Xuân về thăm địa đạo Gò Thì Thùng

Mỗi dịp Tết đến, xuân về chính quyền địa phương lại tổ chức lễ hội đua ngựa Gò Thì Thùng. Ảnh: PV

Nằm ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, địa đạo Gò Thì Thùng ẩn mình dưới vùng đất đỏ bazan, chiều dài trải theo hướng bắc - nam gần 5km, chiều rộng theo hướng đông - tây 4km. Mỗi dịp xuân về, vào mùng 9 tháng Giêng, nơi đây diễn ra lễ hội dân gian truyền thống, đậm chất hào kiệt - Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng.

Từ Tuy An đi theo con đường liên huyện đến cầu sắt xã An Nghiệp, theo đường liên xã, lên cao dần, hết các con đèo nhỏ, lên đến một vùng bằng phẳng, ở độ cao 400m so với mặt nước đầm Ô Loan, bạn sẽ được tận hưởng không gian thoáng đãng với màu đất đỏ bazan.

Còn gì hạnh phúc hơn khi tìm hiểu, khám phá và đi sâu vào địa đạo Gò Thì Thùng. Nơi đây, một vùng mênh mang thoáng đãng và dưới lòng đất là cả một hệ thống đường hầm lịch sử; vùng đất của lễ hội truyền thống đua ngựa đầu xuân - vùng đất văn hóa lễ hội dân gian truyền thống; vùng đất của di tích lịch sử ấy giờ đây là địa chỉ du lịch về nguồn rất đáng trân trọng.

Năm nào cũng vậy, đã thành lệ, nơi đây diễn ra một hoạt động vui xuân của bà con vùng núi xã An Xuân và các địa phương tham gia Hội đua ngựa Gò Thì Thùng. Ngày xuân, những chàng kỵ sĩ không chuyên trên những chú ngựa thuần phục vận chuyển hàng hóa thường ngày, Tết về thành những chú tuấn mã tham gia lễ hội.

Địa đạo Gò Thì Thùng được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2009. So với các địa đạo lịch sử lừng lẫy chiến công như địa đạo Củ Chi - Vùng đất thép TP Hồ Chí Minh; địa đạo Vịnh Mốc - vùng đất Quảng Trị kiên cường, nơi tuyến đầu chống Mỹ những năm chiến tranh ác liệt…, địa đạo Gò Thì Thùng cũng được ghi danh trong hành trình xây dựng, khai phá hệ thống địa đạo ở Việt Nam trong những năm chống giặc ngoại xâm.

Địa đạo Gò Thì Thùng được quân dân Phú Yên khởi công vào ngày 10/5/1964; cố Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền là người bổ nhát cuốc đầu tiên phát lệnh. Và thế là, cứ 16 giờ hàng ngày, khoảng 500 người với cuốc, thuổng, xẻng, đèn lồng âm thầm, lặng lẽ đi đào địa đạo. Sau hơn 1 năm, trong điều kiện bí mật, an toàn, làm đêm là chính, địa đạo Gò Thì Thùng hoàn thành.

“Nơi hầm tối là nơi sáng nhất - Nơi ta làm ra sức mạnh Việt Nam”. Sức mạnh Việt Nam được sinh ra từ ý chí, lòng quyết tâm, sự dũng cảm tuyệt vời đã làm nên hệ thống giếng đào 500 cái, dài gần 2.000m với một hệ thống chỉ huy, hầm chứa lương thực, vũ khí. Chính giữa địa đạo, điểm cao gò Thì Thùng là đài quan sát, xung quanh địa đạo giao thông hào chằng chịt sâu 1,5m, rộng 1m, có độ dài trên 10km, tạo nên thế trận vững chắc.

Gò Thì Thùng là nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của nhân dân huyện Tuy An. Trong ngày 24-26/6/1966, quân ta chặn đánh một tiểu đoàn Mỹ thuộc sư đoàn không vận số 1 từ gò Sống Trâu (xã An Xuân) chia thành nhiều hướng tấn công quân ta tại gò Thì Thùng. Trận đánh “giáp lá cà” với địch, ta giành giật từng mét giao thông hào, tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ, bắn rơi 6 trực thăng.

Địa đạo Gò Thì Thùng là nơi hội tụ của lòng quyết tâm, ý chí kiên cường, quyết đánh quyết thắng, gìn giữ non sông rất đáng trân trọng, gìn giữ cho hôm nay và mai sau.

HỮU BÌNH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/233923/xuan-ve-tham-dia-dao-go-thi-thung.html