Xuân về trên vùng biên giới Chư Prông
Xuân mới mang niềm tin yêu, khát vọng mới tới khắp mọi miền Tổ quốc. Với người dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, Xuân này sẽ thêm nhiều niềm vui mới trước sự đổi thay của các buôn làng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Từ Ngọc Thông nhận định, trong bối cảnh kinh tế - xã hội, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế năm 2022 của huyện đã phục hồi tích cực. 18/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cơ sở hạ tầng các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được quan tâm đầu tư. Công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, được các cấp, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên, an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững, đặc biệt là ở khu vực biên giới.
Những năm gần đây xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông gần như "lột xác" với nhiều công trình hạ tầng làm thay đổi bộ mặt vùng biên. Ia Mơ có gần 32 km đường biên giới với Campuchia, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Hai năm trở lại đây, đời sống nhân dân dần ổn định nhờ có những tác động tích cực từ nhiều chính sách của Nhà nước, thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Nhiều con đường mới mở ra thúc đẩy phát triển các khu vực lân cận, hồ thủy lợi dẫn nước tưới đến các cánh đồng, những căn nhà khang trang đua nhau mọc lên...
Cánh đồng của làng Klăh, xã Ia Mơ hai năm trước khô hạn, cằn cỗi, nay nước đã được đưa về các kênh nội đồng để bà con sản xuất. Cánh đồng trĩu hạt mùa gặt rộn tiếng cười báo hiệu một mùa bội thu. Anh Rơ Ma Tuyên, làng Klăh, xã Ia Mơ chia sẻ, gia đình anh và dân làng vui mừng lắm vì năm nay được thu hoạch lúa nước 2 vụ, năng suất gấp 3 lần làm lúa khô truyền thống 1 vụ. Nhờ cán bộ nông nghiệp huyện, xã hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật trồng lúa nước, năng suất lúa của người dân trong xã đã tăng lên 9,5 tấn tươi/ha. Anh Tuyên cũng như bà con mong muốn Ban quản lý hồ chứa nước Ia Mơ đưa nước vào kênh nội đồng ổn định để người dân làm lúa nước 2 vụ thoát nghèo.
Trước đó, vừa thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ổn định an ninh vùng biên giới vừa tạo cơ hội cho nhân dân khu vực biên giới huyện Chư Prông có việc làm, Nông trường cao su An Biên (Công ty Cao su Chư Prông) đã nhận gần 200 công nhân cạo mủ, chăm sóc cây cà phê với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền lương nhận khoán, người dân khó khăn vùng biên giới Chư Prông còn được Nông trường quan tâm hỗ trợ về bảo hiểm y tế, phát triển thêm kinh tế gia đình.
Những hàng cao su thẳng tắp trong nông trường được ví như phên dậu Tổ quốc. Người dân xem cao su là chỗ dựa để ổn định kinh tế gia đình. Những tháng không khai thác, bà con có thời gian tăng gia sản xuất, làm nương rẫy. Từ đó, đời sống người dân vùng biên cũng dần ổn định, nhiều gia đình khá giả.
Gia đình anh Rơ Lan Bên (làng Khôi, xã Ia Mơ) trước đây thuộc hộ nghèo vì không có đất sản xuất. Năm 2018, khi hai vợ chồng được nhận vào làm công nhân cho Nông trường, đời sống gia đình đã có sự thay đổi rõ rệt. Với thu nhập bình quân 2 vợ chồng từ 15-20 triệu đồng/tháng, anh đã mua được thêm đất rẫy trồng sắn. Niềm vui lớn của gia đình anh Bên là năm 2021 đã xây được căn nhà khang trang, mua sắm thêm vật dụng gia đình.
Cùng với việc ổn định đời sống cũng như từng bước phát triển kinh tế, xã Ia Mơ còn là điển hình trong đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhờ có sự góp sức của lực lượng công an xã, biên phòng địa bàn. UBND xã Ua Mơ đã chỉ đạo các lực lượng chức năng duy trì bám địa bàn, nắm tình hình nhân dân và phối hợp chặt chẽ với cán bộ địa phương trong bảo vệ biên giới, phòng, chống vượt biên, xâm nhập, nhờ đó an ninh chính trị được giữ vững và ổn định.
Già làng Ksor Blăm, làng Krông, xã Ia Mơ, cho biết nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa người có uy tín trong thôn, làng và bộ đội biên phòng, công an, bộ đội địa phương mà vùng biên giới Ia Mơ luôn yên bình, đời sống nhân dân ngày một phát triển. Trước đây, cơ sở hạ tầng rất kém nhưng nay xã đã có đủ điện, đường, trường, trạm, an ninh chính trị được giữ vững, thanh niên không còn vướng vào các tệ nạn xã hội... Chứng kiến sự đổi thay của vùng biên giới Ia Mơ theo thời gian, già làng Blăm thay mặt bà con cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước đã đầu tư phát triển, chăm lo đời sống cho người dân.
Theo ông Ngô Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, qua thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay nhận thức của các hộ bước đầu đã thay đổi, ngày càng được nâng lên, có nhiều chuyển biến tích cực. Các hộ được hỗ trợ đã biết thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng máy móc, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, các hộ nghèo biết tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tết đến, Xuân về trên mọi miền Tổ quốc, người người chúc nhau sức khỏe, bình an. Năm 2022 với nhiều khó khăn nhưng người dân vùng biên giới Chư Prông đã vượt qua thách thức để chào đón năm mới 2023 với nhiều kỳ vọng về một cuộc sống bình yên nơi phên dậu Tổ quốc.