Xuân trên những cù lao xanh
BPO - Giáp tết, chúng tôi có dịp ghé thăm những cù lao ven sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh. Điều ấn tượng là những cù lao được phù sa quanh năm bồi đắp có nhiều vườn cây ăn trái rộng hàng trăm héc ta gắn với di tích lịch sử, văn hóa đang được các địa phương hợp tác, kết nối để liên kết tuyến du lịch từ cù lao đến… những cù lao.
Mùa bưởi tết trên cù lao
Từ TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), chạy xe máy chừng 3km, chúng tôi đến cù lao Tân Triều ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu rộng khoảng 350 ha (tổng diện tích toàn xã 1.120 ha). Người dân cù lao sống bằng nghề trồng bưởi đường lá cam, bưởi da xanh và nhà nào cũng trồng bưởi, ít thì một vài sào. Dưới những tán cây sum suê trái đang độ lớn, thấp thoáng bóng những người làm vườn chăm sóc cây, bón phân, tỉa cành. Thoảng trong hương bưởi nồng nàn có nụ cười hồn hậu của những người nông dân chân chất, kỳ vọng vụ tết năm nay, giá bưởi sẽ cao hơn so với 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế.
Được sự giới thiệu của cán bộ Hội Nông dân xã Tân Bình, chúng tôi vào thăm khu vườn 1,2 ha trồng 200 cây bưởi đường lá cam, bưởi da xanh của gia đình anh Bùi Văn Tý (ấp Tân Triều). Khi ánh nắng ban mai chiếu xuống khu vườn, cũng là lúc anh Tý đưa những bao phân hữu cơ, thuốc sinh học xuống khu vườn để bón cho từng gốc bưởi. Nâng niu chùm bưởi 5 trái trĩu nặng, anh chia sẻ: “Nhà mình được xã chọn làm thí điểm mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ cho bưởi nên cây to khỏe, ít sâu bệnh, cho nhiều trái. Mỗi năm vườn chỉ thu vụ tết, năm nay gia đình ước thu về 700-800 triệu đồng vụ bưởi tết”. Anh Tý còn làm 100 trái bưởi hồ lô khắc chữ Phúc, Lộc, Thọ, Vạn Sự Như Ý để tung ra thị trường dịp tết với giá 1 triệu đồng/cặp. Cù lao Tân Triều đặc trưng nhất vẫn là bưởi đường lá cam, vị ngọt thanh, vỏ mỏng, múi tróc dễ lột và mùi vị đặc trưng so với bưởi trồng ở các vùng miền khác nên được khách hàng ưa chuộng.
Bên kia sông là cù lao Bạch Đằng, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là vùng chuyên canh trồng bưởi nức tiếng với hơn 400 ha bưởi và trung bình mỗi nhà có 1.000-2.000m2 với đủ loại bưởi như da xanh, đường lá cam, bưởi ổi, hằng năm cho thu nhập ổn định. Được mệnh danh là “vua bưởi”, ông Nguyễn Minh Hùng (ấp Tân Trạch) có 2 ha với khoảng 600 cây bưởi da xanh, bưởi đường lá cam trồng hơn 7 năm nay, ưu tiên dùng phân gà bón cho cây bưởi, sử dụng thuốc sinh học để diệt trừ sâu bệnh, tăng năng suất cho khu vườn. Trái bưởi Bạch Đằng có trọng lượng trung bình từ 0,8-1,2kg, giá 1 chục (12 trái) là 1 triệu đồng và “rất chảnh” khi chỉ bán cho người thân thiết, nói không với thương lái vì hay ép giá nhà vườn.
Năm 2020, cây cầu Bạch Đằng bắc qua sông Đồng Nai nối cù lao Bạch Đằng với TP. Tân Uyên được khánh thành, đã tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản (trong đó có bưởi) đến thị trường TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ. Bà con trồng bưởi vui mừng vì tỉnh Bình Dương đang triển khai thí điểm xây dựng Làng thông minh tại xã Bạch Đằng và mở lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng 2 năm 1 lần, giúp người trồng bưởi gắn bó với nghề truyền thống, hướng tới phát triển bền vững kết hợp du lịch sinh thái.
Kết nối du lịch cù lao
Con thuyền nhỏ của anh Tàu - được ví hoa tiêu trên sông Đồng Nai đưa chúng tôi lần đầu tiên đến cù lao Ba Xê ở phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa rộng 30 ha, được bao bọc bởi mênh mông sông nước. Nơi đây có khoảng 130 hộ dân, với gần 400 người, lấy nghề đánh bắt thủy sản làm kế mưu sinh. Gia đình bà Vũ Thị Lan (sinh năm 1954, quê gốc tỉnh Hải Dương) sống ở cù lao Ba Xê từ trước giải phóng năm 1975, cho biết: Ngày mới đến, cù lao vắng vẻ với vài nóc nhà, người dân nhờ dòng nước lên xuống để giăng câu, thả lưới đánh bắt tôm cá, đất phù sa bồi lắng trồng cây ăn trái. Cù lao một bên giáp các khu dự án ở phường An Hòa, Long Hưng, bên kia giáp với cù lao Long Phước (còn gọi là chùa Châu Đốc 3, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) nên rất thuận tiện cho việc kết nối giao thông đường thủy, du lịch sinh thái, tâm linh ven sông.
Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển du lịch ở cù lao Tân Vạn, cù lao Ba Xê, cù lao Phố… Sau khi các dự án hoàn thành, đi vào khai thác sẽ tạo thuận lợi cho việc kết nối các cù lao phát triển du lịch gắn với tuyến du lịch đường sông, tạo sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách trong và ngoài tỉnh.
Bà LÊ THỊ NGỌC LOAN,
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai
Từ năm 2018, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo (TP. Biên Hòa) khai trương tuyến du lịch đường sông Đồng Nai khoảng 30km nhằm phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa hai bên bờ sông. Giai đoạn 1, tuyến du lịch thực hiện từ bến tàu tại công viên Nguyễn Văn Trị - chùa Ông (TP. Biên Hòa) - chùa Châu Đốc 3 - chạy vòng quanh cù lao Ba Xê - làng bè Hiệp Hòa rồi trở về điểm xuất phát; giai đoạn 2 triển khai từ bến tàu, trạm dừng chân ở phường Bửu Long đến bến đò Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu). Do vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp sang đất kinh doanh, dịch vụ nên người dân kỳ vọng dự án mau chóng được triển khai.
Rời cù lao Ba Xê, chúng tôi đến cù lao Rùa (cù lao Thạnh Hội, TP. Tân Uyên) khoảng 450 ha với hơn 5.500 người sống bằng nghề trồng lúa, rau, hành. Khác với sự náo nhiệt của phố phường, cù lao Rùa nép mình bên sông, nhịp sống thanh bình và yên ả như các làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Lão nông Hai Phát (người dân ấp Thạnh Hiệp) cho biết, cây hành cho nông dân cù lao Thạnh Hội cuộc sống đủ đầy được 10 năm thì bắt đầu thoái hóa giống, đất. Đến năm 2005, nhận thấy vùng đất cù lao phù hợp phát triển rau, củ, quả nên chính quyền xã Thạnh Hội bắt đầu đẩy mạnh công tác khuyến nông và đưa thêm các giống mới như: mướp, dưa leo, cải xanh, bí, đậu về cho nông dân trồng. Từ đó, rau, củ, quả xứ cù lao Rùa năm xưa lại nhộn nhịp theo đường sông, đường bộ về chợ Biên Hòa, Tam Hiệp và các chợ đầu mối khác của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, giúp cuộc sống kinh tế của người dân ngày càng đi lên.
Năm 2020, tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo khoa học di sản văn hóa, tiềm năng phát triển du lịch của các cù lao Bình Dương và Đông Nam Bộ thu hút nhiều đề tài khoa học. Các công trình nghiên cứu khẳng định, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các cù lao trên sông Đồng Nai tiếp giáp giữa Bình Dương - Đồng Nai - TP. Hồ Chí Minh rất quý giá cần được bảo tồn, tôn tạo để giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.
Chiều dần buông trên dòng Đồng Nai, chúng tôi tìm gặp nhà báo Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Đồng Nai, người con của vùng đất cù lao. Sau khi về hưu, ông đã lập Thư viện cù lao Rùa với 10.000 đầu sách nhằm xây dựng văn hóa đọc, truyền bá tri thức lịch sử, văn hóa, xã hội cho mọi người. Ông Mai Sông Bé so sánh: “Đồng bằng sông Cửu Long có những mương nước, bèo xanh dưới bóng rừng tràm, bông súng, bông sen; Hội An với chùa Cầu, những chiếc lồng đèn, hoa đăng trên sông; các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ với những cánh đồng hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang, chợ phiên vẫn làm du lịch rất tốt. Trong khi sông Đồng Nai là nguồn tài nguyên du lịch quý giá tại sao chúng ta không làm được và theo tôi, khai thác du lịch phải bắt đầu từ lòng tự hào với quê hương”.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/153704/xuan-tren-nhung-cu-lao-xanh