Xuân sớm ở Sốp Cộp
Xuân đã về trên khắp các bản làng vùng biên giới Sốp Cộp trong niềm hạnh phúc rạng ngời của những người dân nghèo, bởi họ vừa được dọn về những căn nhà mới đẹp như trong mơ…
Mới đầu tháng Chạp, nên đào, mận còn chưa bung nở rực rỡ trên khắp các bản làng, trên các triền núi của vùng biên giới Sốp Cộp. Nhưng với những người dân nghèo Sốp Cộp, Tết đã đến, Xuân đã về. Xuân có lẽ đến sớm từ khi những căn nhà mới của họ bắt đầu được xây dựng vào giữa tháng 11/2020, chứ không phải đến tận bây giờ, khi Tết Nguyên đán đã cận kề và khi Đoàn Công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới trao tặng những căn nhà ấm áp nghĩa tình, vào cuối tháng 1/2021.
“ Đây sẽ là cái Tết hân hoan nhất đối với 341 hộ gia đình Sốp Cộp. Niềm vui này không chỉ dành riêng cho những gia đình nhận chìa khóa trao nhà, mà còn là niềm vui, sự phấn khởi của các nhà tài trợ, của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La, và hơn hết là của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện Sốp Cộp”.
- Bà Bùi Thanh Thủy, Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp
Hôm ấy, cả bản, cả huyện vui lắm. Thế nên, mới sáng sớm, hàng chục hộ dân, người từ Dồm Cang, Nậm Lạnh, người Mường Và, Púng Bánh, người lại ở Mường Lạn, Mường Lèo hay Sam Kha đều háo hức có mặt tại Hội trường của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 (Quân khu II) từ rất sớm. Ai nấy đều xúng xính những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất để tới đây đón nhận niềm vui lớn: nhận chìa khóa của những căn nhà nghĩa tình, do Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng.
Là chỉ cử đại diện thế thôi, chứ thực tế, hôm ấy, có đến 341 hộ dân Sốp Cộp được nhận nhà mới. Trong đó, 240 căn là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi tấm lòng thảo thơm đóng góp của các cán bộ, nhân viên, công đoàn viên trong Bộ, cũng như của các “Mạnh Thường quân” để trao tặng; 100 căn do Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) hỗ trợ; căn còn lại do chính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 xây tặng những người dân nghèo Sốp Cộp.
Chưa bao giờ, nhiều người dân ở Sốp Cộp được chuyển về nơi ở mới như vậy. Thế nên, chẳng cứ riêng bà Hoàng Thị Chơ, ông Lò Văn Dũng, hay ông Cút Văn Toản, bà Lò Thị Tiên vui, mà cả huyện đều vui. Lãnh đạo tỉnh Sơn La, lãnh đạo huyện Sốp Cộp đều vui.
“Như vậy là bà con đã có ngôi nhà mới để đón Tết, vui Xuân. Đây sẽ là cái Tết hân hoan nhất đối với 341 hộ gia đình Sốp Cộp. Niềm vui này không chỉ dành riêng cho những gia đình nhận chìa khóa trao nhà, mà còn là niềm vui, sự phấn khởi của các nhà tài trợ, của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La, và hơn hết là của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện Sốp Cộp”, bà Bùi Thanh Thủy, Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp cũng đã nói như vậy.
Sốp Cộp là một huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, địa hình chia cắt, vị trí địa lý cách xa trung tâm hành chính của tỉnh. Muốn đi từ Mộc Châu tới Sộp Cộp, phải trải qua hơn 200 km đường núi, nhỏ, lại uốn lượn quanh co. Vì thế, quãng đường tuy không quá dài, nhưng có khi phải 4 - 5 tiếng chạy ô tô mới tới nơi.
Điều kiện hạ tầng khó khăn đã đành, trình độ dân trí cũng không đồng đều, mà phong tục canh tác lại lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ. Thế nên, bao đời nay, người dân Sốp Cộp sống trong cảnh nghèo khó. Cả huyện có 8 đơn vị hành chính cấp xã, nhưng có đến 7/8 xã là vùng III đặc biệt khó khăn, xã còn lại cũng là vùng II. Có tới 41,62% số hộ ở Sốp Cộp là hộ nghèo. Cho đến nay, vẫn còn gần 500 hộ dân phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát.
Điều ấy khiến Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp Bùi Thanh Thủy lo lắng. Bà bảo, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã rất quan tâm chăm lo cho các đối tượng nghèo, trọng tâm là tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, người có công với cách mạng, người không nơi nương tựa…
Thế nhưng, là huyện nghèo, quy mô kinh tế còn nhỏ, nguồn ngân sách và nguồn lực xã hội hóa huy động lại hạn chế, nên trung bình mỗi năm, huyện Sốp Cộp chỉ xóa được nhà tạm cho 15 - 20 hộ, với giá trị 350 - 400 triệu đồng.
Thế nhưng, năm nay, mọi thứ đã thay đổi. Tháng 9/2020, đã có 106 ngôi nhà ấm áp nghĩa tình được trao tặng, trong đó, 100 căn do Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng, 6 căn còn lại là của các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài tỉnh. Lúc ấy, có mặt trong lễ bàn giao Mái ấm tình thương nơi biên giới, bà Thủy đã sung sướng nói rằng, đây là chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm lớn nhất từ trước tới nay của huyện Sốp Cộp.
Bà Thủy có lẽ không biết rằng, chỉ ít tháng sau, còn có một chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm lớn hơn, ấm áp hơn, khiến giờ đây, Sốp Cộp đã hoàn toàn xóa được nhà tạm, nhà dột nát. Chỉ trong vòng chưa đến 1 năm, gần 450 căn nhà nghĩa tình đã được xây dựng, không chỉ mang đến một diện mạo mới cho Sốp Cộp, mà còn mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho mỗi người dân nơi đây. Có nhà mới, an cư lạc nghiệp, người dân Sốp Cộp có thể ổn định cuộc sống để vươn lên thoát nghèo.
Câu chuyện đẹp như một giấc mơ này bắt nguồn từ quyết tâm và tấm lòng thảo thơm của mỗi cán bộ, đoàn viên Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và cá nhân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Tháng 9/2020, khi lên Sốp Cộp trao tặng 100 căn nhà nghĩa tình, nghe bà Bùi Thanh Thủy nói, cho đến nay, Sốp Cộp vẫn còn gần 400 căn nhà tạm, nhà dột nát, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay khi trở về Hà Nội đã kêu gọi sự đóng góp của các cán bộ, đoàn viên Công đoàn, Đoàn thanh niên, và đặc biệt là các nhà hảo tâm để giúp người dân Sốp Cộp không còn phải sống trong những căn nhà dột nát, thiếu trước, hở sau, cheo leo nơi vách núi.
“Phải quyết tâm xây dựng thật nhanh, để bà con có nhà mới đón Tết. Nhà sớm hoàn thành được ngày nào, người dân bớt vất vả ngày đó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ đạo như vậy.
Và bởi thế, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, từ giữa tháng 11/2020 đến giữa tháng 1/2021, 341 căn nhà đã được xây dựng, đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn 3 cứng (khung - tường cứng, nền cứng và mái cứng), không làm từ các loại vật liệu tạm bợ, mau hỏng, dễ cháy… Để đến cuối tháng 1/2021, tất cả các hộ dân nghèo ở Sốp Cộp đã có nhà mới để ở.
Nhìn bà Hoàng Thị Chơ tần ngần chạm vào cánh cửa, bức tường sơn đẹp đẽ của căn nhà mới xây, lại nhìn sang căn nhà tạm bên cạnh, trống huơ trống hoác, làm bằng gỗ hở trước hở sau, mới càng thấu hiểu niềm hạnh phúc vô bờ của những người dân nghèo nơi đây.
Nhà nghèo, chồng mất sớm, lại phải nuôi con, cả đời bà Hoàng Thị Chơ chẳng dám mơ ước có được một căn nhà đẹp đẽ, kiên cố như vậy. Nhưng đến nay, giấc mơ đã trở thành sự thật, nhờ sự chung tay góp sức của Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của VietinBank, của các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh và của cả bà con lối xóm. Tiền hỗ trợ xây dựng mỗi căn nhà là 60 triệu đồng, nhưng không chỉ là tiền, để hoàn thành những căn nhà đó, còn là biết bao mồ hôi, công sức của các cán bộ, chiến sĩ quân đội đóng quân quanh vùng, của người dân, của tình làng, nghĩa xóm…
Không chỉ là giấc mơ của bà Hoàng Thị Chơ, mà giấc mơ chung từ bao đời nay của những người dân Sốp Cộp đã trở thành hiện thực. “Có nhà rồi, chúng tôi sẽ chăm chỉ nuôi dạy con nên người”, chị Lò Thị Tiên, bản Hốc Một, xã Mường Và đã nói như vậy.
Nhớ hồi tháng 9 năm ngoái, cũng đã nghe chị Cút Thị Pành (bản Nà Cang, xã Mường Và) thật thà bảo rằng: “Mình có nhà mới rồi, không lo bọn trẻ ngủ ướt người nữa, giờ yên tâm làm ăn, còn lo kiếm tiền mua tivi, tủ lạnh nữa”.
Có nhà ở kiên cố chỉ là bước đầu tiên để những người dân nghèo ổn định cuộc sống. Bởi thế, điều mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn nhất chính là những người dân nơi đây phải “tự cứu mình” và vươn lên thoát nghèo. Bắt đầu bằng lo cho con trẻ học hành, bằng lo sinh kế cho người dân. Làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau.
Có lẽ cũng vì vậy, trong chuyến công tác tới Sốp Cộp, hồi tháng 9/2020 cũng thế và lần này cũng vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn dành thời gian tới thăm và tặng quà cho các trường học, các em học sinh. Những món quà đã được gửi trao, không chỉ là 100 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học của huyện, hay 60 triệu đồng gửi tới các thầy cô giáo vùng cao, mà lần này, Bộ trưởng và Báo Đầu tư cũng đã trao tặng 10 bộ máy tính cho các trường học ở Sốp Cộp, 100 triệu đồng học bổng cho học sinh ở Mường Lạn…
Trò chuyện với các em học sinh, Bộ trưởng luôn nhắn nhủ rằng, các em phải chăm chỉ học hành thật tốt. Bởi đó chính là con đường để những người dân nghèo nơi đây có thể vươn lên trong cuộc sống, để có một tương lai tốt đẹp hơn…
Để mỗi người dân Sốp Cộp có một tương lai tốt đẹp hơn, Bộ trưởng cũng nói, điều quan trọng là phải tạo sinh kế cho người dân. Cũng bởi thế, lúc chia sẻ tâm tình ở Hội trường Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326, Bộ trưởng đã nói rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của tỉnh Sơn La, của huyện Sốp Cộp, chính là giữ đất, giữ rừng và giữ dân, cùng với đó là phải tạo sinh kế cho người dân, giúp bà con có việc làm, có thu nhập. Chỉ như thế, mới xóa nghèo bền vững được.
Lo lắng vậy, nên lúc nghe Phó chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp Vũ Văn Quân nói rằng, Sốp Cộp có lợi thế rất lớn về quỹ đất lâm nghiệp, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây dược liệu và hiện nay, huyện đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển cây dược liệu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mừng lắm. Ông nói rằng, sẽ hỗ trợ hết sức để Sốp Cộp phát triển trồng cây dược liệu. Đấy chính là giải pháp căn cơ và lâu dài, để Sốp Cộp vươn lên thoát nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Chỉ nghĩ về tương lai ấy, đã thấy thật ấm áp xiết bao. Còn hôm nay, giữa núi rừng miền biên viễn xa xôi, nhìn nụ cười của mỗi người dân Sốp Cộp, thấy thực sự Tết đã đến, Xuân đã về…
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tet-doan-vien-xuan-som-o-sop-cop-d137695.html