Xuân về rẻo caoTuyên Quang, mảnh đất đa bản sắc văn hóa dân tộcBánh chưng - dẻo thơm vị TếtĐường về nhà chồng của cô dâu người DaoThổi hồn vào trang phục vải lanh bằng sáp ongMột năm khởi sắc xây dựng nông thôn mơíNhững cung đường du lịch xứ Tuyên
Mùa xuân trên những bản làng vùng cao, hoa đào đã nở thắm những triền đồi, những hiên nhà sàn. Tiếng khèn gọi bạn của người Mông dặt dìu bên núi, tiếng hát Páo dung của người Dao, hát Then của người Tày thúc giục ai đó đi vui hội, du xuân…
Con đường bê tông mới dài 3 km từ trung tâm xã Yên Thuận (Hàm Yên) đưa chúng tôi lên thôn Cao Đường trong những ngày xuân về. Hai bên đường, các chị em, trẻ nhỏ người Mông xúng xính trong những bộ váy mới rủ nhau kéo tới nhà văn hóa thôn.
Cao Đường vừa khánh thành nhà văn hóa mới để đón Tết. Ông Dương Minh Toàn, Bí thư chi bộ thôn phấn khởi khoe: “Năm nay thôn có nhiều cái mới. Nào là tuyến đường bê tông mới, nhân dân có điện thắp sáng, nhà văn hóa được Nhà nước hỗ trợ 900 triệu đồng để xây dựng.”
Nhà văn hóa thôn Cao Đường được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn 135, có sức chứa trên 200 chỗ ngồi, được làm theo kiến trúc nhà sàn cột bê tông, có thể coi là một trong những nhà văn hóa mới được đầu tư đẹp và khang trang nhất ở Hàm Yên.
Từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng, nhà văn hóa thôn Cao Đường là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của già trẻ trong thôn. Chị Hầu Thị Mao, người dân thôn Cao Đường bảo, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, mỗi năm mới, đón xuân mới, đời sống của người Mông nơi đây đổi thay hơn nhiều.
Còn ở thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn), một trong những thôn đặc biệt khó khăn, 100% người dân tộc Mông sinh sống, những ngày tết đến xuân về cũng rộn ràng tiếng khèn Mông, sáo Mông. Những năm gần đây, đời sống người Mông ở Khuổi Khít có nhiều khởi sắc nhờ phát huy thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang trồng cây mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, 100% các hộ dân trong thôn trồng rừng với tổng diện tích gần 80ha. Ngoài ra, các hộ dân trong thôn còn trồng chuối với tổng diện tích khoảng 25ha...
Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế nên đời sống của người dân cũng từng bước được cải thiện: Thôn đã có nhà văn hóa gắn với sân thể thao giúp người dân có nơi hội họp giao lưu văn hóa, thể thao; 100% trẻ em trong thôn được đến trường đầy đủ; 100% hộ dân được sử dụng điện; 90% hộ dân có nhà ở đảm bảo kiên cố; trên 50% hộ dân có công trình vệ sinh đảm bảo vệ sinh; thôn hiện còn 15 hộ nghèo.
Anh Cù Seo Cú cho biết: “Trước đây, gia đình mình chủ yếu trồng ngô, lúa nương nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cách đây 4 năm mình chuyển sang trồng keo. Gia đình mình đang có 7ha rừng keo, 1ha chuối. Trung bình mỗi năm từ trồng chuối và trồng rừng gia đình mình thu về khoảng 80 triệu đồng”. Đời sống khá giả hơn nên gia đình anh Cú cũng chuẩn bị Tết tươm tất hơn. Gia đình anh đã có gạo ngon để gói bánh chưng và một con lợn béo để mời mọi người trong thôn đến ăn Tết...
Còn tại thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) năm nay nhà nào đón Tết cũng phấn khởi. Ông Bàn Quý Tỉnh, Bí thư chi bộ thôn cho biết, năm nay là năm thứ 6 thôn liên tục đạt thôn văn hóa và cũng là năm thôn có nhiều hộ nghèo thoát nghèo nhất với tổng số hộ thoát nghèo là 13 hộ, hiện chỉ còn 2 hộ nghèo. Năm nay thôn đã xóa xong nhà tạm, dột nát. Nhiều hộ nghèo được đón Tết trong ngôi nhà mới nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và của cộng đồng.
Gia đình ông Lý Văn Dũng trước đây là hộ nghèo nhưng vừa được công nhận thoát nghèo năm 2019. Đây là năm đầu tiên ông được đón tết trong ngôi nhà mới. Ông bảo: “Trong năm qua, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà mới, được hỗ trợ 1 con bò. Sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền đã giúp gia đình tôi có động lực vươn lên”. Năm nay, gia đình ông đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm để đón Tết từ rất sớm.
Chị Hoàng Thị Lây khoe với chúng tôi những bộ trang phục mới do tự tay các chị em phụ nữ Dao tiền ở đây thêu thùa. Chị bảo: “Tết đến, chị em phụ nữ Dao tiền không thiếu những bộ váy áo mới. Trước Tết cả tháng, các chị em đã bảo nhau sắm sửa, thêu thùa váy áo mới rồi”.
Ngược Na Hang, chúng tôi lên với xã Khuôn Hà (Lâm Bình). Tại thôn Nà Chang, từ chiều 28 Tết, nhiều nhà tổ chức rửa lá dong, ngâm gạo, nấu đỗ, mổ lợn, nhóm bếp để nấu bánh chưng. Trong phong tục truyền thống của người Tày, Tết không chỉ có bánh chưng vuông mà còn có cả bánh chưng gù. Tại nhà của chị Ma Thị Chất, bà con hàng xóm đã đến đây rất đông để hộ nhau gói bánh chưng. Nhà chị Chất năm nay gói 10 kg gạo nếp. Trong đó, 5kg gạo gói bánh chưng vuông và 5kg gạo gói bánh chưng gù. Tuy giá thịt lợn ngoài thị trường năm nay tăng cao hơn những năm trước, nhưng ở Nà Chang nhà nào gói bánh chưng cũng có đủ thịt lợn. Nhiều nhà còn rủ nhau mổ lợn để “ăn đụng”.
Chị Chất bảo, từ khi người Tày biết tra thóc thì cũng là lúc người Tày biết làm chiếc bánh chưng gù. Mỗi chiếc bánh chưng gù dâng lên tổ tiên đều thể hiện mong ước của gia đình cầu cho năm mới mùa màng bội thu, cây cối xanh tươi, nhà nhà được no ấm. Ngoài gói bánh chưng thắp hương cho tổ tiên, chị Chất còn mang biếu người thân, bà con trong xóm.
Tiếng khèn Mông gọi bạn, tiếng gọi nhau hẹn hò đi du xuân rộn ràng khắp bản làng cho chúng tôi thấy một cuộc sống sung túc hơn đang hiện hữu trong mùa xuân mới, trên khuôn mặt tươi tắn của mỗi người dân vùng cao.
Bài, ảnh: Thủy Châu
Thiết kế: Phan Anh
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/e-magazine/xuan-ve-reo-cao-127870.html