Xuân về theo chân người dân đi săn chuột đồng làm món đặc sản 'trinh nữ kén chồng'
Ngày Tết có khách đến nhà, ngoài các món khác thì thịt chuột cũng được đem ra để thết đãi. Chẳng cần biết khách ở xa đến có thích món này hay không thì gia chủ vẫn cứ mời, bởi đó là tình cảm chân thành của người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Năm 2019, lũ lớn dâng ngập nhiều cánh đồng ở An Giang, Đồng Tháp, ngập các hang ổ làm chuột đồng mất nơi trú ẩn phải kéo nhau lên các gò cao lẩn trốn. Nhà nông nhân con nước lớn đặt bẫy bắt chuột đồng ráo riết nên chúng không sinh sôi kịp cắn phá cây lúa hoa màu. Cũng chính vì vậy chuột thịt hút hàng hơn so với các năm trước.
Anh Nguyễn Như Hòa, một người có thâm niên săn chuột ở Đồng Tháp cho biết, ngày cận Tết ai cũng tranh thủ làm để kiếm tiền xài Tết, chịu siêng và chịu mùi hôi chuột một ngày có thể kiếm vài trăm ngàn đồng.
Anh nói, lẽ ra mấy ngày cận Tết tắm rửa cho bay sạch mùi chuột nhưng lúc này chuột hút hàng nên vựa nào cũng cần nhân công làm. Năm nào cũng vậy, trước và trong 3 ngày Tết, thịt chuột rất đắt hàng, lớp nào vựa chở đi xa giao cho mối đã đặt trước, lớp nào chừa cho người quen.
Như thường lệ, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, anh Hòa cùng các chiến hữu lên rừng săn chuột. Vừa đi, anh Hòa tiết lộ: "Chẳng cần đến chiếc bẫy sắt hiện đại, đơn giản chỉ là những thanh tre tạm bợ đã được đan sẵn vào nhau tạo thành chiếc thòng lọng đặt ngay đường chuột chạy.
Đêm xuống, chuột ra kiếm ăn sẽ mắc trúng bẫy của bà con. Điều quan trọng là tìm nơi để đặt bẫy, phải đặt bẫy vào những đường chuột chạy. Thông thường chúng ta nên chọn những nơi nhiều hoa màu của người dân để đặt bẫy vì mùa này chuột thường xuyên phá hoại lúa, mì của bà con. Chuột đồng rất nhiều nên khi đi tìm thức ăn, đường đi của chúng gần như một lối mòn vậy, chỉ cần đặt vào những lối mòn đó thì chuột sẽ tự sập bẫy thôi".
Nhóm thợ săn chia sẻ, thịt chuột đồng hiện đang là món ăn đặc sản của người dân đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh việc thiết đãi những vị khách phương xa lưu tới, thịt chuột rừng còn là món ăn mặn hàng ngày của những người bản địa nơi đây. Chuột đồng có thể chế biến được rất nhiều món ngon như bóp giềng mẻ nấu giả cầy, xáo măng, nấu với chuối xanh... Thế nhưng, món ngon nhất vẫn là thịt chuột rừng mang nướng trên than hoa.
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, dịp cuối năm tại các khu chợ chuột Phù Dật (Châu Phú), chợ chuột xã Vĩnh Bình (An Giang) lúc nào cũng đông đúc người ra vào. Gọi là chợ chuột không ngoa vì chợ hoạt động suốt năm với hàng chục hộ sống bằng nghề vựa chuột. Mỗi vựa có hàng chục nhân công làm thịt chuột nên buổi trưa nào cũng vang lên tiếng nói cười.
Ngay cả công nhân từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê ăn Tết đều tấp qua đây mua vài cân thịt chuột. Mấy công nhân này cho biết, đi làm ở các khu công nghiệp ăn thịt heo, bò, gà, vịt riết phát ngán, nay ngày Tết về quê ăn thịt chuột đồng cho đã thèm.
Ngày Tết xưa mấy khi ai ăn thịt chuột vì sợ ăn con vật bị nhà nông ghét bỏ sẽ không hên trong cả năm, thời hiện đại quan niệm xưa cũng thay đổi dần. Thịt chuột hút hàng bởi chuột nơi đây là chuột bắt từ đồng, chúng sống ngoài tự nhiên, ăn lúa non nên thịt ngon, thơm như thịt gà nuôi thả vườn.
Nhiều người nói vui, bây giờ thịt heo, gà nuôi công nghiệp nên thịt không ngon, cá tôm cũng vậy nên miễn về quê được ăn thịt tự nhiên cho đã thèm nên cứ thế chợ chuột luôn sôi động quanh năm…