Xuân về nơi chiến trường cũ Vị Xuyên

Những dãy núi đá tai mèo trước đây từng là trận địa khốc liệt năm xưa ở vùng biên giới Vị Xuyên nay đã được phủ xanh bởi bạt ngàn cây cối, nương lúa, nương ngô. Cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng 'thay da, đổi thịt', hồi sinh trên mảnh đất biên cương vẫn còn nhiều gian khó.

Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng trao tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Văn Thật (phường Trần Phú, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang). (Ảnh: Văn Nghị).

Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng trao tặng quà cho gia đình ông Nguyễn Văn Thật (phường Trần Phú, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang). (Ảnh: Văn Nghị).

Nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Trong ký ức của những người lính năm xưa, mặt trận Vị Xuyên luôn là nơi hứng chịu rất nhiều đạn, pháo, hỏa lực mạnh của đối phương, những điểm cao 1509, 1200, 772, 685 ngày trước đạn cày đi xối lại, đất trở thành một màu xám xịt. Điểm cao 685 đá hóa thành vôi.

Thời gian đã lùi xa, nhưng dấu tích của cuộc chiến bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và những hy sinh, mất mát để gìn giữ từng tấc đất, từng mỏm đá của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến ác liệt, vẫn còn đó.

Không chỉ tháng Bảy tri ân, những ngày này, nhiều người từ mọi miền đất nước, không hẹn mà gặp tại tỉnh Hà Giang, nơi có Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia (NTLSQG) Vị Xuyên và những câu chuyện về sự hy sinh của những anh hùng, liệt sĩ (AHLS) đã giữ lại từng tấc đất, từng mỏm đá nơi biên cương Tổ quốc.

Nằm cạnh QL2, tựa lưng vào dãy núi Tây Côn Lĩnh, phía trước hướng về sông Lô, NTLSQG Vị Xuyên có gần 1.900 phần mộ AHLS đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong đó có 346 mộ chưa xác định được thông tin. Các phần mộ liệt sĩ đều được lát đá trang trọng, có hoa và cờ Tổ quốc, nhang khói quanh năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt nhất, dài nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong 10 năm qua, tỉnh Hà Giang đã phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 rà phá được hơn 8.000ha đất bị ô nhiễm bom mìn; tìm kiếm, quy tập được 187 hài cốt liệt sỹ. NTLSQG Vị Xuyên, các nghĩa trang, công trình ghi công liệt sỹ, đài tưởng niệm được quan tâm tu bổ, sửa chữa, nâng cấp. Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được tổ chức rộng khắp, thiết thực, hiệu quả.

Hiện vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy. Vì vậy, công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc về NTLSQG Vị Xuyên vẫn đang được Bộ Quốc phòng và tỉnh Hà Giang nỗ lực thực hiện, để các liệt sĩ sớm được về yên nghỉ bên các đồng đội, đồng chí.

Sôi nổi các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”

Những dãy núi đá tai mèo trước đây từng là trận địa khốc liệt năm xưa ở vùng biên giới Vị Xuyên nay đã được phủ xanh bởi bạt ngàn cây cối, nương lúa, nương ngô. Cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng “thay da, đổi thịt”, hồi sinh trên mảnh đất biên cương vẫn còn nhiều gian khó.

Chương trình hỗ trợ nhà ở đã làm được 6.700 căn nhà kiên cố cho 249 gia đình chính sách người có công, 605 hộ cựu chiến binh nghèo, 2.086 hộ nghèo xã biên giới và 3.760 hộ nghèo các xã nội địa khó khăn về nhà ở.

Đại tá Nguyễn Minh Khôi, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) Hà Giang cho biết: Vị Xuyên năm xưa là chiến trường ác liệt, nhưng hiện nay, cuộc sống của người dân không chỉ ở các xã biên giới mà toàn huyện đang có sự thay đổi, phát triển vững mạnh mọi mặt, từ công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc địa bàn và hơn 277km đường biên giới, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hà Giang còn làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các AHLS, các gia đình có công với nước. Triển khai và thực hiện tốt công tác dân vận, vận động đồng bào các dân tộc hiểu biết thêm và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, gắn với củng cố cơ sở chính trị.

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thực hiện tốt phương châm: Bám bản làng, bám dân, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân phát triển đời sống, KT-XH sau chiến tranh bằng nhiều chương trình, nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa như: chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là giống ngô; chương trình bò giống, hỗ trợ gạo cho người nghèo; quân dân y kết hợp, khám, cấp thuốc, chữa bệnh miễn phí cho người dân; xây và tặng nhà đồng đội, tình nghĩa, đại đoàn kết, xóa nhà tạm cho người nghèo; thực hiện dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”...

Hàng nghìn hộ gia đình và người dân địa phương, nhất là vùng biên giới Vị Xuyên được hưởng lợi từ các mô hình, dự án nêu trên, góp phần củng cố mối quan hệ quân dân bền chặt.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xuan-ve-noi-chien-truong-cu-vi-xuyen-post504278.html