Xuất hiện bệnh khảm lá sắn trên diện rộng
Thời gian gần đây, bệnh khảm lá sắn (mì) xuất hiện, lây lan nhanh ở nhiều vùng sắn trên toàn tỉnh. Cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo nông dân các biện pháp xử lý.
1.140ha sắn bị bệnh khảm lá
Cây sắn dễ trồng, vốn đầu tư ban đầu thấp, có khả năng chịu hạn tốt. Trong điều kiện bình thường, mỗi hec-ta sắn có thể cho người trồng thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ… Những yếu tố này giúp cho cây sắn được nhiều nông dân lựa chọn, nhất là những hộ không có nhiều vốn đầu tư, ở vùng đất gặp khó khăn về nước tưới. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây sắn thường bị bệnh khảm lá gây hại nặng nề.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có gần 3.000ha trồng sắn, nhưng có đến 1.140ha bị bệnh khảm lá gây hại. Trong đó, có 620ha bị nhiễm bệnh nặng với tỷ lệ bệnh hơn 20%, tập trung ở huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh - 2 địa phương có diện tích sắn lớn nhất tỉnh. Tại thị xã Ninh Hòa, diện tích trồng sắn là 465ha, chủ yếu trồng giống cao sản, tập trung ở các xã: Ninh Tây, Ninh Sim, Ninh Xuân, Ninh Thượng và Ninh Tân. Ngày 9-3, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Ninh Hòa đã khuyến cáo nông dân về bệnh khảm lá sắn xuất hiện với tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng 50ha, tỷ lệ nhiễm phổ biến 5-10%, có nơi hơn 30%.
Theo cơ quan chuyên môn, dấu hiệu nhận biết bệnh khảm lá là trên lá của cây sắn nhiễm bệnh bị khảm vàng loang lổ, lá bị xoăn, cong, nhăn nhúm, triệu chứng xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây. Cây sắn nhiễm bệnh bị giảm hẳn năng suất, chất lượng củ (có thể ảnh hưởng lên tới 80%), thậm chí không ra củ, gây thiệt hại nặng nề cho người trồng sắn.
Cần sử dụng giống rõ nguồn gốc
Theo ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, bệnh khảm lá sắn chủ yếu lây lan qua 2 đường: hom giống bị nhiễm bệnh hoặc do bọ phấn trắng chích hút từ cây bệnh truyền sang cây khác. Trong đó, việc người dân thường có tập quán sử dụng nguồn giống từ các diện tích sắn đã bị nhiễm bệnh để làm hom giống, hoặc mua hom giống từ các nguồn bên ngoài, không rõ nguồn gốc, nguy cơ hom giống có chứa sẵn mầm bệnh.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân nhận thức về tác hại của bệnh này, cơ quan trồng trọt và bảo vệ thực vật các cấp đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu khả năng bùng phát của bệnh khảm lá sắn. Những diện tích sắn đã bị nhiễm bệnh phải nhổ bỏ và tiêu hủy. Ngoài ra, trên diện tích sắn đã bị nhiễm bệnh, nông dân luân canh sang một loại cây khác. Đồng thời, khi trồng cần chọn hom giống sạch, có nguồn gốc rõ ràng, không trồng các giống thường nhiễm bệnh nặng như HLS11; không mua giống từ các vùng đã có diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá. Đối với những vùng có nguy cơ xảy ra bệnh, nông dân có thể sử dụng bẫy dính màu vàng treo trên ruộng đồng để diệt bọ phấn trắng. Đối với những diện tích sắn bị nhiễm bọ phấn nặng, nông dân có thể phun thuốc bảo vệ thực vật trừ bọ.
Ông Trần Thiện Hùng cho biết: “Trong thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm soát nguồn gốc giống sắn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, cung cấp giống sắn không rõ nguồn gốc, đã nhiễm bệnh khảm lá. Ngoài ra, người trồng sắn cần thường xuyên thăm ruộng, phát hiện sớm bệnh khảm lá để nhanh chóng xử lý, tránh lây lan diện rộng”.
Hồng Đăng