Xuân về trên chiến khu xưa
Vùng Cùa ghi dấu trong lịch sử dân tộc bởi di tích thành Tân Sở, cái nôi của phong trào Cần Vương, là 'kinh đô kháng chiến' của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vùng Cùa tiếp tục đảm nhận sứ mệnh là chiến khu cách mạng, nơi nổ ra phong trào Đồng khởi đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị vào năm 1964, ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của quân và dân Cam Lộ nói riêng và Quảng Trị nói chung. Qua hơn 45 mùa xuân kể từ ngày hòa bình lập lại, chiến khu xưa đã thay da, đổi thịt từng ngày.
Khi những nụ hoa đào, hoa mai đang chúm chím đón chào mùa xuân mới, chúng tôi có cuộc hành trình trở về vùng đất Cùa thuộc 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Trên con đường nhựa phẳng lì uốn lượn quanh các rừng cây, nương chè, hồ tiêu xanh ngút tầm mắt, cảm nhận về mùa xuân nơi chiến khu năm xưa cứ hiển hiện trước mắt chúng tôi với biết bao điều đổi thay, mới lạ…
Trong câu chuyện bên ấm chè xanh xứ Cùa đậm đà hương đất, tình người của miền đất đỏ, giữa không gian xuân ấm cúng, ông Nguyễn Hữu Khảng ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính vẫn nhớ như in những ngày đầu quê hương giải phóng cho đến năm đầu quê hương lập lại, nhân dân vùng chiến khu Cùa đã phải trải qua muôn vàn gian khó. “Do vùng Cùa là chiến khu cách mạng nên trong những năm chiến tranh bị tàn phá hết sức nặng nề. Sau ngày quê hương giải phóng vùng đất này đâu cũng chằng chịt hố bom, hố pháo, hàng rào dây kẽm gai chằng chịt. Nhân dân bắt tay xây dựng lại quê hương từ hai bàn tay trắng”, ông Khảng chia sẻ.
Gian khó nào rồi cũng vượt qua, chỉ cần lòng người nỗ lực vươn lên. Ấy là cách mà người dân vùng Cùa luôn nhắc nhớ để khắc phục gian nan, bền gan, vững bước trên hành trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, no ấm.
Hơn 45 năm trôi qua, từ vùng đất lửa đạn năm xưa, những dòng nhựa trắng từ những vườn cao su xanh tốt, những hạt tiêu thơm nồng bồi đắp ngày mỗi nhiều hơn cho cuộc sống ấm no của người dân nơi đây. Đảng bộ và nhân dân hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa đã khai thác hiệu quả lợi thế, đưa diện tích cây trồng và sản lượng cây trồng tăng lên đáng kể. Riêng diện tích cây cao su hiện nay lên đến gần 2.000 ha, trong đó hơn 1.000 ha đã đưa vào khai thác, gần 300 ha hồ tiêu, hàng ngàn héc ta rừng trồng. Nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng trọt mang lại giá trị kinh tế cao. Vợ chồng anh Vũ Văn Bắc, chị Nguyễn Thanh Tâm ở thôn Thiết Xá, xã Cam Chính đã từng vào các tỉnh phía Nam làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh nhưng cuộc sống cứ bấp bênh. Sau nhiều lần bàn bạc, suy tính, vợ chồng anh Bắc quyết định trở về quê để khởi nghiệp, xây dựng cuộc sống ổn định lâu dài bằng việc phát triển mô hình kinh tế trang trại nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, từ số lượng gà ban đầu là 100 con, đến nay trang trại của vợ chồng anh Bắc đã nuôi được 3.000 - 4.000 con gà. Mỗi lứa gà được nuôi trong khoảng 5 tháng là có thể đem bán ra thị trường với giá là 80 nghìn đồng/kg. Nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn nên gà của trang trại vợ chồng anh Bắc rất chắc thịt, thơm ngon, được thị trường đón nhận. Từ hai bàn tay trắng, giờ đây, thu nhập của anh chị mỗi năm hơn 200 triệu đồng.
Chiến khu Cùa năm xưa từng ám ảnh nhiều người bởi sự khắc nghiệt, gian khó nay trở thành một vùng đất giàu tiềm năng, gọi mời biết bao con người từ các nơi khác đến lập nghiệp, thu hút sự đầu tư của nhiều đơn vị. Rõ nét nhất là một nhà máy chế biến mủ cao su với công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm được đầu từ xây dựng tại vùng Cùa, gắn sản xuất với tiêu thụ, góp phần bảo tiêu mủ cao su cho người dân nơi đây. Cùng với đó là thương hiệu tiêu Cùa được công nhận và vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước. Các mô hình kinh tế trang trại, vườn đồi, vườn rừng hình thành và phát triển ngày càng nhiều, tạo thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vùng Cùa đã có những bước phát triển về mọi mặt. Cùng với các tuyến đường được hoàn thiện, bê tông hóa, tạo điều kiện để người dân đi lại, giao thương buôn bán, những ngôi trường mái ngói cao tầng khang trang đã mọc lên. Các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện hiệu quả… Đến nay thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Cam Chính hơn 40 triệu đồng/ năm, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,84%. Cả 2 xã vùng Cùa đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Cam Chính được UBND tỉnh công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu…
Bí thư Đảng ủy xã Cam Chính Nguyễn Văn Hà cho biết, phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo về nhiệm vụ phát triển kinh tế, đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình ở địa phương. Đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, sau khi được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu, cán bộ và nhân dân Cam Chính sẽ tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân để nâng cao chất lượng các tiêu chí; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện để thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, xứng đáng với truyền thống của quê hương.
Đến Cùa trong những ngày đầu xuân mới này, giữa tiết trời se lạnh, được uống bát nước chè xanh nồng ấm, chứng kiến mùa xuân trên mảnh đất chiến khu này, ai cũng thấy xúc động trước hình ảnh đất và người nơi chiến khu xưa một lòng thủy chung theo Đảng, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mùa xuân này, cuộc sống của người dân ở vùng chiến khu xưa đã sáng một màu tươi mới, tràn trề hy vọng vào tương lai.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145891