Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc

Sau nhiều lần hò hẹn, chúng tôi mới có dịp ra mũi Sa Vĩ (Quảng Ninh)-nơi địa đầu đất nước và cũng là nơi xuất phát của 'hình Tổ quốc' (chữ S). Thực tình, nếu tôi không nảy ra ý tưởng trong bộ phim tài liệu của mình cần có cảnh mở đầu là bình minh lên trên mũi Sa Vĩ, thì chắc không có may mắn đứng ở nơi địa đầu biên cương, ngóng mắt về phía đông, hồi hộp đợi mặt trời 'ngoi lên' từ biển.

Đó là một sớm tinh sương ngày cuối năm, bầu trời khá u ám, mặt biển nặng một màu xám xịt, gió mùa Đông Bắc từ bãi sú vẹt thổi vào lạnh buốt. Đứng sát gần mà chúng tôi cũng chỉ nhận ra lờ mờ hình dáng của nhau. Như để giúp xua đi quãng thời gian “đằng đẵng đợi chờ” mặt trời lên, Trung úy Nguyễn Đình Trung (Đồn Biên phòng Trà Cổ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh)-người được trạm phân công đi giúp đoàn làm phim bỗng lên tiếng: “Các chú, các anh có nghe thấy gì không?”. Tôi ngạc nhiên bởi câu hỏi không liên quan gì đến công việc. Rồi Đình Trung nói tiếp: “Xuân đang về đấy!”.

 Sáng xuân trên Bãi Gót.

Sáng xuân trên Bãi Gót.

Rất ngạc nhiên, tôi hỏi lại: “Sao cậu biết xuân đang về?”. Không trả lời chúng tôi, anh khoát tay chỉ về phía trước mặt: “Tiếng trò chuyện rì rầm của những người đi cào ngao đó, mà toàn là đàn bà, con gái thôi. Mấy tháng mùa đông giá lạnh, ngao lặn sâu vào cát để ngủ đợi xuân về, khi tiết trời ấm áp thì chui lên sinh đàn đẻ đống. Mấy bữa nay ngao lên, bà con đi cào ngao khá đông”.

Theo Trung úy Nguyễn Đình Trung, thì việc cào ngao, hay như cách nói của người dân nơi đây là “nạo vạn” đã có từ rất lâu và hầu như đều do đàn bà, con gái làm. Chàng sĩ quan trẻ còn cho hay: “Bãi Gót là nơi ngao tự nhiên về sinh sống rất nhiều. Ngao ở đây rất ngon, thịt dày, chắc và rất ngọt nước, ngon hơn hẳn ngao nuôi”.

Chờ đợi thêm một lát, cuối cùng chúng tôi cũng ghi được hình ảnh từ phía đông ửng lên một ráng hồng. Tôi lựa lời động viên phóng viên quay phim Lương Bá Duy: “Mặt trời lên không như ý, nhưng bù lại anh em mình nảy ra được ý thơ”. Lương Bá Duy liền nói: “Xuống quay chỗ những người đàn bà cào ngao đi anh. Không có mặt trời lên thì ta bù bằng cảnh bà con mình thức cả đêm qua “canh gác” nơi địa đầu Tổ quốc và “gác” cho cả anh em mình nữa!”. Quả là một ý kiến quá hay!

Mũi Sa Vĩ, đuôi cát, hay Tràng Vĩ, bãi cát dài, thuộc phường Trà Cổ, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Người dân địa phương quen gọi là mũi Gót (bãi Gót). Bãi vươn ra ngoài biển, dài hàng cây số. Khi nước thủy triều rút sẽ lộ ra một dải đất dài xa vút, lúp xúp cây sú vẹt và lệt sệt đất bùn. Trung úy Nguyễn Đình Trung nói thêm về bãi Gót, với đặc điểm một bên là cửa sông Bắc Luân, một bên là biển. Trong ánh nắng ngày mới còn mờ tỏ, chúng tôi đã thấy Cột mốc chủ quyền số 1378 được cắm giữa dòng chảy. Đình Trung cho hay, đó chính là cột mốc cuối cùng của tuyến biên giới Việt-Trung, tính từ mốc số 0, trên đỉnh Khoang La San ở ngã ba biên giới ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc.

Tôi chợt nghĩ, những người đàn bà đi cào ngao ở bãi Gót chính là những người Việt Nam có mặt nơi địa đầu Tổ quốc gần như suốt đêm qua. Quả là quay phim Lương Bá Duy còn “tinh” hơn cả mình. Chàng sĩ quan trẻ Đình Trung dường như đồng cảm với tôi, bộc bạch: “Bà con giúp chúng cháu nhiều lắm. Ngày đêm mưu sinh, hiện diện nơi đây, tự thân bà con chính là những “cột mốc sống” canh giữ chủ quyền đất đai, sông biển nơi địa đầu Tổ quốc”.

Tôi vội kéo quay phim Lương Bá Duy đi nhanh tới đầu bãi để kịp ghi vào khuôn hình những người đàn bà quần áo lấm lem bùn cát, đang túm tụm thành nhóm, dù đã thức gần suốt cả đêm nhưng hầu như không thấy mệt; trái lại, nét mặt ai cũng rạng ngời. Đêm qua họ đã “trúng” mẻ ngao kha khá. Cuộc mưu sinh dù rất vất vả nhưng có thành quả thì ai cũng hứng khởi.

Nắng đã lên. Mặt biển nhuốm chút óng ánh của nắng. Bãi Gót cứ dần dài ra, như chưa chịu ngừng vươn về phía biển. Bất giác tôi thốt lên hào hứng: “Xuân đã về nơi địa đầu Tổ quốc!”.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRỌNG VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xuan-ve-noi-dia-dau-to-quoc-608319