Xuất bản sách 'Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi'
Cuốn sách 'Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi' chọn lọc một số bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm định hướng xây dựng nền văn hóa độc lập, tự chủ.
Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.
Tác phẩm góp phần khẳng định vai trò của tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay.
Cuốn sách có kết cấu bốn phần: Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng, Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Báo chí xuất bản phải “giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình để phục vụ quần chúng”.
Cuốn sách Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi là tài liệu giá trị, cẩm nang để mỗi cán bộ, Đảng viên phấn đấu, rèn luyện, học tập đạo đức, văn hóa.
Những người thực hiện chọn lọc một số bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm định hướng xây dựng nền văn hóa của nước Việt Nam độc lập, tự chủ, sánh vai cùng với các quốc gia khác trên thế giới.
Đọc cuốn sách, độc giả hiểu thêm những chỉ dẫn cụ thể về các lĩnh vực của văn hóa, như văn hóa nghệ thuật, báo chí, xuất bản, đạo đức, lối sống, thực hành đời sống mới, cách tuyên truyền, huấn luyện, cách nói, cách viết, giáo dục nền văn hóa mới, nâng cao kiến thức văn hóa cho nhân dân…
Người khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng”, "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Đối với văn hóa nghệ thuật, Người chỉ rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Trên lĩnh vực văn hóa giáo dục, Người nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, do vậy cần phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà.
Người yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh nắm vững quan điểm: “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế” và lưu ý: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt như đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”.
Đối với báo chí, xuất bản, Người yêu cầu cán bộ viết báo và xuất bản cần “phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định viết sách, viết báo cũng cần phải lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân.
Cuốn sách Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi là tài liệu giúp cán bộ, Đảng viên và nhân dân hiểu rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Đây cũng là cẩm nang để mỗi cán bộ, Đảng viên phấn đấu, rèn luyện, học tập đạo đức, văn hóa.