Xuân về trên những vùng quả ngọt
Khi những cánh hoa đào khoe sắc cũng là lúc các vùng trồng cây ăn quả của Hà Nội chuyển mình theo vòng xoay của trời đất. Trên khắp các làng quê, những vùng quả trĩu nặng với bạt ngàn bưởi Diễn, cam Canh, táo, phật thủ... đang vào vụ thu hoạch lớn nhất năm và mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân mỗi độ Tết đến, xuân về.
Một mùa quả bội thu
Đến xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức) - vùng trồng phật thủ lớn nhất miền Bắc những ngày áp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, phóng viên Báo Hànôịmới chứng kiến nông dân đang hối hả thu hoạch các sản phẩm mà mình ngày đêm chăm bón, đến ngày hái quả. Cây phật thủ được coi là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc và tình yêu thương, nên vào ngày Tết nhu cầu mua sắm loại quả này của người dân tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Tình phấn khởi cho hay, gia đình ông trồng hơn một mẫu phật thủ và năm nay thời tiết thuận lợi, nên thu được khoảng 6.000-7.000 quả có mẫu mã đẹp. Hiện ngày càng có nhiều gia đình có nhu cầu mua quả phật thủ để dâng lễ tổ tiên vào mồng 1, ngày Rằm hằng tháng và nhất là ngày Tết Nguyên đán. Giá quả phật thủ dao động từ 30.000 đến 150.000 đồng, có những quả đặc biệt (to, nhiều múi) giá lên tới gần 1 triệu đồng/quả.
Rời xã Đắc Sở, đến tham quan vườn bưởi Diễn cảnh của một hộ nông dân tại vùng trồng cây ăn quả ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) mới thấy sự năng động, nhạy bén của người dân nơi đây trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Phát huy lợi thế vùng bãi, người dân xã Kim An đã chuyển sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là cam Canh. Tuy nhiên, sau một thời gian cam Canh không phát huy hiệu quả, người dân lại chuyển sang trồng ổi Đài Loan, táo, bưởi Diễn…
Ông Nguyễn Văn Mùa ở xã Kim An chia sẻ, mỗi năm gia đình ông trồng hàng trăm gốc bưởi Diễn cảnh, cho thu nhập hàng tỷ đồng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, xã Kim An đã xây dựng vùng đất bãi thành vùng trồng cây ăn quả gắn với phát triển du lịch sinh thái. Vì thế, vào dịp cuối năm, khách hàng ở khắp mọi nơi tìm đến vườn bưởi của gia đình ông để mua bưởi, tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Nhờ đó, gia đình ông không chỉ bán được hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, mà còn quảng bá rộng rãi sản phẩm cây ăn quả chất lượng của địa phương.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, toàn thành phố có hơn 22.000ha cây ăn quả các loại và sản phẩm tương đối đa dạng, trong đó có khoảng 60% diện tích trồng các loại cây đặc sản: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, ổi Đông Dư… Ngoài ra, còn có một số giống cây ăn quả mới được người dân đưa vào trồng, như: Thanh long ruột đỏ, ổi không hạt, đu đủ ruột tím…
Theo bà Hòa, các mô hình trồng cây ăn quả dù đôi lúc gặp khó khăn về đầu ra, song vẫn là loại cây có giá trị kinh tế cao, đạt từ 500 đến 800 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5-6 lần trồng lúa. Có những vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao, có thể đạt từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm, như: Bưởi đường Quế Dương ở xã Cát Quế và phật thủ tại xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức). Để quảng bá và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường của những loại quả ngon, chất lượng, Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu, như: Bưởi Chương Mỹ, bưởi Phúc Thọ, bưởi đường Quế Dương, bưởi sạch Sóc Sơn, bưởi tôm vàng Đan Phượng…
Hy vọng năm mới mưa thuận, gió hòa
Một mùa xuân mới đang đến, những người nông dân vừa thu hoạch xong các vườn cây ăn quả sai trĩu trịt và mang đến cho họ một cái Tết ấm no, đủ đầy. Hiện, tại một số vườn, người dân đã tiến hành chăm sóc cây sau khi thu hoạch và hy vọng một năm mới mưa thuận, gió hòa, giúp cây đơm hoa kết trái.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang (huyện Chương Mỹ) Lê Hữu Diện, sau khi thu hoạch, hợp tác xã đã bắt tay ngay vào chăm sóc gần 3ha bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Để cây bưởi có nhiều quả, cân đối dinh dưỡng và mang được trọng lượng quả trên cành, đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc. Khi dinh dưỡng cân đối, cây có thể ra quả đồng đều, quả ngon, ngọt. Nếu thiếu dinh dưỡng, quả dễ bị sâu bệnh và rụng sớm. Do đó, hợp tác xã rất chú trọng khâu chăm sóc và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, vụ sau cho quả nhiều.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm ở từng khu vực để cây ăn quả phát triển phù hợp với quy hoạch. Ngoài ra, sở khuyến khích nông dân sử dụng giống có năng suất cao và chất lượng tốt; có khả năng chống chịu sâu bệnh; thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường; ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong hoạt động chế biến và bảo quản nông sản. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân về xây dựng thương hiệu những loại quả đặc sản của Hà Nội; tích cực kết nối với doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm thị trường mới, hướng tới xuất khẩu; đồng thời phát triển du lịch sinh thái tại các vùng trồng cây ăn quả để nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân.
Thêm một mùa xuân nữa lại về trên các vùng quê của Hà Nội. Một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều điều kiện thuận lợi cùng với sự chăm chỉ và sáng tạo của người dân hứa hẹn sẽ có thêm những vùng cây ăn quả đặc sản, giá trị kinh tế cao.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xuan-ve-tren-nhung-vung-qua-ngot-657945.html