Xuất bản phẩm điện tử - Xu thế của thời đại

Xuất bản phẩm điện tử (XBPĐT) là một phương thức của hoạt động xuất bản, đã và đang mở ra một thời cơ mới cho ngành xuất bản khi mà hoạt động xuất bản của hầu hết các nước trên thế giới không nằm ngoài thời đại số hóa.

Ở Việt Nam, XBPĐT sau một quá trình tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ, hiện cũng đang hướng đến việc nâng tầm và chuyên môn hóa. Tính đến năm 2023, cả nước có 28 trong tổng số 57 nhà xuất bản tham gia xuất bản và phát hành điện tử (tăng hơn 26%). 6 tháng đầu năm nay, XBP dạng điện tử đạt 1.550 XBP (tăng 1,4%), xuất bản dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt trên 890 XBP với hơn 27 triệu bản (tăng 29% về số XBP và gần 63% về bản). Cho thấy tiềm năng của thị trường xuất bản điện tử trong nước là rất lớn.

Riêng với Cà Mau, thị trường này đang phát triển thế nào? Phóng viên Báo Cà Mau có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Đen, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, xoay quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết khái quát về loại hình XBPĐT?

Ông Nguyễn Văn Đen: Theo quy định tại Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) thì XBPĐT là XBP dưới các hình thức như: sách in, tranh, ảnh, bản đồ, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, các loại lịch, bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách… được định dạng số và đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử. Hoạt động phát hành XBPĐT thường được thực hiện thông qua các nền tảng trực tuyến như các trang web, ứng dụng di động hoặc các kênh phân phối điện tử khác thay vì các kênh phát hành truyền thống.

Tại Điều 19 Nghị định 195/2013/NĐ-CP của Chính phủ, phân chia XBPĐT có 2 loại, gồm: được chuyển sang hình thức điện tử từ XBP đã được xuất bản hợp pháp dưới hình thức khác; được tạo lập bằng phương thức điện tử, chưa được xuất bản dưới hình thức khác.

Nội dung và kỹ thuật đối với XBPĐT phải đáp ứng những yêu cầu về nội dung không bị đình chỉ phát hành, cấm lưu hành, thu hồi, tiêu hủy hoặc không chứa các nội dung vi phạm, làm ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, lợi ích quốc gia, tổ chức, cá nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nội dung phải đúng với XBP gốc đã được xuất bản hợp pháp, phải có chữ ký số của người đứng đầu tổ chức, cá nhân thực hiện việc phát hành… XBPĐT phải có định dạng số theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về định dạng tệp tin, âm thanh, hình ảnh, và tùy theo loại XBPĐT mà cơ quan quản lý sẽ có các yêu cầu về nội dung và kỹ thuật khác nhau.

- Trong tỉnh Cà Mau, loại hình XBPĐT đang phát triển thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đen: Trong thời đại công nghệ số với sự nở rộ của mạng xã hội, XBPĐT là xu thế phát triển mới đầy tiềm năng. Tuy nhiên, để phát hành và phân phối XBPĐT, cần phải có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để hỗ trợ việc lưu trữ, truyền tải và phân phối sản phẩm điện tử. Bên cạnh đó, rào cản về điều kiện công nghệ, đội ngũ nhân lực chuyên về công nghệ và cơ sở hạ tầng là nguyên nhân hạn chế đối với không ít nhà xuất bản. Mặt khác, đáp ứng yêu cầu của xã hội, thực hiện tốt chức năng văn hóa - tư tưởng, ngành xuất bản cần phải xây dựng chiến lược phát triển theo hướng số hóa, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển trong chiến lược tổng thể phát triển công nghệ số của quốc gia.

Mô hình XBPĐT sách tư liệu tại Thư viện tỉnh Cà Mau.

Mô hình XBPĐT sách tư liệu tại Thư viện tỉnh Cà Mau.

Nhà xuất bản phải tính toán tích hợp giữa xuất bản truyền thống và xuất bản điện tử, để đáp ứng được nhu cầu đặt ra và duy trì, phát triển ngành của mình. Trong khi hiện nay, mỗi đơn vị xuất bản hiện chỉ mới số hóa được một phần nhỏ nguồn cuốn sách, ấn phẩm đang có, cũng như chậm cải cách thể chế quản lý, cơ chế vận hành, sử dụng nguồn nhân lực để kinh doanh hiệu quả mô hình xuất bản điện tử.

Nhìn nhận thực tế thì đầu tư, phát triển của thị trường XBPĐT chưa có sự bứt phá, chưa theo kịp xu hướng phát triển công nghệ. Các nhà xuất bản còn do dự trong việc lựa chọn hướng đầu tư, phát triển sản xuất mới có sự kết hợp của công nghệ số. Vì còn những bất cập, hạn chế nên đến thời điểm này, Sở Thông tin và Truyền thông chưa nhận được hồ sơ xin cấp phép cho hoạt động XBPĐT và cũng chưa phát hiện có hoạt động XBPĐT trên địa bàn tỉnh.

Thư viện tỉnh Cà Mau tạm scan một ít sách tư liệu lên máy tính để đáp ứng như cầu đọc sách điện tử của độc giả.

Thư viện tỉnh Cà Mau tạm scan một ít sách tư liệu lên máy tính để đáp ứng như cầu đọc sách điện tử của độc giả.

- Trường hợp vi phạm quy định về XBPĐT thì sẽ bị xử lý ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đen: Căn cứ theo Điều 31 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ, việc xử phạt vi phạm quy định về điều kiện hoạt động xuất bản điện tử và phát hành XBPĐT có nhiều mức khác nhau, thấp nhất là 10 triệu đồng và cao nhất lên đến 200 triệu đồng. Ngoài ra, Nghị định này còn quy định hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động phát hành điện tử từ 1-3 tháng đối với hành vi phát hành trên phương tiện điện tử XBP đã có quyết định đình chỉ phát hành, thu hồi, cấm lưu hành, tiêu hủy đối với từng tên XBP.

Hơn nữa, buộc gỡ bỏ XBPĐT đối với các hành vi: phát hành XBPĐT không đúng nội dung bản thảo hoàn chỉnh đã được duyệt hoặc cấp giấy phép xuất bản đối với từng tên XBP; bổ sung thông tin mà người sử dụng XBPĐT không yêu cầu; không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về việc dừng xuất bản, phát hành XBPĐT hoặc loại bỏ, ngăn chặn người sử dụng tiếp cận XBP có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật; phát hành XBPĐT nhưng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận đăng ký hoạt động phát hành XBPĐT...

- Xin cảm ơn ông!

Mỹ Pha thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xuat-ban-pham-dien-tu-xu-the-cua-thoi-dai-a34080.html