Xuất bản công nghệ sẽ giúp sách kiếm tiền và tiến xa như thế nào?
'Công nghệ đã giúp ích cho cuộc sống của mọi người, từ ăn uống, di chuyển, lao động, tại sao không áp dụng nó cho ngành sách phát triển hơn', ông Nguyễn Cảnh Bình nói.
Một nền tảng công nghệ dành cho xuất bản điện tử mới ra mắt tại Việt Nam, với mục đích làm ra nhiều sách hơn, rút ngắn công đoạn, chi phí làm sách. Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Sách Alpha, đơn vị xây dựng nền tảng xuất bản iPub - trò chuyện với Zing.vn về dự án đầy tham vọng.
Công nghệ ứng dụng trong đi lại, ăn ở, sao ngành sách đứng ngoài cuộc?
- Công nghệ đã được áp dụng nhiều trong ngành xuất bản những năm qua. Nhưng điều gì khiến ông thực hiện một nền tảng xuất bản công nghệ, khác biệt hoàn toàn với quy trình truyền thống hiện nay?
- Quá trình làm nghề xuất bản trong hơn 15 năm qua, chúng tôi nhìn thấy những thách thức, cản trở của quy trình truyền thống: Số lượng bản thảo của tác giả Việt Nam mà chúng tôi nhận được rất nhiều, nhưng lượng sách xuất bản ra dường như chỉ được 20% thôi. Ví dụ, hàng trăm bản thảo nhận được, thì chỉ xuất bản được khoảng 20 cuốn. Lý do, khó ai lường được cuốn nào sẽ bán chạy để đầu tư, và năng lực xuất bản có hạn.
Nhưng trong vài năm qua công nghệ phát triển kinh khủng. Đặc biệt những nền tảng (platform) kết nối nảy nở.
Từ hai năm trước, chúng tôi nghĩ đến nền tảng công nghệ cho xuất bản. Đặc biệt từ tháng 8/2018, chúng tôi tập trung xây dựng iPub, áp dụng công nghệ tiên tiến cho xuất bản. Tại sao công nghệ có thể áp dụng cho ngân hàng như Fintech, Momo, ngành du lịch với đặt khách sạn, vận tải như Uber, Grab, tại sao xuất bản lại đứng ngoài cuộc? Công nghệ phải giúp ích cho các lĩnh vực, đời sống xã hội, cho mọi người.
- Xuất bản sách bằng nền tảng công nghệ khác với cách xuất bản truyền thống ra sao?
- Thay vì xuất bản hàng trăm cuốn, chúng ta có thể đưa ra hàng nghìn cuốn mỗi năm.
Nếu Uber, Grab kết nối được người đi xe và người có nhu cầu, vậy tại sao chúng ta không sử dụng công nghệ để kết nối tác giả với độc giả? Chúng tôi đã nỗ lực theo đuổi ý tưởng này trong 6 tháng qua, đầu tư phát triển trang web, và sẽ sớm có app iPub.
Đây không phải là điều gì mới trên thế giới. Chúng tôi không phát minh gì vix đại cả, chỉ điều chỉnh cho phù hợp với Việt Nam mà thôi. Trên thế giới có những nền tảng xuất bản như Lulu, Smashwords, Unbound… Mỗi nền tảng có một đặc tính riêng, nhưng đáng kể nhất là Smashwords, với hàng trăm nghìn cuốn sách, tốc độ xử lý nhanh…
- So với các nền tảng đi trước trên thế giới, iPub có gì khác biệt?
- iPub hướng tới tác giả Việt, và có thể thiết kế bìa tự động. Khi ta gõ tên sách, nó sẽ cho ra 5 tùy chọn thiết kế bìa, nếu không thích, ta có thể thiết kế riêng.
Thông qua nền tảng này, chúng ta có thể kết nối tác giả với độc giả. Mục tiêu là giảm chi phí xuất bản cực kỳ lớn. Giảm tối thiểu chi phí so với cách thức xuất bản thông thường 50%. Một số khâu vẫn làm bằng tay, nhưng chắc chắn sẽ giảm ít nhất 50%. Quy mô càng tăng thì chi phí càng giảm.
Đi taxi kiểu cũ, ta sẽ không biết đi từ A đến B hết bao nhiêu tiền, nhưng giờ đây đi taxi công nghệ ta biết được điều đó. Xuất bản công nghệ cũng vậy, ta tính toán trước được chi phí.
- Nền tảng xuất bản này sẽ tác động thế nào tới tác giả và độc giả?
- Với tác giả, nền tảng này giúp xuất bản sách mà nhiều cuốn trước đó không có cơ hội ra đời. Chúng ta biết J.K. Rowlling từng gửi bản thảo Harry Potter tới 7 NXB và bị từ chối, đến nhà thứ 8 mới xuất bản được theo cách truyền thống.
Công nghệ xuất bản giúp cho bất cứ tác giả nào cũng có thể dễ dàng giới thiệu sách tới công chúng.
Với độc giả, họ được đọc những cuốn sách tưởng chừng không thể, họ có kho tàng lớn với chi phí thấp. Nếu trước đây họ chỉ đọc được những cuốn sách trên giá, trên kệ, giờ đây họ có thể đọc được những cuốn sách lạ.
Xuất bản công nghệ là xu thế tất yếu
- Một cuốn sách dù xuất bản dưới hình thức nào vẫn cần giấy phép. Vậy làm sách trên nền tảng công nghệ sẽ đăng ký xuất bản ra sao?
- Đã là quy định thì ai cũng phải tuân thủ. Chúng tôi đang rất nỗ lực để có thể nhanh hóa quá trình xuất bản. Sử dụng công nghệ xuất bản, nhưng hiện nay vẫn có những công đoạn phải làm thủ công, như việc xin giấy phép. Chúng tôi muốn xin cơ chế để có thể đẩy nhanh quá trình cấp phép, theo hướng cấp giấy phép online, xin giấy phép trong ngày.
- Ông đánh giá ra sao về triển vọng của xuất bản trên nền tảng công nghệ?
- Tôi lạc quan, vì đó là xu thế tất yếu. Nếu nền tảng iPub không thành công là do mình, chứ không phải do thị trường.
- Nếu một ngày nào đó hình thức xuất bản này phát triển, dần chiếm thị phần ngành sách, thì vai trò của các nhà xuất bản sẽ ra sao?
- Bạn nhìn câu chuyện Uber, Grab với taxi truyền thống sẽ thấy. Rõ ràng taxi công nghệ tác động tới taxi truyền thống. Trước đây, cứ giá xăng tăng là giá taxi tăng vọt, giờ đây không còn hiện tượng ấy.
Công nghệ xuất bản sẽ thay thế một phần cách làm sách truyền thống. Thứ hai, nó sẽ tác động để ngành xuất bản truyền thống tự đổi mới bản thân mình.
Hiện nay, người bình thường muốn xuất bản, không biết quy trình như thế nào. Lượng bản in cũng khó kiểm soát. Còn với nền tảng xuất bản công nghệ, bạn sẽ biết được chi phí làm ra sách, biết chi li từng người đọc để từ đó tính ra nhuận bút.
Tuy vậy, tôi tâm niệm, nền tảng này làm gì thì làm, tích hợp công nghệ ra sao, miễn phải mang lại lợi ích cho tác giả, cho độc giả thì mới phát triển được.
- Khi ai cũng có thể ra sách dễ dàng theo tinh thần xuất bản công nghệ, lượng tác phẩm nhiều lên, nhưng làm sao để quản lý được chất lượng sách?
- Chất lượng sách vẫn phụ thuộc vào tác giả. Độc giả cũng sẽ đánh giá tác phẩm này hay hay dở, tác giả này viết tốt hay tệ…
Tuy vậy, tác giả có thể thuê đội ngũ biên tập nếu muốn.
Trong khoảng 100 bản thảo đầu tiên, chúng tôi sẽ can thiệp (có biên tập nội dung), nhưng hướng lâu dài là để mở tự do. Chúng tôi không cản trở, hạn chế điều gì.
Chúng tôi sẽ lồng ghép vào nền tảng này công nghệ kiểm soát chính tả, hệ thống lọc những từ nhạy cảm, nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục…
Theo Zing
http://news.zing.vn/xuat-ban-cong-nghe-se-giup-sach-kiem-tien-va-tien-xa-nhu-the-nao-post924727.html
Xem link gốc Nguồn: Zing