Xuân về nghe câu quan họ
'Em là con gái Bắc Ninh/ Tay nâng vành nón, mái đình nghiêng theo'. Những câu hát quan họ đằm thắm, da diết lòng người của các liền anh, liền chị lại vang lên mỗi độ xuân về trên quê hương quan họ Bắc Ninh, thúc giục mọi người hòa mình vào những canh hát nghĩa tình, thiết tha.
Nơi ấy có quan họ Bắc Ninh
Nói về Bắc Ninh là nói về nét văn hóa truyền thống đáng tự hào từ lâu đời mang tên “Quan họ Bắc Ninh”. Những câu ca đằm thắm cất lên từ những con người chất phác, thuần hậu tràn đầy tình yêu, sự đa tài, đa tình trước cái đẹp. Ngày thường, họ sống bên ruộng đồng và lao động làm giàu đẹp cho đất nước. Trong cuộc sống giản dị ấy luôn vang lên những khúc dân ca chân tình mà sâu sắc. Trẻ em ngay từ bé đã được tập hát, được sinh hoạt chung với các bậc tiền bối. Hầu hết các nhà văn hóa ở đây đều được dùng như phòng học chung để ươm mầm nuôi dưỡng các tài năng nhỏ tuổi. Các em thường xuyên được gặp gỡ và giao lưu với thế hệ các nghệ sỹ quan họ nổi tiếng, được các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn chi tiết từng câu hát, uốn nắn chau chuốt.
Sau một năm ròng rã, vất vả, khi mùa xuân về, những người nông dân vốn tần tảo một nắng hai sương bên ruộng đồng lại xúng xính khoác lên mình bộ quần áo mớ ba, mớ bảy, nón quai thao, cơi trầu têm cánh phượng đến với những canh hát quan họ, cất lên những câu hát làm lay động lòng người….
Con người nơi đây hiện lên thật thân thiện, ý nhị qua làn điệu “mời nước, mời trầu”. Các cô gái e ấp cất lời mượt mà: “Em là con gái Bắc Ninh/ Tay nâng vành nón, mái đình nghiêng theo”. Trong khi vẻ dịu dàng, mến khách qua lời hát của các anh hai, chị hai lại là “Mỗi khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi” hay giây phút bịn rịn níu chân du khách trong lời hát “người ơi người ở đừng về”. Mấy ai đến đây vào những buổi lễ hội như thế lại muốn ra về!
Xuân về với những khúc hát nặng tâm tình
Hiện nay, có thể nói cùng với chèo, quan họ Bắc Ninh là dòng nhạc dân ca được xứ Bắc yêu thích bậc nhất. Quan họ là cây đàn muôn điệu rung lên những tiếng tơ lòng của người dân đất Việt nói chung và người dân Kinh Bắc nói riêng.
Những câu ca đằm thắm, trữ tình chở điệu hồn chứa chan và tình cảm thiết tha. Theo thời gian, những câu ca tha thiết ấy đã đi sâu vào tiềm thức, trở thành món quà tinh thần vô giá đối với người yêu âm nhạc. Được sinh ra và lớn lên giữa quần chúng nhân dân nên có thể nói rằng quan họ là tấm gương trung thực, phản ánh đúng cuộc sống, nỗi lòng của nhân dân. Đó có thể là tình yêu đôi lứa với những câu hát hò hẹn trao duyên hay đơn giản là sự mến khách, tình yêu đất nước quê hương,…
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi mùa xuân sang là Bắc Ninh lại chìm đắm trong không khí vui tươi, trong những lời ca, tiếng hát chuẩn bị cho các “lễ hội chào xuân”. Mỗi mùa lễ hội sẽ có phần hội và phần lễ. Bên cạnh những trò chơi dân gian thì phần hội hát quan họ luôn thu hút được đông đảo khán giả hứng thú.
Người quan họ hát quan họ trên thuyền, trên đồi, trong chùa, trong đình và trong các tư gia. Khi ấy, trai gái các làng quan họ lại thường tụ tập thành từng nhóm người để cùng nhau hát. Một cặp nữ của làng này sẽ hát với một cặp nam của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi.
Cùng với những làn điệu nhẹ nhàng mà sâu lắng, họ cất lên khúc hát có thể là đã được sáng tác lời sẵn, hay cũng có khi là câu hát ngẫu hứng thể hiện tài năng sáng tạo của mình. Ta bỗng thấy tình yêu thật đẹp đẽ khi nghe câu hát trao duyên “Hôm nay sum họp trúc mai/ Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm”, và rồi con người đang tự kể về chính họ qua lời ca mượt mà “Ai làm chiếc nón quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”… Tàn canh hát, quan họ hát câu giã bạn đầy lưu luyến vấn vương.
Mùa xuân trên quê hương quan họ ngập tràn không khí lễ hội với niềm hân hoan chào đón năm mới, thúc giục mọi người hòa mình vào những canh hát nghĩa tình, thiết tha. Hãy thử một lần trải nghiệm, thử một lần đến với những làn điệu dân ca để thưởng thức và cảm nhận. Nơi miền đất ấy có những con người sống lạc quan, yêu đời bên câu hát thiết tha gắn kết tình người. Nó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt để nối liền quá khứ với hiện tại, giúp cho những giá trị văn hóa trong tương lai được hoàn thiện hơn, đa sắc màu và có giá trị.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xuan-ve-nghe-cau-quan-ho-post115603.html