Xuất cá ngừ sang châu Âu theo EVFTA

Sáng 10-10, tại KCN Suối Dầu, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống bán phá giá vào thị trường châu Âu nhằm tăng cường hoạt động chống khai thác bất hợp pháp trong ngành cá ngừ và thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA và lễ xuất khẩu cá ngừ đi châu Âu.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cùng đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, Đại sứ quán Tây Ban Nha đã cắt băng xuất khẩu 48 tấn cá ngừ của Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) sang Tây Ban Nha.

Công ty TNHH Hải Vương là doanh nghiệp (DN) tiêu biểu trong xuất khẩu thủy sản với 9 tháng của năm 2020 đã đạt 181 triệu USD, trong đó thị trường Liên minh châu Âu (EU) là 46,8 triệu USD. Đặc biệt, từ ngày 1-8-2020, khi EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) có hiệu lực, giá trị xuất khẩu trong 2 tháng 8 và 9-2020 sang EU là 16 triệu USD, bình quân 8 triệu USD/tháng, tăng 1,5 lần so với bình quân của các tháng đầu năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 220 mặt hàng thủy sản có thuế suất cơ sở 0% - 22% kể từ ngày EVFTA có hiệu lực. Riêng cá ngừ đông lạnh dạng fillet và loin, thuế suất cơ bản từ 18% được giảm về 0% theo lộ trình 3 năm; cá ngừ đóng hộp thuế 0% với hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn/năm. Đây là cơ hội để DN Việt Nam tăng cường mở rộng thị trường và tận dụng lợi thế cạnh tranh với đối thủ các nước như Thái Lan, đang chịu mức thuế là 18%-24%.

Cá ngừ xuất khẩu qua Tây Ban Nha của Công ty TNHH Hải Vương

Cá ngừ xuất khẩu qua Tây Ban Nha của Công ty TNHH Hải Vương

Theo VASEP, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó có cá ngừ, vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, với EVFTA, dự báo tổng giá trị cá ngừ xuất sang thị trường EU trong năm 2020 đạt 123 triệu USD.

Để đón đầu cơ hội, mở rộng xuất khẩu cá ngừ sang EU, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đang xây dựng 2 chuỗi giá trị cho cá ngừ vây vàng và sọc dưa theo Chương trình cải thiện nghề cá ngừ đại dương (FIP) phạm vi thế giới và đạt chứng chỉ quốc tế. Trong chuỗi giá trị này, phải giải quyết tốt 3 mắt xích quan trọng. Theo đó, đối với mắt xích ngư dân và tàu thu mua, hiệp hội đang tập trung hỗ trợ, đào tạo ngư dân để đạt mục tiêu "cung cấp các sản phẩm cá ngừ an toàn và minh bạch" bằng cách ghi nhật ký khai thác theo quy định; nâng cao ý thức bảo vệ hệ sinh thái, môi trường bằng các giải pháp kỹ thuật, ý thức không xả thải trên biển cho ngư dân.

Mắt xích thứ hai là nhà máy chế biến xuất khẩu. Hiện nay, đối với cá ngừ đại dương, đã có 23 nhà máy tham gia và 7 nhà mua hàng quốc tế trên toàn thế giới tham gia. Đối với cá ngừ sọc dưa, có 14 nhà máy chế biến đồ hộp và 4 nhà mua hàng quốc tế, qua đó xây dựng được mã truy xuất nguồn thủy sản. Mã truy xuất này được các nhà mua hàng quốc tế công nhận. Hiệp hội đang triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc điện tử ở Bình Thuận để giúp minh bạch hóa các sản phẩm cá ngừ.

Đối với mắt xích thứ 3 - nhà mua hàng, hiệp hội đã liên kết được 7 nhà mua hàng cá ngừ đại dương và 4 nhà mua hàng cá ngừ sọc dưa ở các thị trường quốc tế có trách nhiệm hỗ trợ ngược lại để giúp Việt Nam cải thiện nghề cá.

Bài và ảnh: Kỳ Nam

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/xuat-ca-ngu-sang-chau-au-theo-evfta-20201010213225128.htm