Xuân về bến cảng Trần Đề

Những ngày giáp Tết, tàu thuyền nhộn nhịp về cập bến ở cả 2 cầu cảng cá Trần Đề như một bức tranh xuân đầy màu sắc. Với những gương mặt rạng rỡ của ngư dân Trần Đề như thấy xuân đã đến sớm hơn với họ khi mang về đất liền đầy ắp cá tôm - quà xuân từ biển và niềm vui về một cái Tết đầm ấm, sum vầy.

XUÂN VỀ SỚM NƠI BẾN CẢNG

Cảng cá Trần Đề những ngày giáp Tết rất nhộn nhịp, đông đúc. Những chiếc tàu đánh bắt xa bờ sau những ngày tháng lênh đênh trên biển đã trở về cập cảng với những khoang tàu đầy ắp cá, tôm. Ngư dân cùng với những người trong đội bốc xếp của cảng tranh thủ vận chuyển hải sản từ tàu lên bờ để kịp phục vụ cho thị trường vào dịp tết Nguyên đán.

Cùng với tàu cá vào bờ sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, ngư dân Trần Văn Hồng ở thị trấn Trần Đề cùng các ngư dân đi trên tàu rất phấn khởi, vì chuyến đi biển cuối năm trúng lớn với nhiều loại hải sản có giá trị. Thu nhập sau chuyến ra khơi cũng nhiều hơn nên đón tết Nguyên đán Giáp Thìn này chắc chắn sẽ tươm tất và đầm ấm hơn. Có mặt tại cầu cảng để chỉ huy ngư dân và công nhân bốc xếp đưa hải sản từ tàu lên, ông Huỳnh Trí Thức - chủ tàu cá ở ấp Cảng, thị trấn Trần Đề phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 tàu đánh bắt xa bờ. Chuyến đi biển cuối năm này thu hoạch được hơn 40 tấn hải sản các loại, lợi nhuận cũng khá. Năm nay, gia đình cùng các ngư dân sẽ đón Tết vui hơn”.

Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Trần Đề (Sóc Trăng) neo đậu ở bến cảng. Ảnh: Q.K

Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Trần Đề (Sóc Trăng) neo đậu ở bến cảng. Ảnh: Q.K

Hoạt động đánh bắt xa bờ, nghề biển vốn gặp khó khăn do sóng gió, mưa bão nhưng năm qua ngư dân Trần Đề vẫn vững vàng bám biển, khai thác biển và mang về nguồn lợi thủy sản. Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề Dương Thanh Ngân cho biết: “Hầu hết tàu cá của huyện Trần Đề đều tập trung ở thị trấn. Năm 2023, mặc dù có những khó khăn, bất lợi về thời tiết, giá dầu và các loại nguyên liệu khác nhưng bà con ngư dân vẫn vươn khơi bám biển, khai thác biển. Ước tính, ngư dân thị trấn Trần Đề đánh bắt được 39.713 tấn hải sản, đạt 103% kế hoạch, góp phần cùng toàn huyện Trần Đề khai thác thủy sản vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra”.

Để ngư dân yên tâm bám biển, khai thác nguồn lợi từ biển, cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chống khai thác IUU, bảo vệ chủ quyền vùng biển quê hương. Các lực lượng chức năng như: bộ đội biên phòng, cứu nạn, cứu hộ luôn hỗ trợ ngư dân khi cần thiết. Đại úy Trần Hoàng Tánh - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Trần Đề cho biết: “Toàn huyện Trần Đề có tổng số 481 tàu đánh cá, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 323 tàu, 42 tàu dịch vụ hậu cần. 100% tàu đánh bắt của Trần Đề đều được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Những năm gần đây, chủ phương tiện tàu cá cùng với ngư dân thường xuyên được địa phương, ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và luôn chấp hành nghiêm việc đánh bắt hải sản đúng luật định; không có tàu cá nào của huyện Trần Đề vi phạm về khai thác IUU trên biển”.

XUÂN MỚI - NIỀM TIN VÀ KHÁT VỌNG

Mùa xuân mới đã đến mang theo niềm tin mới và khát vọng hướng đến tương lai phát triển mới của xứ biển Trần Đề. Với lợi thế nằm giáp biển nên huyện Trần Đề giàu tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy hải sản và phát triển kinh tế biển. Phát huy lợi thế này, từ khi thành lập huyện đến nay, Trần Đề đã tập trung phát triển bền vững kinh tế biển, với mục tiêu xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, phát triển nhanh, bền vững. Trần Đề đã đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá và kết cấu hạ tầng ven biển để thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Song hành cùng với sự phát triển của huyện, thị trấn Trần Đề cũng chuyển mình vươn lên, mang dáng vóc của một thị trấn vùng biển sầm uất với hệ thống đường sá được xây dựng, nâng cấp, nhiều cơ sở kinh doanh, sơ chế biến hải sản, kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh. Đặc biệt, trong năm qua, tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã được khởi công xây dựng và điểm cuối tại Trần Đề, kết nối với dự án Cảng biển nước sâu Trần Đề đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch và đang được kêu gọi đầu tư.

Vận chuyển hải sản từ tàu lên bờ để kịp đưa vào phục vụ cho thị trường vào dịp tết Nguyên đán. Ảnh: Q.K

Vận chuyển hải sản từ tàu lên bờ để kịp đưa vào phục vụ cho thị trường vào dịp tết Nguyên đán. Ảnh: Q.K

Để tiếp thêm động lực mới cho Trần Đề phát triển, đầu năm 2023, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 16/3/2023 về xây dựng thị trấn Trần Đề đạt đô thị loại IV đến năm 2025, định hướng thành lập thị xã Trần Đề đến năm 2030. Mục tiêu hướng đến xây dựng thị trấn Trần Đề trở thành đô thị ven biển có kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, hướng đến tăng trưởng xanh, đô thị thông minh. Đồng thời, phát triển huyện Trần Đề trở thành trung tâm kinh tế biển của tỉnh, là trung tâm nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá cho cả vùng duyên hải biển Đông; phát triển đô thị biển, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch biển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa, trung tâm dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải của khu vực đồng bằng sông Cửu Long gắn với cảng biển nước sâu Trần Đề.

Phát biểu chỉ đạo định hướng phát triển tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trần Đề, đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trần Đề phải có tư tưởng tiến công, có quyết tâm cao và niềm tin mới để đẩy mạnh phát triển, đưa Trần Đề vươn lên trở thành vùng đất cảng, mạnh về biển, giàu về biển.

Mùa xuân mới sẽ tiếp thêm sức bật mới, để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trần Đề phát huy ý chí, niềm tin đưa xứ biển Trần Đề trở thành vùng đất cảng, đô thị ven biển của tỉnh Sóc Trăng và sẽ có thêm những mùa xuân mới về trên đất cảng Trần Đề.

QUỐC KIÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-tran-de/xuan-ve-ben-cang-tran-de-69579.html