Xuân này ta lại… không về

Từ sâu trong tâm khảm, ai ai trong chúng ta cũng mong được trở về quê nhà sum họp cùng gia đình vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Thế nhưng vì không có điều kiện, nhiều người buộc phải ở lại đón năm mới nơi đất khách, để rồi hơn một lần lỡ hẹn với cố hương.

Ngày 28 Tết. Phố sá Pleiku (Gia Lai) tất bật và nhộn nhịp hơn hẳn. Lẫn trong dòng người hối hả là những mảnh đời đang cần mẫn mưu sinh. Họ đến từ những nơi khác nhau, hoàn cảnh cũng chẳng giống nhau, nhưng lại cùng chọn Phố núi là nơi để tìm kế sinh nhai, cải thiện cuộc sống.

Những ngày cận Tết, nhiều người xa quê vẫn không thể trở về sum họp bên gia đình. Ảnh: Mộc Trà

Những ngày cận Tết, nhiều người xa quê vẫn không thể trở về sum họp bên gia đình. Ảnh: Mộc Trà

Trời dần ngả bóng về chiều. Tay phải cầm chiếc gậy tre để định vị đường đi, tay còn lại cố giữ bó chổi đót yên vị trên vai, anh Nông Văn Cường (31 tuổi; quê ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) đang cố gắng tận dụng vài tiếng đồng hồ ít ỏi còn lại trong ngày để tranh thủ bán thêm vài cây chổi. Không may bị bỏng khiến đôi mắt mù vĩnh viễn từ năm lên 2 tuổi, thế nhưng chàng thanh niên này vẫn luôn sống kiên cường, đầy nghị lực như chính cái tên của anh.

Rời quê nhà trên chuyến xe Bắc-Nam để tìm một bến đỗ mưu sinh cho cuộc đời mình, năm 2010, anh Cường vô tình lạc tới cao nguyên Gia Lai rồi gắn bó với mảnh đất này đến nay ngót nghét đã gần chục năm trời. Những ngày đầu chưa biết làm gì, anh lân la bắt chuyện với người bản địa để kiếm việc. Cuối cùng, anh nảy sinh ý định mua bông đót về tự bó chổi và vác đi bán dạo. Dẫu ngày bán hết cả 20 cây chổi, có ngày chẳng bán được cây chổi nào, song anh vẫn kiên trì tối bó chổi-sáng đi bán. Mục đích cuối cùng cũng chỉ là cố gắng dành dụm để cuối năm về quê thăm gia đình.

Chàng trai khiếm thị Nông Văn Cường tranh thủ đi bán chổi trong những ngày cuối năm. Ảnh: Mộc Trà

Chàng trai khiếm thị Nông Văn Cường tranh thủ đi bán chổi trong những ngày cuối năm. Ảnh: Mộc Trà

“Cách đây 2 năm tôi mới được trở lại Lạng Sơn thăm bố mẹ, anh em một lần. Năm ngoái vợ mất nên không đi được, còn giờ thì lại chẳng đủ tiền để về nên lại đành hẹn với người thân cái Tết sau vậy. Chỉ còn 2 ngày nữa là giao thừa, tôi tranh thủ bán được cây chổi nào hay cây nấy vì qua Tết sẽ không ai mua nữa. Mấy ngày Tết chắc nằm ở phòng trọ thôi. Bước sang năm mới tôi chỉ mong sao mình đủ sức khỏe để làm việc, có thu nhập đủ sống là mừng rồi”-anh Cường bộc bạch.

Quảng trường Đại Đoàn Kết những ngày giáp Tết luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh với rực rỡ sắc hoa và tiểu cảnh trang trí bắt mắt. Chiều nào nơi này cũng đông vui như trẩy hội và đây cũng là địa điểm được nhiều người chọn để buôn bán các loại đồ ăn vặt, thức uống, đồ chơi trẻ em… Đang bày biện thú bông, mấy bịch bắp rang bơ và kẹo bông gòn để bán, em Lê Văn Vương (15 tuổi) cho biết, mình cùng em gái Lê Thị Hương Giang (12 tuổi) vừa từ Thanh Hóa vào Gia Lai được 2 ngày. Vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ Vương phải rời quê nhà tới Phố núi Pleiku lập nghiệp, để lại 3 đứa con thơ dại ở nhà với ông bà. “Tụi em vào đây chơi sẵn phụ bố mẹ buôn bán trong dịp Tết. Em gái út của em còn nhỏ nên không vào cùng. Thấy bố mẹ phải làm việc vất vả để kiếm tiền lo cho tụi em ăn học, em thương lắm nên tự nhủ phải cố gắng học thật tốt. Mặc dù không được vui chơi Tết như bạn bè, nhưng đổi lại tụi em rất vui khi được ở bên bố mẹ trong những ngày đầu năm mới”-Vương chia sẻ.

Hơn 10 năm, gia đình chị Thê vẫn chưa có điều kiện về quê đón Tết. Ảnh: Mộc Trà

Hơn 10 năm, gia đình chị Thê vẫn chưa có điều kiện về quê đón Tết. Ảnh: Mộc Trà

Đứng cạnh quầy hàng của Vương là chiếc xe bán hột gà nướng và cá viên chiên của người phụ nữ đến từ miền Tây sông nước tên Nguyễn Thị Thê. Đưa tay trở nhanh những quả trứng gà đang tỏa hương thơm phức trên bếp than hồng, chị Thê gượng cười tâm sự: “Hơn 10 năm rồi, tôi chưa một lần trở lại vùng đất Cao Lãnh-Đồng Tháp quê mình và cũng ngần ấy năm cũng quên luôn Tết. Hai vợ chồng với đứa con trai lên đây tầm 7-8 năm rồi, chia nhau đi bán cá viên chiên từ xế cho tới tận khuya vậy đó. Nhiều tháng bán không đủ trả tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt nên cứ nghỉ lễ, Tết lại càng đi vì sẽ bán được nhiều hơn gấp đôi, gấp ba ngày thường. Lâu rồi, gia đình tôi lâu rồi không biết về quê ăn Tết là gì. Nhiều bữa nhớ nhà quá, tôi nằm đêm khóc thầm, ông chồng ổng vỗ vai động viên, thế là lại lấy tay gạt nước mắt rồi tiếp tục cố gắng”.

Quê hương là gì hở mẹ/Mà cô giáo dạy phải yêu/Quê hương là gì hở mẹ/Ai đi xa cũng nhớ nhiều…Những câu từ trong bài thơ “Quê hương” của thi sĩ Đỗ Trung Quân như nói thay nỗi lòng của những người con xa xứ. Một năm mới nữa lại đến, hy vọng rằng, họ sẽ gặp thật nhiều thuận lợi và may mắn trong cuộc hành trình mưu sinh của chính mình, để rồi thời điểm này năm sau, tất cả đều được trở về quê nhà, đón tân niên trong vui vầy, sung túc.

MỘC TRÀ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8205/202001/xuan-nay-ta-lai-khong-ve-5666430/