Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển
'Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển' là chủ đề Hội thảo khoa học diễn ra ngày 28/9 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức.
Hội thảo là một hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022).
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
Cùng dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia Sự thật; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức Hội Trung ương; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo Trung ương và địa phương, các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, các nhà xuất bản, công ty in, phát hành sách cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý từ nhiều cơ quan, đơn vị xuất bản và cơ sở đào tạo trên cả nước. Từ hơn 70 bài tham luận được gửi đến, Ban Tổ chức Hội thảo đã lựa chọn hơn 40 bài để in trong Kỷ yếu Hội thảo, với hai chủ đề lớn: “Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam - Hành trình 70 năm” và “Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam - Tầm nhìn và định hướng phát triển”.
HÀNH TRÌNH 70 NĂM VÀ TẦM NHÌN, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Ở chủ đề lớn thứ nhất: “Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam - Hành trình 70 năm”, các bài tham luận và ý kiến thảo luận tại Hội thảo không chỉ khái quát quá trình hình thành, phát triển và những dấu mốc quan trọng của Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam trong 70 năm qua, mà còn đi sâu, làm rõ những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Một số bài tham luận tiêu biểu như: Xuất bản Việt Nam phát huy truyền thống 70 năm, đẩy mạnh phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa; Xuất bản quân sự với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; Xuất bản Việt Nam với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Xuất bản Việt Nam với phát triển văn hóa đọc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc… Bên cạnh đó, các tham luận còn góp phần làm rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động xuất bản, in và phát hành; đóng góp của ngành đối với phát triển phong trào văn hóa đọc và một số yêu cầu quan trọng trong hoạt động xuất bản.
Ở chủ đề lớn thứ hai: “Ngành xuất bản, in và phát hành Việt Nam - Tầm nhìn và định hướng phát triển”, các bài tham luận đã tập trung làm rõ những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách ở Việt Nam hiện nay, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan, đơn vị xuất bản, in và phát hành. Đó là kết quả và kinh nghiệm trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; về thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế trong hoạt động xuất bản của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản Tư pháp; nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại nhìn từ hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản Thế giới; xây dựng, bảo tồn và truyền bá các tác phẩm, công trình văn hóa của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh… Đồng thời, các ý kiến trao đổi cũng nhấn mạnh vai trò của các Nhà xuất bản trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo của đất nước; trong đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực xuất bản, phát hành theo hướng liên kết và hội nhập; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương… Từ đó, khẳng định những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị xuất bản, in và phát hành trong quá trình hoạt động, nhằm thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những yêu cầu ngày càng cao của thị trường và bạn đọc.
Các tham luận cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với hoạt động xuất bản, in và phát hành sách ở Việt Nam thời gian tới, như: vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động xuất bản, trong đó có xuất bản điện tử, truyền thông số, thương mại điện tử… Trên cơ sở đó, chỉ rõ những yêu cầu tất yếu, bức thiết hiện nay, đó là phải nhận diện rõ bối cảnh, điều kiện, phương hướng để có giải pháp đổi mới công tác xuất bản, in và phát hành sách đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ mới, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đổi mới công tác quản lý nhà nước về xuất bản, in và phát hành, tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão hiện nay.
THỰC HIỆN TỐT HƠN NỮA SỨ MỆNH LƯU GIỮ VÀ TRUYỀN BÁ TRI THỨC
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong suốt quá trình lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của ngành, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò đặc biệt của hoạt động xuất bản, Đảng ta luôn xác định xuất bản là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý kiến tâm huyết, làm việc khoa học của các chuyên gia, nhà quản lý, người làm xuất bản được thể hiện sâu sắc qua các tham luận tại Hội thảo; đồng thời yêu cầu các cơ quan tham mưu, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản tiếp thu tinh thần Hội thảo, đổi mới tư duy, có giải pháp triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả và giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan lãnh đạo, quản lý trong việc chỉ đạo, định hướng, giám sát chặt chẽ và tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động xuất bản để ngành thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức và triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ rõ, trong bối cảnh tình hình mới, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, Nhà nước ta với nhiều hình thức tinh vi trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xuyên tạc, phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam... Với vai trò, trách nhiệm của mình, hoạt động xuất bản phải trở thành công cụ đắc lực, một binh chủng đặc biệt trong việc đấu tranh, phản biện, cung cấp thông tin, tri thức định hướng dư luận xã hội, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu, không lành mạnh; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới./.
Tin, ảnh: Thế Hoàng