Xuân sớm nơi vùng biển Tây Nam
Với phương châm 'đất liền hướng về đảo xa', đoàn công tác của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa có chuyến hải trình đến 5 đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam để thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Những tình cảm đó đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính nơi đảo xa quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếp sức cho quân, dân vững vàng trên tuyến đầu
Đoàn công tác của Agribank đã đến thăm và tặng quà Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân 5 đảo: Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc. Tại mỗi điểm đảo, đoàn được nghe lãnh đạo địa phương, chỉ huy các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn đóng quân. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng ý chí và nghị lực của người lính, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyết không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Chia sẻ khó khăn với các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo vùng biển Tây Nam, những năm qua, Agribank đã tổ chức nhiều chuyến thăm, tặng quà nhằm giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần, từ đó góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt, điều kiện ăn ở của bộ đội và nhân dân. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank chia sẻ: “Chứng kiến tình cảm quân dân thắm thiết, sự thay đổi về đời sống, cơ sở vật chất của các lực lượng đứng chân và người dân trên các đảo, chúng tôi rất cảm động, phấn khởi. Thời gian qua, Agribank ngoài nhiệm vụ của một ngân hàng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đã luôn đồng hành với các lực lượng ở các tuyến biên giới, hải đảo”. Tính đến nay, Agribank đã hỗ trợ 25.000 phương tiện đánh bắt cá xa bờ, giúp ngư dân bám biển ở các ngư trường, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo. Dịp này, Agribank trao quà Tết trị giá gần 800 triệu đồng tặng cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân và quân dân các đảo vùng biển Tây Nam.
Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh, Trạm trưởng Trạm Ra-đa 625 (Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp, trong đó có Agribank, cuộc sống sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Hòn Đốc đang ngày càng đổi mới và phát triển. Trong tình cảm chung của đất liền hướng về biển đảo, Trạm Ra-đa 625 đã được hỗ trợ xây dựng những công trình như: Vườn tăng gia, bể nước, bờ kè, các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, công tác của bộ đội. Hiện nay, những công trình, trang thiết bị này đang hoạt động rất hiệu quả, góp phần thiết thực, ý nghĩa trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
Cảm ơn những tấm lòng hảo tâm của các địa phương và Agribank, Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 5 Hải quân nhấn mạnh: Đây là sự quan tâm đặc biệt, là tình cảm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân các địa phương, các doanh nghiệp hướng về biển, đảo trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Những tình cảm đó là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân-những người đang ngày đêm chắc tay súng, vững vàng trên tuyến đầu, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng, bến neo đậu, kết nối giữa các cảng
Bên cạnh niềm vui khi những món quà Tết đã trao tận tay cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, vẫn còn đó những trăn trở đối với đoàn công tác, đó là việc các hộ dân nuôi cá lồng bè trên đảo đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Anh Lê Văn Vũ, quê Cà Mau, sinh sống 26 năm trên đảo Hòn Chuối cho biết: “Gia đình tôi nuôi cá lồng bè từ nhiều năm nay. Với mong muốn mở rộng mô hình nuôi cá để tăng thêm nguồn thu, tôi đã tìm đến ngân hàng nhưng chỉ được vay 100 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi bè đóng mới phải đầu tư 150 triệu đồng, cả cá giống nữa khoảng 300 triệu đồng. Với số vốn vay ít ỏi như vậy, những hộ dân nuôi cá lồng bè như gia đình tôi rất khó để phát triển”. Để có thể vay số vốn lớn hơn, các ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp, trong khi với những người sinh sống từ nhỏ trên đảo như anh Vũ thì tài sản đất liền không có mà chỉ có những lồng bè. Những lồng bè này lại không có giấy tờ pháp lý để thế chấp ngân hàng. Đây là tình trạng chung mà nhiều hộ kinh doanh trên các đảo gặp phải.
Lắng nghe những chia sẻ từ các hộ dân, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng trong những trường hợp kể trên đang gặp khó khăn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên đảo chủ yếu tự phát, chưa có quy hoạch. Chủ lồng bè không được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, các địa phương chưa giao khu vực biển hoặc hợp đồng cho thuê khu vực biển cho người nuôi do chưa có quy hoạch. Người dân cũng chưa thể ứng dụng công nghệ cao cho mô hình nuôi cá lồng trên biển nhằm tăng năng suất cá nuôi, giảm tỷ lệ cá chết, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, thức ăn, giảm tác động tiêu cực tới môi trường.
Trong điều kiện Đồng bằng sông Cửu Long là vùng bị ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn do nước biển dâng thì kinh tế biển Tây Nam chính là phát triển nuôi trồng thủy hải sản gắn với du lịch sinh thái biển, đảo. Tuy nhiên, nơi đây còn hạn chế về nguồn lực đầu tư để xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch biển, nhất là các cảng biển, bến neo đậu, cầu cảng, các đô thị ven biển kết nối với các đảo, điện và nước sạch trên các đảo, không gian du lịch đang có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển đảo.
Trước tình trạng đó, Phó tổng giám đốc Agribank mong muốn các địa phương sớm có quy hoạch đồng bộ, ưu tiên đầu tư vào hạ tầng, bến neo đậu, kết nối giữa các cảng và có chính sách thu hút đầu tư, quảng bá mạnh mẽ hơn cho các đảo; phối hợp với các tỉnh, thành phố trong đất liền để ổn định đầu ra cho bà con thì kinh tế biển Tây Nam hoàn toàn có thể khởi sắc nhờ phát triển nuôi trồng thủy, hải sản gắn với du lịch sinh thái biển, đảo.
Bài và ảnh: LA DUY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.