Xuất bản góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Công tác xuất bản với tư cách là một bộ phận hợp thành của văn hóa, trực tiếp góp phần kiến tạo tri thức, hình thành nhân cách, bồi đắp văn hóa và hun đúc tinh thần dân tộc. Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xuất bản đã và đang giữ vai trò quan trọng, là một trong những động lực góp phần phát triển đất nước.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội và Cục Xuất bản, In và Phát hành tham dự một hội chợ sách Hà Nội.
Từ nhận thức về xây dựng, phát triển văn hóa và con người trong kỷ nguyên mới, với tính chất là một bộ phận hợp thành của văn hóa, đồng thời cũng là một ngành kinh tế-công nghệ, công tác xuất bản đóng vai trò là nhân tố quan trọng của “hệ sinh thái tri thức-sáng tạo-văn hóa”.
Nền tảng đổi mới, phát triển kinh tế tri thức
Trước đây cũng như trong tương lại, ngành xuất bản luôn ở tuyến đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, lan tỏa khát vọng phát triển đất nước. Bằng sức mạnh thông tin và tri thức, xuất bản góp phần củng cố, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc, giữ vững trận địa tư tưởng trước sự phức tạp của thông tin trên mạng xã hội trong điều kiện cả nước thực hiện cuộc cách mạng “tinh gọn bộ máy” và “khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”. Xuất bản nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, đạo đức, hướng con người đến chân-thiện-mỹ.
Trong thời đại số và toàn cầu hóa, công tác xuất bản là một kênh thiết yếu để giữ gìn và lan tỏa giá trị đạo lý truyền thống, đóng góp quan trọng xây dựng hệ giá trị quốc gia. Bên cạnh đó, xuất bản là phương tiện hiệu quả để truyền tải mục tiêu, lý tưởng và hoài bão phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Đổi mới sáng tạo không thể thiếu tri thức nền và tư duy độc lập khi cả hai đều được nuôi dưỡng bởi môi trường xuất bản lành mạnh, phong phú. Trong đó, xuất bản là nền tảng cung cấp tri thức cho đổi mới sáng tạo. Với vai trò lưu giữ, phổ biến và tích lũy tri thức qua thời gian, xuất bản chính là một trong những thiết chế đầu tiên giúp hình thành năng lực tư duy và kiến thức nền cho toàn xã hội, là không gian thúc đẩy tư duy phản biện và sáng tạo cá nhân, nuôi dưỡng tự do học thuật, khuyến khích những quan điểm mới, góc nhìn sáng tạo khác biệt.
Trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật, xuất bản tạo điều kiện cho các tác phẩm thử nghiệm, đổi mới phong cách, thể nghiệm ngôn ngữ góp phần định hình văn hóa sáng tạo và đổi mới trong xã hội.

Phố sách 19-12 tại Hà Nội, điểm hội tụ của nhiều nhà xuất bản, công ty sách, thu hút du khách và những người yêu sách Thủ đô. (Ảnh: VOV)
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, xuất bản số tạo điều kiện để người đọc trở thành người sáng tạo nội dung (User-Generated Content), làm phong phú hệ sinh thái sáng tạo mở, thúc đẩy nền kinh tế tri thức dựa vào cộng đồng; kết nối và lan tỏa giá trị đổi mới trong xã hội. Một chính sách mới, một tư duy quản trị mới, một công trình khoa học có giá trị sẽ không tạo được sức lan tỏa nếu thiếu xuất bản. Nó giúp truyền tải các mô hình thành công, bài học kinh nghiệm, công trình nghiên cứu đến đông đảo công chúng, từ đó góp phần chuyển giao tri thức, tạo “hiệu ứng lan truyền” và thúc đẩy tiến bộ xã hội, từ đó xây dựng tinh thần sáng tạo cho xã hội, yếu tố cốt lõi của kinh tế tri thức.
Với chủ trương và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đang được thúc đẩy mạnh mẽ ở các lĩnh vực liên quan, xuất bản là lực lượng quan trọng phát triển văn hóa và trọng điểm để phát triển công nghiệp văn hóa. Ở đây, không chỉ đề cập về tính chất sản phẩm của văn hóa mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng, kết nối giữa người sáng tạo-người tiếp nhận-giá trị thị trường-giá trị tinh thần. Đồng thời, xuất bản cũng là công cụ bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc lưu giữ, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật, lý luận-phê bình, các di sản ngôn ngữ, phong tục, lịch sử…
Là trung tâm sản xuất nội dung văn hóa gốc (original content)-yếu tố đầu vào không thể thiếu của các ngành công nghiệp khác như điện ảnh, truyền hình, trò chơi điện tử, truyền thông đa phương tiện, ngành xuất bản còn giữ vai trò cầu nối hội nhập văn hóa quốc tế, qua các hoạt động dịch thuật, xuất bản song ngữ, tham gia hội sách quốc tế và chuyển thể nội dung đa nền tảng.
Định hướng chiến lược phát triển
Khẳng định vai trò là một thiết chế văn hóa chủ lực, ngành xuất bản cần tiếp tục phát huy vai trò là kênh truyền bá tư tưởng, định hướng giá trị, lan tỏa tri thức đến mọi tầng lớp nhân dân. Công tác xuất bản các ấn phẩm có giá trị lý luận, chính trị, văn hóa, đạo đức cần được thúc đẩy, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Muốn vậy, ngành xuất bản trước hết cần tăng cường chất lượng và chiều sâu nội dung xuất bản, ưu tiên xuất bản các tác phẩm có giá trị tư tưởng-học thuật-nghệ thuật cao nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân cách và đạo đức xã hội; khuyến khích sáng tác, dịch thuật, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, lý luận chính trị, văn học nghệ thuật, các đề tài quan trọng đối với công cuộc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện đại.

Ngày Sách và văn hóa đọc tại Thư viện quốc gia Việt Nam, Hà Nội. (Ảnh: MINH THƯ)
Trong định hướng phát triển thời gian tới và về lâu dài, xuất bản phải gắn liền với chuyển đổi số và công nghiệp văn hóa. Xuất bản liên kết với truyền thông và công nghệ để phát triển sản phẩm đa nền tảng, gia tăng giá trị sản phẩm văn hóa; tạo cơ chế thuận lợi cho hợp tác quốc tế, phát triển thị trường xuất khẩu sách, nâng cao hình ảnh Việt Nam qua xuất bản.
Một nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái xuất bản số, xây dựng hệ thống các nhà xuất bản-đơn vị công nghệ-nền tảng phân phối-người tiêu dùng tương tác chặt chẽ, tạo thành một chu trình số khép kín.
Với công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ, trong công tác quản lý, kinh doanh, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ tham gia sâu vào lĩnh vực xuất bản, hỗ trợ xây dựng nền tảng xuất bản số, phân phối, phân tích dữ liệu bạn đọc.
Bên cạnh đó, xuất bản nên được kết nối mạnh mẽ với các ngành công nghiệp sáng tạo khác như: giáo dục, truyền thông, giải trí…, để tạo ra các sản phẩm văn hóa tích hợp, có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó là xây dựng hạ tầng xuất bản số, bao gồm: nền tảng xuất bản điện tử, thư viện số, kho dữ liệu tri thức mở, tiến tới thực hiện nhiệm vụ: “xây dựng hệ tri thức Việt Nam”.
Một vấn đề quan trọng là về nhân lực ngành xuất bản. Theo đó, xây dựng đội ngũ những người làm xuất bản chuyên nghiệp, đa năng, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng với công nghệ mới. Người làm xuất bản trong thời đại mới không chỉ là người làm sách mà chính là người sáng tạo giá trị văn hóa với yêu cầu mới như: tư duy phản biện, khả năng tổ chức nội dung, biên tập dữ liệu lớn và sáng tạo nội dung số, làm chủ các công cụ số phục vụ hoạt động xuất bản hiện đại (AI, big data, phần mềm xuất bản kỹ thuật số, thiết kế đa nền tảng...).
Trong xu thế phát triển của thời đại, những người làm xuất bản cũng phải luôn không ngừng học hỏi, sẵn sàng thay đổi quy trình, phương thức làm việc để phù hợp hướng phát triển xuất bản điện tử, xuất bản trực tuyến, phân phối đa kênh. Và, quan trọng hơn, tiến tới xây dựng văn hóa làm sách vì sứ mệnh phát triển phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của con người; bảo đảm quyền tiếp cận sách cho mọi người dân, thu hẹp khoảng cách tri thức giữa các vùng miền, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Công tác xuất bản luôn đồng hành với chiến lược phát triển con người và nâng tầm văn hóa quốc gia, đưa sách và văn hóa đọc vào mọi tầng lớp xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế; kết nối hệ thống xuất bản với thư viện, trường học, bảo tàng, thiết chế văn hóa cơ sở; đẩy mạnh truyền thông về vai trò của sách và người làm sách trong thời đại mới trên cơ sở phát huy đồng bộ vai trò của các chủ thể, nhà nước, các đơn vị xuất bản, doanh nghiệp công nghệ và các doanh nghiệp sáng tạo nội dung, tổ chức hội và cộng đồng. Đặc biệt, Nhà nước cần giữ vai trò định hướng bằng cơ chế, chính sách, bảo đảm ngân sách, khuyến khích sáng tạo nội dung tri thức đại chúng
Trong thời hội nhập quốc tế sâu rộng, xuất bản Việt Nam cần không ngừng nâng cao vị thế, chủ động tham gia các hoạt động xuất bản quốc tế, tham dự các hội chợ sách quốc tế; thúc đẩy các chương trình xuất khẩu bản quyền, hợp tác xuất bản; tham gia các tổ chức quốc tế về xuất bản như IPA (Hiệp hội xuất bản quốc tế), Hiệp hội xuất bản châu Á-Thái Bình Dương (APPA), Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á (ABPA)... Phát triển công tác xuất bản nên được xem là một phần trong chiến lược quốc gia về ngoại giao văn hóa và đầu tư một cách đồng bộ, dài hạn.
Trong thời gian tới, chúng ta cần xây dựng chiến lược đưa sách Việt Nam ra nước ngoài qua các chương trình quốc gia về quảng bá tác phẩm, hỗ trợ bản quyền, dịch thuật để thực hiện mục tiêu “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc, nâng cao sức mạnh mềm và vị thế văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế” như tinh thần Nghị quyết số 59 NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị “về hội nhập quốc tế trong tình hình mới”.

Đường sách thành phố Hồ Chí Minh trong ngày Hội sách xuyên Việt 2024. (Ảnh: HỒ SƠN)
Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất bản không chỉ mang tính “kiểm soát” mà cần được nhìn nhận là hệ thống kiến tạo phát triển, trong đó hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp xu thế phát triển mới; bổ sung khung pháp lý cho các vấn đề mới như: xuất bản xuyên biên giới, bản quyền số, nền tảng trung gian, kiểm duyệt nội dung AI...; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất bản.
Cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường vai trò chỉ đạo, điều tiết trong việc quy hoạch, định hướng nội dung, giám sát hoạt động xuất bản; thiết lập cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào xuất bản theo hướng xã hội hóa có kiểm soát, bảo đảm chất lượng nội dung và an toàn thông tin; bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà xuất bản, tác giả, dịch giả, người làm nghề thông qua tăng cường thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ và bản quyền.
Trong kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ của dân tộc, hơn bao giờ hết, ngành xuất bản cần khẳng định vai trò là lực lượng tiên phong trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, là nền tảng tri thức và sáng tạo, là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Với bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng và tinh thần đổi mới, ngành xuất bản Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên đồng hành cùng dân tộc trên hành trình xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển toàn diện con người.