Xuân Thiện Đắk Lắk: Từng phát hành gần 2.000 tỷ trái phiếu lãi suất cao trong một ngày, nay báo lãi ở mức 'cò con'

Vào ngày 18.8.2020, Xuân Thiện Đắk Lắk từng phát hành 6 lô trái phiếu có kỳ hạn từ 7 năm đến 12 năm với tổng trị giá 1.880 tỷ đồng. Tính chung nhóm điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện gồm: Xuân Thiện Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Ea Súp 1, 2, 3, 5 và Xuân Thiện Thuận Bắc đã phát hành hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu từ tháng 6 đến 8.2020.

Dữ liệu tài chính vừa công bố cho biết, năm 2022, Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk có lợi nhuận sau thuế đạt 8,8 tỷ đồng, giảm hơn 73% so với cùng kỳ năm 2021. Mức lợi nhuận này được giới đầu tư cho rằng chưa tương xứng với quy mô phát triển của doanh nghiệp.

Trong năm, vốn chủ sở hữu của Xuân Thiện gần như đi ngang. Trong khi đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã tăng từ 2,97 lần lên 3,5, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,78% (năm 2021) lên 2,1% (năm 2022). ROE của Xuân Thiện giảm từ mức 3,01% năm 2021 xuống còn 0,8% năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Thiện.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Thiện.

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, vào ngày 18.8.2020, Xuân Thiện từng phát hành 6 lô trái phiếu có kỳ hạn từ 7 năm đến 12 năm với tổng trị giá 1.880 tỷ đồng. Xuân Thiện Đắk Lắk thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện (Xuân Thiện Group) là cơ nghiệp của "đại gia" Nguyễn Văn Thiện – trưởng nam của nhà doanh nhân Nguyễn Xuân Thành, nhà sáng lập Tập đoàn Xuân Thành nổi tiếng ở Ninh Bình; và là anh trai của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy).

Theo đó, Xuân Thiện Đắk Lắk nằm trong nhóm doanh nghiệp điện mặt trời của Xuân Thiện Group, ngoài Xuân Thiện Đắk Lắk phải kể đến Công ty Cổ phần Ea Súp 1, 2, 3, 5, Xuân Thiện Thuận Bắc.

Tính riêng từ tháng 6 đến tháng 8 của năm 2020, chỉ trong hai tháng ngắn ngủi, nhóm điện mặt trời nêu trên đã huy động hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Điều đáng nói, dù đều huy động trái phiếu ồ ạt, đem về lượng tiền lớn nhưng nhóm điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện thường xuyên ghi nhận mức lợi nhuận không tương xứng.

Thực tế các dự án điện năng lượng của các công ty liên quan đến Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư hàng nhìn tỷ đồng và được đưa vào vận hành từ cuối năm 2020 nhưng lợi luận sau thuế hàng năm chỉ loanh quanh ở mức vài chục tỷ đồng, cao nhất có Xuân Thiện Ninh Thuận đạt 123 tỷ đồng.

Nhìn vào hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Xuân Thiện, có thể nhận thấy việc huy động ồ ạt trái phiếu của Xuân Thiện Group cũng là điều dễ hiểu khi các doanh nghiệp trong nhóm liên tục thay đổi về quy mô phát triển. Đặc biệt, gần đây, Tập đoàn Xuân Thiện đang muốn tham gia các “đại dự án”.

Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Bình mới đây vừa nhận được văn bản của Xuân Thiện Group về việc đề nghị đầu tư Dự án Tổ hợp Lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn và dự án nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long.

Theo đó, Xuân Thiện Group đề nghị được khảo sát đầu tư Dự án Tổ hợp Lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn với 3 giai đoạn từ năm 2025 - 2040, công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm.

Theo văn bản của Xuân Thiện Group gửi UBND tỉnh Ninh Bình, doanh nghiệp này đề nghị được khảo sát đầu tư Dự án Tổ hợp Lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn với 3 giai đoạn từ năm 2025 - 2040, công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm.

Vị trí khảo sát đầu tư tại vùng ven biển và khu vực biển huyện Kim Sơn. Diện tích khảo sát là 1.500 ha đất liền và 1.000 ha mặt nước; tổng mức đầu tư dự án được tính toán cụ thể sau khi có kết quả khảo sát. Giá trị khảo sát dự kiến là 300 tỷ đồng.

Với suất đầu tư như của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu/năm thì tổng vốn đầu tư đã là 9 tỷ USD. Tức là giai đoạn 1, nếu có đầu tư thì Xuân Thiện Group cũng phải cần khoảng 3 tỷ USD tương đương khoảng 70 nghìn tỷ đồng.

Ngày 26.2.2023, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2023, tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án với tổng vốn đầu tư gần 49.000 tỷ đồng.

Trong đó, riêng Dự án Nhà máy xi măng Xuân Thiện, xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy của Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình, thuộc Xuân Thiện Group, có tổng vốn đầu tư lớn nhất, lên đến 29.800 tỷ đồng.

Dự án có công suất 10 triệu tấn xi măng/năm. Năm 2021, HĐND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt nghị quyết chuyển mục đích sử dụng hơn 48 ha đất rừng để thực hiện đầu tư dự án trên.

Trước đó, cuối năm 2022, tại xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Xuân Thiện Group đã khởi công xây dựng Dự án Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn với công suất 350.000 tấn/năm.Vốn đầu tư Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn này là 900 tỷ đồng. Đây cũng là dự án được khởi công đầu tiên trong Tổ hợp Dự án Thép xanh Xuân Thiện Nam Định có tổng mức đầu tư 98.900 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính riêng các dự án của Xuân Thiện Group đã và sẽ đầu tư tại 3 tỉnh Hòa Bình, Nam Định và Ninh Bình nêu trên có thể "ngốn" tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Để “đủ lực” thực hiện các dự án, Xuân Thiện thực sự cần đến kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, với lãi suất trái phiếu đều trên 10%/năm, chỉ tính riêng số tiền trả lãi hàng năm cho tổng số trái phiếu đã phát hành đã lên đến con số cả nghìn tỷ đồng chưa tính tiền gốc. Đây thực sự là một áp lực không nhỏ đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Gia Hân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep1/xuan-thien-dak-lak-tung-phat-hanh-gan-2-000-ty-trai-phieu-lai-suat-cao-trong-mot-ngay-nay-bao-lai-o-muc-co-con-i323254/