lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nuôi trong 1 năm nuôi thì trâu lai sẽ nặng hơn trâu bản địa khoảng 100 kg.

Anh Ma Văn Học, thôn Bản Ho, xã Phú Bình chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Anh Ma Văn Học, thôn Bản Ho, xã Phú Bình chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Nhiều hộ ở Phú Bình có cuộc sống khá hơn từ nuôi trâu vỗ béo. Chị Bùi Thị Huyền, thôn Đoàn Kết cho biết, nhà chị trước đây nghèo lắm, Tết đến xuân về không có tiền mua sắm, nghĩ mà tủi. Nhưng giờ khác rồi, cuối năm 2017, gia đình chị được vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa, chị đầu tư thêm chuồng trại, nhận chăm sóc 3 con trâu vỗ béo và 2 con trâu sinh sản theo mô hình liên kết với hợp tác xã. Để đảm bảo nguồn thức ăn, chị trồng thêm 1 ha cỏ voi, được nhân viên thú y xã thường xuyên giúp đỡ về kỹ thuật nuôi, cách thức phòng bệnh, đến nay mỗi năm chị có nguồn thu ổn định trên 150 triệu đồng, trở thành hộ khá của thôn. Chị có điều kiện chăm lo cái Tết tươm tất hơn, không khí gia đình vì thế cũng đầm ấm, vui vẻ hơn.

Thay vì chăn nuôi trâu thả rông, nhỏ lẻ và chưa chú ý tới phòng chống dịch bệnh, chống rét, từ năm 2018 đến nay, trên 90% số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã chuyển dần sang hình thức nuôi nhốt chuồng và trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Chị Lưu Thị Như, nhân viên thú y xã Phú Bình cho biết, ngay từ đầu mùa rét, các hộ dân đều được hướng dẫn cách thức che chắn chuồng trại đảm bảo độ ấm cho đàn vật nuôi, đồng thời hướng dẫn người dân cách ủ chua, làm mềm thức ăn khô, cách bảo quản thức ăn cho trâu.

Mùa xuân đang đến, những triền cỏ xanh non dọc hai bên đường làng, thung lũng núi Phú Bình là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn trâu. Nuôi trâu, người Phú Bình đang đẩy lùi nghèo đói, trước năm 2017, toàn xã có trên 40% hộ nghèo, thì đến cuối năm 2019 giảm còn 28%. Hiện Phú Bình nằm trong “top” những xã có nhiều trâu nhất huyện Chiêm Hóa. Năm 2020, xã tiếp tục mở rộng mô hình liên kết chăn nuôi trâu, chú trọng khâu chế biến sản phẩm thịt trâu, coi đây là sản phẩm đặc trưng thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/xuan-nay-phu-binh-vui-hon-127856.html